Dấu ấn biên phòng - Khúc tráng ca trên dải biên cương

09/03/2013 15:24

> Xem Bài 1: Nơi “sơn cùng thủy tận”

“Dòng tên anh khắc vào đá núi”

Ngược lên Đồn Biên phòng Tam Hợp huyện Tương Dương, chúng tôi lại nhớ cách đây 20 năm, đi ô tô hơn 10km từ Thị trấn Hoà Bình xuôi theo Quốc lộ 7 xuống xã Tam Thái, rồi từ bản Na Tổng khoác ba lô trèo đèo, lội suối hơn 20 cây số già nửa ngày mới đến Xốp Nặm, trung tâm xã. “Xốp Nặm”, theo tiếng Thái nghĩa là cửa nước, nơi hai con suối hợp lưu thành khe Chà Lạp. Nơi “cửa nước” này chia hai ngả, theo ngả hướng Nam đến bản Phồng của người Tày Poọng, ngả khe hướng Tây Bắc đến bản Văng Môn người Thái ở dưới thấp, lên cao là bản Phà Lõm, Huồi Sến của người Mông. Hai hướng đó đều đến giáp biên giới Việt-Lào.

Bằng các chương trình dự án và nỗ lực của huyện, nay con đường vào đã được mở thông, ô tô có thể lên tận Cửa khẩu Tam Hợp. Dù chiếc u-oát phun khói gầm gừ, lắc lư nhảy chồm chồm, nhiều lần thót tim khi men một bên vực thẳm nhưng cũng sướng gấp vạn lần so với trước. Và tôi vẫn chưa quên cái đêm đông giá buốt năm ấy, không ai muốn rời bếp lửa nhà già bản Già Vàng Cải ở bản Phà Lõm. Khi có tin báo một tốp phỉ xâm nhập vào nội địa, theo bố trí, tối hôm đó chúng tôi phải bí mật dời chỗ ngủ đến năm lần. Hồi đó, xã Tam Hợp, có bản Phà Lõm 1, Phà Lõm 2 và Huồi Sến của người Mông, nằm sát đường biên giới, cách trung tâm xã gần hai ngày đi bộ. Đồn Tam Hợp quản lý 9km đường biên giới, trong đó có mốc M2. Trong khu vực gồm 5 bản, 426 hộ, 1858 khẩu, trong đó có một bản của người Tày Poọng 171 hộ, 570 hộ người Mông và 489 hộ người Thái. Ngoài ra, đồn còn nắm tình hình, tham mưu giúp bạn Lào cụm kinh tế Thong May Xay, huyện Viêng Thoong, tỉnh Bô-ly-khăm-xay. Từ năm 2000, đây là một trong những địa bàn nóng nhất hoạt động của phỉ từ bên kia biên giới móc nối về nội địa trên tuyến biên giới phía Tây Nam Nghệ An.

Và hôm nay, trở lại đây, mảnh đất này đã rất bình yên và những người lính biên phòng vẫn luôn nhớ và tự hào kể cho chúng tôi nghe câu chuyện hy sinh bi tráng của Anh hùng liệt sỹ Và Bá Giải... Thực hiện kế hoạch KT- 02 của Bộ CHBP Nghệ An, do thông thạo địa hình, ngôn ngữ, Và Bá Giải được cấp trên tin tưởng điều động tăng cường cho Đồn Biên phòng 551. Anh cùng đội trinh sát thực hiện nhiều chuyến công tác tuần tra kiểm soát đường biên, đấu tranh ngăn chặn không cho phỉ xâm nhập vào nội địa, cắt đứt mọi đường dây tiếp tế, trao đổi hàng hoá, vũ khí sang vùng phỉ. Vào lúc 15 giờ 30 phút, ngày 26/7/2004, tổ công tác hai người do anh phụ trách làm nhiệm vụ tuần tra mốc M2 thuộc địa bàn Tân Sơn, xã Tam Hợp phát hiện hai đối tượng lạ mặt mang ba lô và súng kíp. Nêu cao tinh thần cảnh giác, anh triển khai đội hình kiểm tra. Bất ngờ chúng bỏ chạy về hướng biên giới. Cuộc truy đuổi diễn ra sau đó, dù đã nổ ba phát súng cảnh cáo nhưng chúng vẫn chạy thục mạng. Anh cùng đồng đội quyết tâm truy đuổi đến cùng nhằm bắt sống đối tượng. Đuổi khoảng 200m, qua địa hình hiểm trở ra tới đường mòn, bất ngờ một toán phỉ nổ súng xối xả vào đội hình truy đuổi. Giải đẫn đầu đội hình hứng đạn cho đồng đội, ngã xuống hy sinh. Buổi hoàng hôn đã khép lại cuộc đời thanh xuân của người con dân tộc Mông. Gương chiến đấu dũng cảm và những chiến công xuất sắc bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, Liệt sỹ Và Bá Giải và Đồn biên phòng Tam Hợp đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ đổi mới. Nghe kể về Và bá Giải, chúng tôi lại nhớ tới các Anh hùng liệt sỹ Phạm Xuân Phong, Trạm kiểm soát Biên phòng Ta Đo, Nguyễn Cảnh Dần, Đồn Biên phòng Nặm Càn đã anh dũng ngã xuống trên đường biên để giữ cho những mùa hoa đào, hoa mận xòe nở. Các anh đã làm nên khúc tráng ca bất tử của người lính...

Ăn thề nhập họ người Mông

Bây giờ không còn cái tên Phà Lõm, Huồi Sến nữa, Đồn Biên phòng Tam Hợp tham mưu cho huyện Tương Dương sát nhập chuyển dân hai bản này xuống thấp nhập thành tên bản mới Huồi Sơn. “Huồi” là suối, “sơn” là núi, một bản mới sơn thủy hữu tình. Nhưng để đưa dân hai bản xuống núi lập bản mới, nghe các anh kể lại gian nan lắm. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đội vận động quần chúng phải đảm nhiệm từ 5 đến 7 gia đình, phải "bốn cùng với dân”. Vận động được gia đình nào xuống bản mới, đồn lại tham mưu, phối hợp với các tổ chức đoàn thể địa phương giúp dân dựng nhà tạm, hỗ trợ lương thực, chia đất sản xuất để nhanh chóng ổn định cuộc sống. Mới đầu chưa quen với nơi ở mới, đất đai canh tác phải khai hoang từ đầu, mọi điều kiện cho đời sống sinh hoạt còn tạm bợ, cơ sở hạ tầng chưa kịp xây dựng... Không ít gia đình đã quay về bản cũ, cán bộ chiến sĩ trong đội vận động quần chúng lại ba lô ngược lên bản kiên trì tìm đến tận nương rẫy vận động bà con quay lại.



Ngôi nhà Đại đoàn kết do Bộ đội biên phòng dựng giúp bản người Mông Huồi Sơn.

Năm 2007, thực hiện được mục tiêu xây dựng kế hoạch bản người Mông Huồi Sơn thành bản điểm sáng biên cương phải kể đến sự đóng góp của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các đơn vị kết nghĩa hỗ trợ vật tư, tài chính xây dựng các công trình phục vụ dân sinh; vận động nhân dân giúp nhau xóa nhà ở tranh tre tạm bợ và phát triển kinh tế gia đình…Bây giờ đến bản Huồi Sơn, những ngôi nhà “Đại đoàn kết” mái tôn khang trang và những thửa ruộng bậc thang dưới một lũng núi như bức tranh thuỷ mặc. Vào đầu bản đã nghe tiếng trẻ bi bô đọc bài vang lên. Ông Xồng Nhia Mại xúc động nói: "Không có bộ đội biên phòng thì không biết khi mô mới làm được nhà to đẹp thế này". Ngôi nhà của ông Mại là ngôi nhà đầu tiên trong số những ngôi nhà “đại đoàn kết” do “đội thợ mộc áo xanh” dựng theo thiết kế tập của gia đình người Mông, bản Huồi Sơn. Cùng với xây dựng nhà, tổ công tác đã “ba cùng, cầm tay chỉ việc” giúp bản Huồi Sơn phát triển kinh tế gia đình đào ao nuôi cá; hướng dẫn trồng cỏ voi, khoanh vùng chăn nuôi trâu, bò, gà đen, lợn đen, trồng khoai sọ, gừng, bí xanh… Để hạn chế phát rừng làm rẫy, bảo vệ môi trường sinh thái rừng đầu nguồn, tổ công tác còn giúp dân bản khai hoang ruộng nước thâm canh hai vụ.



Người Mông bản Huồi Sơn đã biết dùng máy cày.



Bộ đội tắm cho trẻ em bản mới Huồi Sơn.

Thượng tá, Đồn trưởng Ngô Xuân Viết cho biết: Cán bộ, chiến sỹ đồn đã đóng góp lương làm thủy điện nhỏ, mua bàn ghế cho nhà văn hoá cộng đồng của bản… Riêng năm 2012, cán bộ, chiến sĩ góp được 18 triệu đồng, giúp đỡ nhiều ngày công để hỗ trợ 2 hộ thoát nghèo; hỗ trợ cho 4 em học sinh nghèo, trong đó có 2 em mồ côi ăn học; đóng góp ngày công làm nhà ở cho mẹ Vi Thị Huệ (vợ liệt sĩ); hỗ trợ, giúp đỡ để xây dựng có hiệu quả 2 mô hình kinh tế nuôi lợn đen bản địa. Ngoài ra, cán bộ chiến sĩ trong đồn còn thường xuyên giúp dân làm các công trình vệ sinh gia đình, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm...

Đón khách trong ngôi nhà khang trang, ông Vừ Tồng Lông sai bà vợ leo lên chạn mang chai rượu quý xuống mời khách xa. Dù mới một ngụm đã lạnh toát cổ họng, nhưng không ai dám từ chối được “cái lý” mến khách của người Mông. Loáng choáng men nồng và cách diễn đạt thiếu vốn từ phổ thông của ông Tồng Lông, chúng tôi vẫn chắp nối được câu chuyện về những ngày đầu gian khó nghe theo Bộ đội Biên phòng vận động bà con người Mông hai bản đoàn kết các giòng họ xuống núi lập bản, dựng mường mới. Và cả câu chuyện một sĩ quan biên phòng “cắm” bản đã làm lễ ăn thề nhập họ Vừ kết nghĩa anh em của Nguyễn Cảnh Hà thành Vừ Bá Tủa vẫn còn được ông lưu giữ mãi đến bây giờ.

Vừ Tồng Lông kể: “Năm 1995, Tủa (ông gọi tên thân thiết do người Mông đặt cho Nguyễn Cảnh Hà) lên bản Huồi Sến công tác nhiều lần ở trong nhà thành quen. Một thời gian sau, vợ mình bị bệnh mất khi mới sinh thằng con trai Vừ Bá Cờ được một tuổi. Nhà neo đơn lắm, hai con gái lớn đi lấy chồng xa. Cờ nhớ mẹ khóc ngặt. Tui đi làm rãy xa, nhiều hôm chỉ có Tủa ở nhà vừa giã gạo, vừa nấu cơm canh bón cho Cờ ăn. Thằng Cờ lớn lên, đi học đến lớp 9 ngoài trường dân tộc nội trú huyện là nhờ Tủa nuôi giúp bày dạy đó. Đến lúc Tủa đau sưng cả cánh tay, đi khám các bệnh viện, tiêm nhiều thuốc không khỏi. Tui cố tìm thuốc cho Tủa. Sau khi dùng hai bó thuốc tui tìm được thì khỏi hẳn. Thế là mổ một con lợn làm lễ kết nghĩa anh em và cho Hà nhập họ Vừ từ đó”. Ngồi nghe chuyện, thấy những cánh rừng ban nở trắng nở xòe và những nụ đào chúm chím nở trên đỉnh núi, trong tôi lại vang lên giọng hát của cô gái người Mông Vừ Y Mùa, trong một nhạc phẩm ngợi ca sự cống hiến hy sinh thầm lặng của người lính biên phòng trên dải đất biên cương...


Minh Thư

Mới nhất
x
Dấu ấn biên phòng - Khúc tráng ca trên dải biên cương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO