Dấu ấn mới của Nhật Bản tại Lục địa đen
(Baonghean) - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang có chuyến công du Châu Phi nhằm tăng cường quan hệ ngoại giao và kinh tế. Năng lượng và xuất khẩu hàng hóa được cho là những vấn đề trọng tâm trong chuyến xuất hành đầu năm này của Thủ tướng Abe. Tuy nhiên, dư luận khá quan tâm tới các khoản viện trợ mà Nhật Bản cam kết sẽ dành cho khu vực này. Hàng trăm triệu đô la Mỹ cùng những thỏa thuận hợp tác không chỉ nhằm thúc đẩy sự ổn định tại Lục địa đen mà còn giúp các công ty Nhật Bản tạo những “dấu ấn” mới và không bị tụt hậu so với Trung Quốc đối với khu vực giàu tiềm năng này.
Mục đích chuyến thăm Côte d'Ivoire, Mozambique và Ethiopia của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo được Tokyo lý giải là nhằm tăng cường hợp tác kinh tế với các quốc gia này, qua đó đảm bảo nguồn cung năng lượng, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, mục đích sâu xa hơn lại nằm ở những khía cạnh khác, có ý nghĩa lớn hơn nhiều đối với vị thế ngoại giao và kinh tế của Nhật Bản tại “lục địa đen”.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại cuộc gặp mặt lãnh đạo nhà nước Côte dIvoire tại Abidjal hôm 1/1. |
Trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước Mặt trời mọc đang dần phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng, thì việc tìm kiếm nguồn cung cấp năng lượng, và các tài nguyên thiên nhiên khác là vô cùng cần thiết. Và Châu Phi chính là một mảnh đất màu mỡ mà các doanh nghiệp Nhật Bản đang hướng đến. Chính vì thế, không có gì lạ khi tháp tùng Thủ tướng Abe trong chuyến công du này có tới hơn 50 doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản. Điều này cho thấy Nhật Bản đã bắt đầu xem châu Phi là đối tác kinh tế tiềm năng hơn là một khu vực chỉ nhận viện trợ. Còn nhớ, tại hội nghị quốc tế về phát triển châu Phi năm ngoái ở Tokyo, Thủ tướng Abe cam kết sẽ viện trợ 3.200 tỷ yen (tương đương 32 tỷ USD) cho “lục địa đen” phát triển cơ sở hạ tầng trong 5 năm tới. Và trong chuyến thăm lần này, dường như Thủ tướng Abe đã giữ đúng lời hứa!
Tại Côte d'Ivoire, Thủ tướng Abe cho biết Nhật Bản sẽ cung cấp khoản viện trợ trị giá hơn 80 triệu USD cho người tị nạn tại khu vực Sahel, vành đai trải dài từ Đại Tây Dương tới Biển Đỏ. Ngoài ra, Tokyo cũng cam kết viện trợ 7,7 triệu USD cho Côte d'Ivoire duy trì an ninh trong nước. Dự kiến, Thủ tướng Abe cũng mang theo những cam kết đầu tư hấp dẫn như gần 600 triệu USD vốn vay cho Mozambique để xây dựng đường cao tốc và khoảng 100 triệu USD cho Ethiopia để xây dựng một nhà máy nhiệt điện. Từ những khoản viện trợ, những thỏa thuận hợp tác quan trọng này, Thủ tướng Abe đang muốn hiện thực hóa quyết tâm biến khu vực Châu Phi giàu tiềm năng thành vùng đất hứa của tăng trưởng trong tương lai không xa. Một khi điều này trở thành hiện thực, vai trò và vị thế của Nhật Bản tại đây sẽ không hề nhỏ.
Nhìn ở một góc độ khác và cũng rất đáng chú ý, đó là chuyền thăm châu Phi của Thủ tướng Abe diễn ra cùng thời điểm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới 4 nước châu Phi. Với diễn biến này, nhiều nhà phân tích cho rằng: châu Phi rất có thể là “chiến trường” mới của Nhật Bản và Trung Quốc giữa lúc quan hệ 2 nước chưa hết căng thẳng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ. Rõ ràng, đây sẽ là “cuộc đua” giành ảnh hưởng đầy khó khăn với Nhật Bản bởi Trung Quốc đang có lợi thế là “người đến trước”. Từ năm 2009, Trung Quốc đã trở thành đối tác hàng đầu của châu Phi; 13,5% ngoại thương của lục địa này là với Trung Quốc, trong khi với Nhật Bản chỉ là 2,7%, theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, Nhật Bản đang có những bước đi chậm mà chắc, không đầu tư tràn lan khai thác triệt để tài nguyên mà đầu tư có chọn lọc vào các dự án cụ thể, chủ yếu là cơ sở hạ tầng, vốn là thế mạnh của Nhật Bản. Như vậy, chuyến công du lần này của Thủ tướng Abe sẽ là bước khởi đầu mới trong việc tìm lại vị thế của Nhật Bản tại Lục địa đen.
Thanh Huyền