Dấu ấn ngôi trường Việt tại thủ đô Viêng Chăn

07/03/2014 15:30

(Baonghean.vn) - Tại thủ đô Viêng Chăn (Lào) có một ngôi trường mang tên đại thi hào dân tộc Nguyễn Du được xây nhờ sự hỗ trợ của chính phủ hai nước Việt Nam - Lào. Đây không chỉ là nơi học tập, truyền bá, giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa quê hương cho con em người Việt tại Viêng Chăn mà còn trở thành địa chỉ gặp gỡ quen thuộc của bà con Việt kiều trên đất nước triệu voi…

(Baonghean.vn) - Tại thủ đô Viêng Chăn (Lào) có một ngôi trường mang tên đại thi hào dân tộc Nguyễn Du được xây nhờ sự hỗ trợ của chính phủ hai nước Việt Nam - Lào. Đây không chỉ là nơi học tập, truyền bá, giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa quê hương cho con em người Việt tại Viêng Chăn mà còn trở thành địa chỉ gặp gỡ quen thuộc của bà con Việt kiều trên đất nước triệu voi…

Chúng tôi đến thăm trường Nguyễn Du tại quận Chăn Tha Bu Li- thủ đô Viêng Chăn trong một buổi chiều đầy nắng, không hẹn trước nhưng vẫn được thầy hiệu trưởng Trương Văn Tài đón tiếp rất niềm nở. Lúc này đang là giờ học tiếng Việt của các em học sinh bậc tiểu học. Trong các lớp học vang lên những tiếng đánh vần i tờ quen thuộc như bất cứ một giờ học nào trên đất nước Việt Nam.

Ghé thăm lớp 1 E, tất cả các em đều đứng dậy khoanh tay chào bằng tiếng Việt rất lễ phép. Cô giáo Nguyễn Thị Thu- quê ở Đan Phượng (Hà Tây cũ), định cư cùng chồng và hai cô con gái ở Lào đã 10 năm và có hơn 4 năm dạy tiếng Việt ở Trường Nguyễn Du cho biết : lớp có 39 em chủ yếu là người Việt, chỉ có 1 em người Lào. Các em rất hứng thú với giờ học Tiếng Việt 2 tiết mỗi ngày và học tập rất chăm chỉ.

Các em học sinh học tiếng việt tại trường Nguyễn Du, Thủ đô Viêng Chăn, Lào
Các em học sinh học tiếng việt tại trường Nguyễn Du, Thủ đô Viêng Chăn, Lào

Hầu hết học sinh người Việt học tại trường này đều sinh ra ở Lào và được bố mẹ cho đi học để giữ gìn tiếng nói, bản sắc của quê hương. Trò chuyện với chúng tôi, cô bé Đinh Thị Yến Nhi tên tiếng Lào là PaPani 6 tuổi hồn nhiên bày tỏ : “Em muốn học tiếng Việt để mỗi khi về quê có thể trò chuyện được với ông bà và các anh chị”. Đến giờ ra chơi, học sinh từ các lớp học ùa ra sân trường và chúng tôi khá bất ngờ khi các em vẫn chơi những trò chơi dân gian của người Việt như nhảy dây, bịt mắt bắt dê…

Giờ học tiếng Việt của học sinh lớp 1e, trường Nguyễn Du tại thủ Đô Viêng Chăn, Lào
Giờ học tiếng Việt của học sinh lớp 1e, trường Nguyễn Du tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào

Theo thầy Trương Văn Tài- Hiệu trưởng trường Nguyễn Du thì: Ở thủ đô Viêng Chăn hiện nay có khoảng 20 nghìn người Việt đang sinh sống và làm việc. Dù sống xa quê nhưng họ vẫn một lòng hướng về tổ quốc và mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa Việt, nhất là tiếng mẹ đẻ cho con em. Tuy nhiên, có một thực tế là vì nhiều lý do khác nhau nhưng chủ yếu là do bận bịu với công việc làm ăn nên một số gia đình không có nhiều thời gian dạy tiếng Việt cho con em mình. Vì thế, với các thế hệ thứ 4 và thứ 5 hoặc những thế hệ kế tiếp bản sắc văn hóa có nguy cơ bị mai một, từ đó dễ dấn đến mất gốc. Nhiều em không nói sõi được tiếng Việt. Vì vậy, trường Nguyễn Du ra đời đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cộng đồng người Việt Nam ở Lào.

Giờ ra chơi của học sinh trường Nguyễn Du
Giờ ra chơi của học sinh trường Nguyễn Du

Trường được khởi công xây dựng vào năm 2007 trên diện tích 10.370m2, 3 tầng với 44 phòng học, phòng thư viện, phòng học máy vi tính, phòng nghỉ của giáo viên và phòng ăn nghỉ của học sinh bán trú. Đất do chính phủ Lào cấp, còn kinh phí xây dựng trường chủ yếu là nhờ tài trợ của Chính phủ Việt Nam, ngoài ra còn có sự hỗ trợ tích cực của Hiệp hội Các doanh nghiệp Việt Nam và cộng đồng người Việt ở thủ đô Viêng Chăn

học sinh cấp 3 trường nguyễn du thủ đô Viêng Chăn mặc đồng phục áo xanh thanh niên tới trường
Học sinh cấp 3, trường Nguyễn Du thủ đô Viêng Chăn mặc đồng phục áo xanh thanh niên

Trong năm học đầu tiên, trường Nguyễn Du mới tiếp nhận 700 học sinh, từ lớp mẫu giáo đến hết cấp 2. Học sinh học theo giáo trình của Bộ Giáo dục Lào, nhưng tiếng Việt cũng là môn học chính với lịch học mỗi tuần 2 tiết. Đến nay, trường đã có đủ 4 cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông với 1.761 học sinh, 85 giáo viên, trong đó có 35 giáo viên người Việt. Bộ Giáo dục- Đào tạo Việt Nam cũng đã cử các giáo viên có đủ trình độ chuyên môn và kiến thức sư phạm sang để hỗ trợ cho nhà trường. Nhiều người đã gắn bó lâu năm và có đóng góp lớn với nhà trường như cô Lương Thị Vin- quê ở Nghệ An, trước đây từng có 6 năm dạy tiểu học ở trường và hiện nay là cô Lê Hồng Phương và Nguyễn Thị Phượng… Nhờ sự nhiệt tình, tâm huyết của giáo viên, nỗ lực của các bậc phụ huynh và các em học sinh, từ chỗ không hiểu biết một chút tiếng Việt nào giờ nhiều em đã đọc thông viết thạo tiếng Việt. Đáng chú ý, trong số học sinh của trường có 20% con em của các bạn Lào. Các em chủ yếu là con của cán bộ, sĩ quan quân đội… được cha mẹ tin tưởng gửi đến học tại trường Nguyễn Du. “Em muốn học tiếng Việt thật giỏi để sau này sẽ tiếp tục đi du học ở Việt Nam”- em Hun A Lun, học sinh người Lào tại trường Nguyễn Du bày tỏ. Điều này cũng là một minh chứng cho tình đoàn kết hữu nghị Việt- Lào được các thế hệ đi trước dày công xây dựng.

Học sinh lớp 1e trường Nguyễn Du tại thủ đô Viêng Chăn
Học sinh lớp 1e trường Nguyễn Du tại thủ đô Viêng Chăn

Là loại hình trường tư thục đa cấp nên hàng năm Trường Nguyễn Du không được cấp ngân sách nhà nước. Số lượng học sinh tăng lên từng năm, nhưng cơ sở vật chất lại chưa đáp ứng kịp, trong khi lương của giáo viên lại phụ thuộc vào sự đóng góp của phụ huynh, nhưng không vì thế mà trường quên đi nhiệm vụ cao cả của mình. Hàng năm trường luôn đứng ở top 5 các trường học tại quận Chăn Tha Bu Li- thủ đô Viêng Chăn. Năm học vừa qua tỷ lệ lên lớp các cấp đạt 98%, tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 98%. Trường cũng có nhiều học sinh đạt giải nhất, nhì, ba các môn văn, toán, tự nhiên và xã hội cấp huyện và thành phố, giải nhì và giải 3 toán quốc tế. Trong năm học 2012-2013 trường có em Hà Yên Vy đạt giải nhất cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia nên được miễn học phí.

Học sinh trường Nguyễn Du chăm sóc khuôn viên cây xanh
Học sinh trường Nguyễn Du chăm sóc khuôn viên cây xanh

Song song với thực hiện chương trình của Bộ Giáo dục đào tạo Lào, nhà trường luôn coi trọng việc dạy tiếng Việt cho các em học sinh. Với nguyện vọng duy trì tiếng mẹ đẻ để lưu giữ và phát huy tinh thần văn hóa Việt Nam cho các thế hệ sau, Ban giám hiệu nhà trường luôn trăn trở tìm kiếm những biện pháp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho con em được học tập trong môi trường giáo dục bảo đảm chất lượng “bắt đầu từ năm 2014, nhà trường thực hiện tăng giờ dạy tiếng việt ngày 2 tiết lên 4 tiết”- Thầy Trương Văn Tài chia sẻ.

Học sinh trường Nguyễn Du Thủ đô Viêng Chăn chơi nhảy dây
Học sinh trường Nguyễn Du Thủ đô Viêng Chăn chơi nhảy dây

Cùng với dạy tiếng Việt, vào các dịp lễ tết quan trọng của dân tộc như Tết cổ truyền, Trung thu, kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác… nhà trường còn tổ chức các chương trình ngoại khóa nhằm tạo các sân chơi bổ ích cho các em học sinh. Hàng tháng trường còn thường xuyên tổ chức thi tìm hiểu kiến thức theo chủ đề bằng tiếng Việt, sinh hoạt CLB em yêu tiếng Việt… Trường cũng chú trọng hoạt động TDTT, VHVN, giáo dục nề nếp kỷ cương cho học sinh. Vào thứ hai và thứ 6 hàng tuần, học sinh cấp 1, cấp 2 phải mặc đồng phục áo trắng đeo khăn quàng đỏ, học sinh cấp III mặc đồng phục áo xanh thanh niên Việt Nam. Việc chào cờ và hát quốc ca Việt Nam- Lào cũng được duy trì điều đặn vào thứ hai hàng tuần. Mỗi sáng, trước khi vào học chính thức, học sinh xếp hàng tập thể dục và đồng thanh đọc 5 điều Bác Hồ dạy; 6 điều yêu, 3 điều ghét cố Chủ tịch Cay xỏn phôn vi hản của nước Lào dạy. Trong khuôn viên của trường còn có nhiều cây xanh, nhiều bồn hoa đủ màu sắc do các lớp tự tay chăm sóc….

Toàn cảnh trường Nguyễn Du, thủ đô Viêng Chăn, Lào
Toàn cảnh trường Nguyễn Du, thủ đô Viêng Chăn, Lào

Thông qua việc đầu tư cho giáo dục, Ban giám hiệu nhà trường và cộng đồng người Việt ở thủ đô Viêng Chăn muốn tạo điều kiện cho học sinh có môi trường học tập tốt, bồi đắp tình yêu quê hương, nguồn cội cho các em và tạo dấu ấn về một ngôi trường Việt mang tên Đại thi hào Nguyễn Du trên đất bạn Lào.

Bài,ảnh: Khánh Ly- Đào Tuấn

Mới nhất

x
Dấu ấn ngôi trường Việt tại thủ đô Viêng Chăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO