Dấu ấn nơi biên cương
(Baonghean) - Cùng với nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ vững chắc 419,5 km đường biên, Bộ đội Biên phòng Nghệ An còn có nhiều chương trình hành động cụ thể, thiết thực giúp đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Những cán bộ, chiến sỹ mang quân hàm xanh góp phần làm đổi thay dải đất biên cương, khẳng định niềm tin của dân bản với quân đội, chính quyền, tổ chức đảng.
Nơi nào khó có chiến sỹ biên phòng
Hành trình vào bản Cò Phạt, bản Búng ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông cho đến nay vẫn còn những khó khăn khi phải vượt qua thác ghềnh ngược dòng sông Giăng. Đây cũng là con đường “độc đạo” đến với tộc người Đan Lai ở Khe Khặng. Mặc dù còn những gian khó nhưng người Đan Lai giờ đây không còn chạy trốn nữa, họ đã kết nối thành bản làng, sinh sống yên vui, học làm lúa nước, chăn nuôi… Để có được hiện thực này, Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng chính quyền, các ban ngành huyện Con Cuông đã cử nhiều cán bộ, chiến sỹ gần gũi, tuyên truyền với phương châm “mưa dầm thấm lâu” và thực hiện “lời nói đi đôi với việc làm”. Ông La Văn Linh - Trưởng bản Cò Phạt cho biết: “Nhờ sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng, của Nhà nước, bà con giờ đã có nhà ở vững chắc, không còn phải ngủ bờ, ngủ bụi như trước nữa. Giờ bà con cũng đã biết làm lúa nước, biết nuôi con gà, con bò, trồng các loại cây để có cái ăn ổn định. Con cháu cũng được học cái chữ. Hàng ngày, các anh biên phòng có đến thăm, động viên nên bà con yên vui với bản làng. Trước tết Nguyên đán vừa rồi, có 19/67 khẩu có ý định trở về nơi cũ nhưng bộ đội biên phòng đã vận động, thuyết phục họ ở lại Cò Phạt…”
![]() |
BĐBP Đồn BP Mỹ Lý tặng chăn cho học sinh Trường Mầm non xã Bắc Lý - Kỳ Sơn. |
Còn đối với dân bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp huyện Tương Dương thực sự phấn khởi sau mấy năm “xuống núi”. Trước đây 47 hộ đồng bào Mông ở bản thường du canh, du cư, chặt phá rừng làm rẫy và từng di cư tự do sang Lào. Cuộc sống “nay đây, mai đó” trở nên đói nghèo, lam lũ quanh năm. Trước tình hình đó, BĐBP tích cực vận động đồng bào định cư, định canh, giúp đỡ phát triển sản xuất kinh tế theo hướng hàng hóa. Cán bộ, chiến sỹ biên phòng kêu gọi và trực tiếp chung tay giúp đỡ, xây dựng cho đồng bào Mông nơi đây 47 ngôi nhà “Đại đoàn kết” dành cho 47 hộ. Cùng đó, xây dựng mô hình kinh tế điểm bằng cách chọn những người có uy tín trong bản và tập trung giúp đỡ, hướng dẫn làm ăn, phát triển mô hình VAC. Thành công của các hộ gia đình này là niềm tin, động lực để nhân dân trong bản làm theo. Từ một ao cá, một chuồng bò, một thửa ruộng lúa nước… giờ đây, những con số ấy đã tăng lên hàng chục lần. Đồng bào tin tưởng ở bộ đội, vậy là họ quyết tâm bám bản, bám làng, không sống du canh, du cư như trước nữa. Giờ đây, bản Huồi Sơn đang trở thành điểm sáng nơi biên cương Tổ quốc. “Cuộc sống của dân bản ta giờ có nhiều tiến bộ hơn trước. Nhờ giúp đỡ của BĐBP, dân ta có nhà ở, có điện thắp sáng, biết làm lúa nước...”- Trưởng bản, ông Vừ Tồng Lông chia sẻ.
Còn rất nhiều những mô hình giúp đồng bào vùng cao mà BĐBP chung sức thực hiện. Trong những năm gần đây, cùng với việc tăng cường xuống dân bản, BĐBP tỉnh còn nhận giúp đỡ 3 xã nghèo gồm: Môn Sơn (Con Cuông), Tam Hợp (Tương Dương) và Bắc Lý (Kỳ Sơn). Để thực hiện công tác này, BĐBP đã thành lập Ban chỉ đạo giúp đỡ xã nghèo với 7 người là các thành viên trong Đảng ủy, chỉ huy và các trưởng, phó phòng chức năng. Ngay sau đó, Ban chỉ đạo đã phân công cán bộ và các đồn biên phòng đóng quân trên các huyện tổ chức khảo sát địa bàn các xã, nắm bắt nhu cầu cần giúp đỡ và xây dựng kế hoạch thực hiện.
Cùng đó, huy động sự đóng góp của cán bộ chiến sỹ và sự chung tay của các đơn vị doanh nghiệp để tạo nguồn lực, kinh phí cho việc giúp đỡ xã nghèo. Với cách làm bài bản như vậy, BĐBP đã huy động được gần 10 tỷ đồng cùng hàng nghìn ngày công xây dựng các công trình trường học, trạm xá, hỗ trợ xây nhà ở cho đồng bào. Bên cạnh đó, còn tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng sách vở, đồ dùng học tập cho người dân các xã. Đặc biệt, bộ đội biên phòng đã cử cán bộ trực tiếp về các xã, với phương thức cầm tay chỉ việc đã góp phần tích cực củng cố hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở; đưa cây, con giống thích hợp với từng địa bàn hướng dẫn kỹ thuật nuôi, trồng cho đồng bào. Hoạt động này đã vận động nhân dân xóa bỏ cách thức sản xuất, chăn nuôi lạc hậu, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo vận động ủng hộ các xã nghèo miền Tây tỉnh, BĐBP là một đơn vị dẫn đầu về cả cách thức cũng như hiệu quả giúp đỡ các xã nghèo. Không chỉ giúp đỡ các xã được giao, BĐBP còn giúp đỡ hầu hết các xã dọc đường biên củng cố hệ thống chính trị, nâng cao nhận thức cho nhân dân về mọi mặt. Thượng tá Lê Như Cương- Phó chủ nhiệm chính trị, BĐBP tỉnh cho biết: “Việc giúp đỡ các xã nghèo dọc biên giới được Bộ đội biên phòng Nghệ An xác định là một nhiệm vụ chính trị quan trọng. Chính vì vậy, mỗi đơn vị, đồng chí được phân công đều nỗ lực hết mình. Đặc biệt, chúng tôi đã huy động được Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn hỗ trợ rất tích cực về kinh phí xây dựng các công trình. Hoạt động của chúng tôi giúp đồng bào cả “con cá và chiếc cần câu”, góp phần giải quyết khó khăn trước mắt và ổn định, phát triển lâu dài...”.
Gắn chặt trách nhiệm, vững chắc niềm tin
Để “tiếp sức” tăng cường củng cố hệ thống chính trị cơ sở, BĐBP Nghệ An đã tăng cường hàng trăm lượt đảng viên về sinh hoạt cùng với các chi bộ bản làng và cử cán bộ tăng cường cho các xã biên giới làm phó bí thư, bí thư đảng ủy xã. Hiện tại còn có 65 đảng viên cán bộ biên phòng đang sinh hoạt tạm thời ở các chi bộ thôn, bản trong địa bàn xung yếu và 19 đồng chí cán bộ tăng cường về làm phó bí thư đảng uỷ xã biên giới. Thiếu tá Đàm Thiên Thương, hiện đang tăng cường làm Phó bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ, huyện Quế Phong cho biết: “Quá trình được tăng cường về xã, chúng tôi có điều kiện hơn đến các bản, tiếp xúc với đồng bào, nắm những tâm tư tình cảm để có những đề xuất cho cấp ủy, chính quyền trong điều hành phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Muốn làm được điều đó, đòi hỏi cán bộ tăng cường phải học tiếng đồng bào, hiểu được phong tục tập quán, cùng sinh sống, lao động với đồng bào...”.
Trong số những cán bộ tăng cường làm phó bí thư đảng ủy xã, Trung tá Hà Đình Tín là một đồng chí để lại nhiều dấu ấn. Tháng 9 năm 2005, đồng chí về tăng cường làm Phó bí thư Đảng ủy xã Bắc Lý. Với 30 năm công tác trong lực lượng, đồng chí luôn hiểu được chỉ có con đường duy nhất dẫn người cán bộ tới thành công chính là việc đi sâu, đi sát với quần chúng nhân dân. Hàng ngày, đồng chí xuống bản giúp đồng bào phát rẫy, cày ruộng, gieo cấy. Đồng chí cùng Đảng ủy xã củng cố, phát triển các chi bộ Đảng. Ngày đồng chí mới về tăng cường, cả xã chỉ có 5 chi bộ, đến 2008, phát triển lên 19 chi bộ, xóa bản trắng không có chi bộ. Số đảng viên từ 98 đồng chí nay tăng lên 202 đồng chí. Về nguyên lý, các sỹ quan biên phòng chỉ tăng cường làm phó bí thư đảng ủy xã nhưng từ tháng 5 năm 2010, với sự tín nhiệm của dân bản và các đồng đội vùng biên, Trung tá Hà Đình Tín được bầu làm Bí thư Đảng uỷ xã Bắc Lý. Đây là một điều đặc biệt, mà ở đó có sự cố gắng của bản thân đồng chí Tín và sự tin tưởng, quí mến của đồng bào. Tâm sự với chúng tôi, đồng chí cho biết: “Trong suy nghĩ và hành động, chúng tôi luôn xác định phải hoàn thành nhiệm vụ được giao. Điều cốt lõi nhất là phải tăng cường đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân, cùng bàn bạc đi đến thống nhất hành động”.
Góp sức xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở và giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế được lực lượng BĐBP xem là một mũi nhọn trong phương châm hành động của công tác vận động quần chúng. Khắp các bản làng, dấu ấn của cán bộ, chiến sỹ BĐBP in đậm, thắt chặt tình cảm quân dân và hình thành ý thức trách nhiệm bảo vệ biên giới của đồng bào các dân tộc. Với phương thức đó, 55 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ BĐBP đã xây dựng thế trận bảo vệ biên cương vững chắc từ sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền và vào cuộc của nhân dân.
Đại tá Nguyễn Việt Hà - Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Nghệ An khẳng định: “Xác định rõ trọng trách nên mỗi cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng luôn phải hòa mình vào các bản làng, miệng nói tay làm và nêu gương trong mọi phong trào lao động, sản xuất, xây dựng nếp sống văn hóa. Điều đó càng làm cho sự gắn kết giữa BĐBP và dân bản càng sâu sắc, bền chặt, góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc. Thực tế cho thấy, trong rất nhiều chiến công làm nên phẩm chất Anh hùng của BĐBP luôn có sự đồng hành của đồng bào các dân tộc. Họ đã cung cấp hàng trăm nghìn nguồn tin giá trị, giúp lực lượng đấu tranh thành công với các loại tội phạm và đồng bào cũng đã nuôi dưỡng, che chở, sẻ chia với cán bộ, chiến sỹ trong quá trình làm nhiệm vụ nơi biên cương...”.
Cuộc sống của đồng bào vùng biên đã có nhiều khởi sắc, công cuộc xây dựng thế trận “Biên phòng toàn dân” được BĐBP Nghệ An phối hợp thực hiện đồng bộ bằng nhiều giải pháp. Đi cùng năm tháng là niềm tin, trách nhiệm và sự sẻ chia với đồng bào khu vực biên giới. Đó là động lực quan trọng thôi thúc cán bộ, chiến sỹ BĐBP tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng là những người lính quân hàm xanh anh hùng nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Nguyên Sơn