Dấu ấn phố phường

12/08/2013 18:08

(Baonghean) - LTS: Có thể nói không sai, rằng chính những con đường đã làm nên linh hồn phố xá. Mỗi con đường, gắn cùng với hàng triệu bước chân, hàng triệu chuyến xe qua, giúp người ta biết lạ thành quen, biết đi xa để nhớ, biết gọi tên trong những ngóng chờ…

Và cái tên ấy, khi được gọi lên, đầy yêu thương, trìu mến, tự hào, đã gói trọn một ký ức, một câu chuyện, một cuộc đời con người, một mốc thời gian… để nhắc chúng ta mãi nhớ.

Hơn 200 con đường của Thành phố Vinh, hơn 200 cái tên của danh nhân, của sự kiện bi hùng, của những dấu ấn đã găm vào lịch sử sẽ được chúng tôi lần lượt giới thiệu đến bạn đọc ở góc nhìn mới với hy vọng chạm được tới linh hồn của một phố Vinh, xưa và nay trong chuyên mục mới của báo Nghệ An thứ 7: Bốn mùa qua phố.


Mát trời, mấy cô ả trong cơ quan nài nỉ bằng được mình đi ăn vặt:

- Thế bây giờ ăn gì? Ăn linh tinh thì xuống đường Nguyễn Văn Cừ. Bánh gói thì Đinh Công Tráng. Hay là ăn bánh xèo nem lụi ở đường Kim Đồng? Bánh bèo rán ở Hồng Bàng nhé? À mà thôi, đi ăn ốc tập thể cũ Quang Trung vậy, ngay bên cạnh có cả bánh rán, chả cuốn, tha hồ chọn!

Mình thì tất nhiên là thuộc thành phần ăn theo nói leo không có tiếng nói gì rồi. Có điều nghe các cô nàng kể vanh vách món gì, đường nào cũng thấy ngộ ngộ, yêu yêu. Nói các cô yêu thành phố và thạo đường nhờ la cà quán xá, há cũng chẳng oan. Nhưng có hề gì, hễ người ta nhớ những thứ phải nhớ, yêu những thứ phải yêu là được, còn vì lẽ gì, thanh cao hay bỗ bã, kể cũng không lấy gì làm quan trọng!

Bây giờ thì mình đang ngồi cặm cụi khều những con ốc đồng béo múp giữa một đám các cô mải mê chu môi nút ốc một cách hồn nhiên. Từ đây nhìn thấy toà nhà trắng đang xây dở trên nền rạp 12-9 cũ, tự nhiên dậy lên một nỗi buồn vẩn vơ không hiểu vì sao. Ngày đi học hiếm hoi lắm mới có tiền mua vé, rủ cô bạn mình cầm cưa đi xem “chiếu bóng”. Mà của đáng tội, bây giờ hỏi xem phim gì mình cũng chịu, phần vì mải tiếc tiền, phần vì say sưa ngắm cô nàng đỏng đảnh, nào thiết xem phim! Một ông già ngồi hút thuốc lào ở quán nước bên cạnh nhìn mình vẻ thông cảm: “Trông chú chắc là đang tơ tưởng đến mối tình đầu gắn liền với rạp 12-9 chứ gì!”. Mình giật thót cả người, quay sang ông già tóc cước, da đỏ, nhoẻn cười để lộ mấy chiếc răng cáu cạnh. Từ giờ xin gọi ông là ông già 12-9.



Một góc TP. Vinh. Ảnh: Sỹ Minh

“Trước ở sau rạp 12-9 cũ có một cái đề pô xe lửa. Có nghĩa là nơi cung cấp nguyên liệu, sửa chữa, bảo dưỡng các đầu máy toa xe. Còn nhà máy xe lửa Trường Thi xây sau. Đường Quang Trung này ngày trước cũng không tên là đường Quang Trung, mà tên là Maréchal Foch. Sao cơ, chú không tin là thành phố mình từng có những con đường mang tên tiếng Pháp à? Thế chú nghĩ thời thực dân Pháp khai khẩn thuộc địa, chúng nó gọi là đường Quang Trung, đường Lê Hồng Phong, đường Nguyễn Thị Minh Khai, đại lộ... Lênin? Để tôi nói chú hay, ngày xưa thành phố mình không chia thành 25 phường, xã như bây giờ mà chia thành 10 khu phố gọi tên từ Đệ Nhất đến Đệ Thập. Tên đường thì đúng chất “thuộc địa nửa phong kiến”, có Rue Maréchal Foch, Doudard de Lagrée, Route Pasquier, Route Vanvollenhoven... lại có cả Đại lộ Khải Định, Đại lộ Minh Mạng, Đại lộ Tự Đức...

Ngay trên đường Quang Trung này xưa kia là một khu phố buôn bán nhộn nhịp. Nào xưởng in của Vương Đình Châu, nào tiệm vàng bạc của Bảo Nguyên, Bảo Thịnh, nào tiệm cắt tóc Vĩnh Khang... Còn con đường cắt ngang đường Quang Trung trước mặt chợ Vinh, chạy về phía Cửa Nam là khu “Phố Khách” của các thương nhân Hoa Kiều chuyên bán thuốc Bắc và tơ lụa. Mạn Cửa Nam xưa có Trường Tiểu học Cao Xuân Dục, lâu đời hơn cả là Trường Quốc học Vinh (Trường Phổ thông trung học Huỳnh Thúc Kháng).

Tôi cứ nhớ mãi cảnh ông thầy giáo đeo chiếc kính tây, ngồi trên xe kéo dong dong khắp phố, xì xà xì xồ “Bông dua me xừ!” (Bonjour monsieur - Kính chào ngài) với mấy ông đội tây. Bây giờ có taxi Mai Linh, Vạn Xuân... chứ ngày xưa chỉ những người có tiền mới đi xe kéo. Mà người kéo làm gì có xe, phải đi thuê ở phố Cô Đầu của cụ Bổng, cổng Đệ Tam của bà Đồng Lợi hoặc phố Đệ Tứ của ông Cửu Thạch, đẹp nhất là xe của bà Đồng Lợi. “Họ hàng xa” với cái anh kéo xe là anh bốc vác. Giới này sống tập trung ở cầu Cửa Tiền sau chợ Vinh, trước là một bến đò dọc từ Hà Tĩnh, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nam Đàn... Nói chung cứ ở đâu có hàng hoá là có phu phen bốc vác. Ở Bến Thuỷ cũng thế thôi. Còn ngược lên mạn Trường Thi ở khu vực Quán Lau có “xóm Bắc Kỳ”, hay gọi là “xóm thợ Trường Thi”. Lý do là vì ở đây tập trung thợ làm việc cho nhà máy xe lửa Trường Thi, toàn người mạn Bắc được đào tạo ở trường Bách nghệ...”.

Mình nín thở dõi theo từng lời kể của ông già 12-9. Thì ra mảnh đất này xưa kia đã từng mang dáng dấp của một thành thị cận đại như Hội An, Huế đó ư? Trời đứng gió mà tự nhiên thấy rùng mình, như thể có luồng gió nào thổi vọng về từ một thuở thành Vinh xưng danh doanh trấn. Mình nhắm mắt lại, chợt nghe hào sảng tiếng sứ giả của vua Gia Long đọc chiếu dời lỵ sở Nghệ An từ Lam Thành - Phù Thạch (Hưng Nguyên) về Vĩnh Yên - Yên Trường (tức địa bàn thành phố Vinh ngày nay).

Mình nghe cả tiếng Thương biện tỉnh vụ Vũ Trọng Bình khúm núm quy hàng, dâng thành cho quân Pháp. Kể từ đây, chỉ toàn nghe tiếng khóc vần vũ tang thương của những người đi “Phu Trấn Ninh”, “Phu Cửa Rào” đắp nên đường 7 và đường 8, nối liền Vinh với Vương quốc Lào phục vụ cho Pháp khai thác thuộc địa. Mình bủn rủn chân tay, nghe những đau thương một thời lầm than mất nước vọng về, hoà vào tiếng những đoàn tàu ầm ì chạy qua thành phố. Là khói than của đầu máy trùm kín mấy tầng trời, hay là ánh sáng hiu hắt từ ngọn đèn dầu của những xóm công - nông không cách gì xua tan màn đêm đen kịt? Tiếng cờ - lê gõ vào những thanh tà vẹt đều đều, tiếng cọt kẹt của một chiếc xe kéo chở tên sĩ quan béo trắng, tiếng nhạc nhẽo xập xình nhấn chìm những kiếp cô đầu tủi hổ, tiếng bán buôn ồn ã, cười nói hỉ hả của những Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Ngấn... tất cả hoà vào nhau trong một vòng xoáy điên cuồng.

Vòng xoáy đen tối đó chuyển dần thành màu đỏ. Những làn sóng dâng lên, đánh vào thành quách vây quanh Toà công sứ Pháp và Dinh án. Những làn sóng cờ đỏ búa liềm. Những làn sóng quần đũi áo nâu và đồng phục công nhân. Những làn sóng dâng giận hờn và bi thương từ đáy cùng xã hội. Tự nhiên thấy có giọt nước nào rơi trên môi mằn mặn. Có phải là máu, là nước mắt dội về từ một thuở “thành phố đỏ” bi tráng mà hào hùng? Choàng mở mắt, chẳng thấy sóng nước gì sất, chỉ có ông già 12-9 đang nhìn mình trầm mặc, điếu thuốc lào tắt ngóm từ lâu mà đôi môi già nứt nẻ vẫn bập bập liên hồi. Không biết ông già có nhìn thấy những con sóng đỏ vừa rồi không, hay là... Mình hoài nghi nhìn vào đôi mắt mờ đục. Ông già từ từ gật đầu.

Những con đường rất đỗi thân thương bỗng thành xa lạ. Mai đây khi đi trên những con đường này, hẳn sẽ không quên tìm lại góc phố với những địa danh đã thành chuyện đời xưa không ai nhớ nữa. Những Quang Trung, Lê Hồng Phong, Nguyễn Trường Tộ, Trần Phú xưa không biết tên là gì? Những con người muôn năm cũ sinh ra, lớn lên rồi chết đi ở đó, đã chôn theo những kí ức gì xuống mấy tầng cỏ xanh? Nếu như chiều nay không gặp ông già 12-9, có lẽ chẳng bao giờ mình thấy nôn nao khi nghĩ về những con đường đến thế. Sẽ chẳng bao giờ mình đặt dấu chấm hỏi sau một cái tên đường.

Không phải tự nhiên mà người ta đặt tên cho một sự vật, một con người. Một kí ức, một câu chuyện, một mốc thời gian,... tất cả những gì ý nhị nhất mà kể hết ra sẽ thành lê thê, dài dòng đều được cái tên bao hàm, gói trọn. Để rồi đây khi bất chợt giữa thành phố này hay thành phố nào, nghe một cái tên mà nhớ nhung, khắc khoải. Là thành phố, tuổi thơ ta đó. Là dấu ấn phố phường.

Mới nhất
x
Dấu ấn phố phường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO