Đấu giá quyền sử dụng đất hạn chế: Còn nhiều vướng mắc!

15/07/2013 18:35

(Baonghean) - Chủ trương đấu giá đất hạn chế của UBND tỉnh nhằm dành cho các hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn ở nông thôn có cơ hội tiếp cận và sở hữu đất ở. Tuy nhiên, đến nay nhiều địa phương vẫn chưa triển khai, mặc dù chủ trương này ban hành cách đây gần 2 năm.

Gia đình ông Nguyễn Đình Trâm, xóm 12, xã Nam Lĩnh (Nam Đàn) hiện tại có 3 thế hệ sinh sống dưới một mái nhà, gồm có ông bà, 2 anh con trai, con dâu và các cháu. Bản thân ông Trâm là thương binh, điều kiện kinh tế không khá giả nên để mua thêm mảnh đất thông qua đấu giá tự do cất nhà tách hộ cho một người con trai ra ở riêng quả là khó khăn. “Mặc dù tôi là thương binh nhưng con của thương binh lại không được hưởng chế độ cấp đất theo định giá, vì vậy mong muốn Nhà nước có chính sách đấu giá đất thấp hơn giá thị trường để tạo điều kiện cho những gia đình như chúng tôi tách hộ làm nhà cho con cái ở riêng đỡ chật chội, vất vả” - ông Nguyễn Đình Trâm kiến nghị. Ý kiến của ông Trâm cũng là ý kiến của rất nhiều người dân vùng nông thôn kiến nghị ở nhiều diễn đàn tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh nhiều năm qua.

Từ những đề xuất, kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã đề nghị HĐND xem xét thông qua và sau đó UBND tỉnh ban hành Quyết định số 37/2011/QĐ-UBND, ngày 1/8/2011 về ban hành quy chế bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong đó có quy chế quy định về phạm vi, đối tượng, điều kiện và cách tính giá trong việc đấu giá hạn chế quyền sử dụng đất ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sau gần 2 năm triển khai, ở nhiều địa phương chủ trương đấu giá đất hạn chế của tỉnh vẫn chưa đi vào cuộc sống. “Tính đến nay, việc đấu giá đất hạn chế mới triển khai được ở 4 huyện với 14 xã của Yên Thành, Diễn Châu, Hưng Nguyên và Thanh Chương. Tổng số lô đất được đưa ra đấu giá đất hạn chế là 187 lô, trong đó có 92 lô đấu giá thành công” - ông Phùng Khác Tần, Trưởng phòng Bảo trợ Tư pháp, Sở Tư pháp cho biết.



Cán bộ địa chính xã Nghi Đức (TP. Vinh) rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết vướng mắc khiến nhiều địa phương chưa triển khai việc đấu giá đất hạn chế là do tỉnh chưa phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010 - 2015, có tính đến năm 2020 cho các huyện, dẫn đến các huyện cũng chưa phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho các xã nên không có cơ sở để đưa ra đấu giá hạn chế. Một số ít địa phương tổ chức đấu giá hạn chế được là do còn quỹ đất cũ trước đây được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Tại huyện Nam Đàn, (nơi có nhiều ý kiến kiến nghị nhất về việc đấu giá đất hạn chế vẫn chưa triển khai được), ví như xã Nam Lĩnh năm 2012 đã xây dựng kế hoạch sửa dụng đất trong năm để có cơ sở đưa vào đấu giá hạn chế nhưng không được huyện phê duyệt. Đến thời điểm này, xã đã tiến hành khảo sát, lựa chọn địa điểm tại 5 vùng để đưa vào đấu giá hạn chế, 1 vùng thực hiện theo chính sách định giá, chờ phê duyệt của huyện để đưa ra đấu giá.

Ngoài ra một vướng mắc khác, đó là theo quy định, giá khởi điểm để đưa ra đấu giá hạn chế quyền sử dụng đất ở vùng nông thôn được xác định không được thấp hơn khung giá đất do UBND tỉnh ban hành đang còn hiệu lực tại thời điểm đưa ra đấu giá đang gây khó khăn cho người cần đất làm nhà ở, giảm sức mua của người dân. Bởi đối tượng quy định được tham gia đấu giá đất hạn chế là hộ gia đình đang sinh sống tại các xã thuộc khu vực nông thôn có mức thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, neo người, điều kiện quá khó khăn nên việc bỏ ra 50 - 60 triệu đồng để mua đất ở là quá sức đối với họ.

Thực tế, ở 2 xã Hưng Tân, Hưng Lĩnh (Hưng Nguyên) giá khởi điểm cao nên không ai mua đất theo đấu giá hạn chế. Đó là lý do nhu cầu cần đất để làm nhà, tách hộ cho con thì nhiều nhưng con số thực mua thì rất ít. Đơn cử như trong số 115 lô mà Công ty CP đấu giá Phú Quý tổ chức đấu giá tại 10 xã thuộc 3 huyện Diễn Châu, Yên Thành và Hưng Nguyên chỉ có 54 lô đấu giá được; giá tăng chỉ có 1% so với giá khởi điểm ban đầu và chỉ giảm từ 5 đến 20% so với đấu giá tự do.

Từ thực tiễn đặt ra, để chủ trương đấu giá quyền sử dụng đất hạn chế của tỉnh đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện bền vững chính sách an sinh xã hội, thiết nghĩ cần điều chỉnh giá đất hợp lý; hỗ trợ vay vốn hoặc cho trả góp tiền đất nhằm tăng cường khả năng tài chính cho các hộ mua đất. Về phía chính quyền cấp xã, huyện cần nâng cao trách nhiệm trong việc khảo sát, lựa chọn địa điểm, phê duyệt đưa vào làm quỹ đất để đấu giá hạn chế. Đồng thời tổ chức xét duyệt hồ sơ cho các đối tượng thuộc diện mua đất hạn chế đảm bảo công bằng, chính xác, đúng đối tượng; đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu đủ điều kiện đưa ra đấu giá.


Mai Hoa

Mới nhất
x
Đấu giá quyền sử dụng đất hạn chế: Còn nhiều vướng mắc!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO