Dấu hỏi về việc sử dụng 50m3 gỗ dổi làm nhà truyền thống huyện Anh Sơn?
(Baonghean) - Qua đường dây nóng, Báo Nghệ An nhận được phản ánh việc xây dựng nhà truyền thống huyện Anh Sơn có những vấn đề thiếu minh bạch trong sử dụng 50m3 gỗ dổi được huyện Xay chăm bon (tỉnh Bôlykhămxay, Lào) tặng; từ cuối tháng 5/2015, UBND tỉnh có Kết luận số 301 về vấn đề này và chỉ đạo UBND huyện Anh Sơn phải có biện pháp xử lý trước ngày 30/6, tuy nhiên, đến nay chưa được thực hiện...
Từ Kết luận 301...
Từ năm 2010 - 2013, để phục vụ lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, huyện Anh Sơn đã thực hiện xây dựng công trình Nhà truyền thống và sửa chữa, nâng cấp sân vận động với tổng mức đầu tư của 2 công trình gần 6 tỷ đồng (công trình nhà truyền thống là trên 2.869 triệu đồng; sửa chữa nâng cấp sân vận động là trên 3.105 triệu đồng). Hai công trình này đều đã được nghiệm thu, đưa vào sử dụng.
Số gỗ dổi đưa từ Lào về còn sót lại. |
Ngày 3/2/2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 478/QĐ.UBND-KT về việc thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra việc xây dựng Nhà truyền thống và nâng cấp, sửa chữa sân vận động huyện Anh Sơn. Qua kiểm tra hồ sơ và xác minh trực tiếp tại hiện trường, đoàn thanh tra theo Quyết định số 478 đã làm rõ một số khuyết điểm, sai phạm trong xây dựng các công trình này.
Cụ thể: Thứ nhất, việc lập, thẩm định dự toán của 2 công trình xây dựng nhà truyền thống và sửa chữa, nâng cấp sân vận động đều chưa chính xác. Thứ hai, công tác giám sát xây dựng còn thiếu trách nhiệm, để xảy ra hiện tượng nhà thầu thi công sai thiết kế, sai chủng loại vật liệu, ký nghiệm thu sai khối lượng thi công thực tế. Thứ ba, việc thi công cả hai công trình đều chậm tiến độ theo hợp đồng được các bên ký kết. Thứ tư, việc quyết toán hợp đồng hai công trình đều chậm theo thời gian quy định.
Đoàn thanh tra phát hiện và làm rõ sai phạm trong quyết toán chi phí xây lắp của hai công trình với tổng số tiền là trên 378 triệu đồng (trong đó, với công trình Nhà truyền thống là trên 86 triệu đồng; với công trình sửa chữa, nâng cấp sân vận động trên 292 triệu đồng).
Trong quá trình xây dựng nhà truyền thống và nhà sàn huyện, với sự đồng ý của UBND tỉnh tại Quyết định số 5263/QĐ.UBND, huyện Anh Sơn được phép vận chuyển 50m3 gỗ nhóm 2 và nhóm 4 do huyện Xaychămbon (tỉnh Bôlykhămxay, Lào) tặng. Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Anh Sơn đã ký kết hợp đồng với ông Nguyễn Trọng Độ (cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Anh Sơn) thực hiện khai thác, vận chuyển 50m3 gỗ từ Lào về đóng đồ nội thất phòng truyền thống. Tuy nhiên, chưa thực hiện xong các thủ tục để thanh lý hợp đồng; kinh phí hợp đồng chưa được phê duyệt quyết toán.
Ngày 14/4/2015, Chánh Thanh tra tỉnh đã ban hành Quyết định số 100/QĐ.TTr thu hồi số tiền hơn 292 triệu đồng từ Công ty CP xây dựng Đại Tiến - là nhà thầu thi công sửa chữa, nâng cấp sân vận động. Còn tại Kết luận số 301 ngày 26/5/2015 của UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn: Giảm thanh toán đối với Công ty CP xây dựng và thương mại Tân Bình Mạnh (là nhà thầu thi công xây lắp công trình Nhà truyền thống) với số tiền trên 86 triệu đồng; Thực hiện các thủ tục thanh lý hợp đồng với ông Nguyễn Trọng Độ. Khẩn trương quyết toán chi phí hợp đồng khai thác vận chuyển 50m3 gỗ từ Lào về và đóng đồ nội thất Nhà truyền thống theo quy định của pháp luật. Đưa số gỗ còn lại về UBND huyện quản lý, sử dụng theo đúng mục đích được UBND tỉnh phê duyệt; Đồng thời, tổ chức kiểm điểm nghiêm túc các tập thể, cá nhân có liên quan đến những sai phạm, khuyết điểm nêu trên. Kết quả xử lý báo cáo UBND tỉnh trước 30/6/2015.
... xung quanh 50m3 gỗ dổi
Theo tìm hiểu, cho đến nay chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kết luận số 301 vẫn chưa được UBND huyện Anh Sơn thực hiện. Ông Nguyễn Khắc Xuân, Trưởng phòng Tài chính kế hoạch huyện Anh Sơn lý giải, việc giảm thanh toán đối với Công ty CP xây dựng và thương mại Tân Bình Mạnh (nhà thầu thi công xây lắp công trình xây dựng Nhà truyền thống) với số tiền trên 86 triệu đồng chưa thực hiện là bởi UBND huyện còn nợ đơn vị này số tiền lớn hơn số giảm trừ. Nguyên nhân là bởi kinh phí thực hiện xây dựng Nhà truyền thống chủ yếu từ nguồn xã hội hóa; vậy nhưng số tiền kêu gọi không đạt mức như các tổ chức, cá nhân đăng ký ban đầu nên huyện chưa có nguồn để chi trả. Về việc thực hiện các thủ tục thanh lý hợp đồng với ông Nguyễn Trọng Độ, hiện tại huyện đã thành lập Hội đồng thẩm định để thẩm định lại các nội dung ông Độ đã thực hiện; hiện nay, đang trong quá trình thẩm định nên việc thanh lý hợp đồng chưa hoàn tất. Và vì vậy, UBND huyện Anh Sơn cũng chưa thực hiện việc kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Về việc chậm thanh lý hợp đồng với ông Nguyễn Trọng Độ, qua xác minh thì có những điều đáng băn khoăn. Thực hiện xây dựng Nhà truyền thống, huyện Anh Sơn được huyện Xaychămbon tặng 50m3 gỗ dổi; với điều kiện, huyện Anh Sơn phải tổ chức khai thác và vận chuyển về. Sau khi được UBND tỉnh cho phép, UBND huyện Anh Sơn đã ký hợp đồng với ông Nguyễn Trọng Độ để ông này khai thác, vận chuyển 50m3 gỗ từ Lào về, đồng thời thực hiện đóng 2 bàn thờ; 2 hòm công đức; 2 ghế thắp hương và 10 chiếc kệ cho Nhà truyền thống. Việc thực hiện khai thác, vận chuyển gỗ về huyện Anh Sơn và đóng đồ nội thất (hết 4,2m3 gỗ), ông Nguyễn Trọng Độ đã chi 487,5 triệu đồng. Ngày 16/10/2014, ông Độ giải trình với UBND huyện Anh Sơn (tại Bảng cân đối kết quả thực hiện hợp đồng), đã bán 37,5m3 gỗ dổi khai thác từ Lào về với giá 13 triệu đồng/m3, thu được 487,5 triệu đồng, vừa đủ bù chi phí! Số gỗ còn lại là 8,3m3, nhưng đã bị hư hỏng 5m3(!?). Như vậy, với 50m3 gỗ do huyện Xaychămbon (Lào) tặng, chỉ có 4,2m3 gỗ dùng vào làm nhà truyền thống; 37,5m3 gỗ dùng cho việc khai thác, vận chuyển; còn lại 8,3m3 thì có tới 5m3 hư hỏng.
Về các khoản chi và việc thực hiện bán 37,5m3 gỗ dổi, trao đổi với phóng viên, ông Độ cho biết, hoàn toàn do ông tự thực hiện, huyện không lập hội đồng thẩm định hay tổ chức đấu giá. “Vì huyện không có kinh phí nên đã cho phép tôi bán gỗ để bù vào chi phí khai thác, vận chuyển và trả tiền công đóng nội thất. Huyện khoán trắng mọi việc nên tôi làm thôi chứ không thấy ai kiểm tra gì” - ông Độ nói.
Một số đồ nội thất tại Nhà truyền thống huyện Anh Sơn được làm từ số 50m3 gỗ dổi. |
Tại hợp đồng với ông Độ, huyện Anh Sơn yêu cầu ông "phải" tự chủ kinh phí đầu tư và "được quy đổi trong số gỗ nói trên"(!?). Hỏi rằng tại sao huyện Anh Sơn lại không xác lập dự toán kinh phí khai thác, vận chuyển gỗ và đóng đồ nội thất Nhà truyền thống? Tại sao lại để cho một cá nhân tự ý thực hiện bán tài sản huyện quản lý? Trách nhiệm trước 5m3 gỗ dổi bị hư hỏng thuộc về ai? Phó Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Anh Sơn, là ông Đặng Bá Kỷ cho biết: "Việc khai thác, bán gỗ để bù vào chi phí đều do ông Độ thực hiện. Lúc đó tôi là Phó ban phụ trách kỹ thuật, là người ký hợp đồng với ông Độ nhưng không biết được mọi việc như thế nào, gỗ được sử dụng ra sao. Chỉ đến khi ông Độ mang bàn thờ, kệ gỗ đến thì tôi nhận bàn giao còn trên thực tế ra sao thì không nắm được...".
Ngày 18/6/2015, UBND huyện Anh Sơn có Quyết định 2462/QĐ-UBND thành lập Hội đồng thẩm định, là do Phó Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng Đặng Bá Kỷ làm Chủ tịch hội đồng. Nhiệm vụ của Hội đồng là để xác định giá trị tài sản 50m3 gỗ; xác định chi phí khai thác, vận chuyển, chi phí nhân công đóng đồ nội thất Nhà truyền thống; xác định khối lượng gỗ đã sử dụng và số lượng gỗ còn lại chưa sử dụng; để từ đó, làm cơ sở thanh lý hợp đồng. Thực tế, việc khai thác, vận chuyển gỗ từ Lào về là khá phức tạp, tuy nhiên, với những gì đã tìm hiểu thì UBND huyện Anh Sơn và Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng của huyện này đã có dấu hiệu buông lỏng trong công tác quản lý. Vì vậy, dù đã lập Hội đồng để thẩm định nhưng rất khó để công tác thẩm định được đảm bảo khách quan và việc thanh lý Hợp đồng số 16/HĐ-KT cũng sẽ khó được các bên liên quan thực hiện đảm bảo đúng pháp luật. Thiết nghĩ, Thanh tra tỉnh là đơn vị được UBND tỉnh giao đôn đốc việc thực hiện Kết luận số 301 thì cần phải có giải pháp xử lý. Nếu không, khó tránh khỏi việc dư luận tiếp tục có những dị nghị; trong khi kết luận của UBND tỉnh thì chậm được thực hiện!.
Nhóm P.V