Đâu là dấu ấn châu Phi của Tổng thống Mỹ Obama?
(Baonghean) - Tổng thống Mỹ Barack Obama đang có chuyến công du đặc biệt đến châu Phi với 2 điểm dừng chân là Kenya và Ethiopia. Đây là chuyến thăm thứ tư của ông Obama đến lục địa đen kể từ khi trở thành Tổng thống hồi năm 2009. Dù vậy, nhìn lại cả chặng đường vừa qua, dấu ấn châu Phi dường như vẫn khá mờ nhạt trong các hồ sơ ngoại giao của ông Obama, bất chấp Kenya là quê nội của ông. Bởi vậy có thể nói, sau một loạt bước đột phá ngoại giao thời gian qua như cải thiện quan hệ với Cuba, đạt thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran…, chuyến viếng thăm châu Phi lần này được cho là nỗ lực tìm một dấu ấn riêng của ông Obama tại quê nhà trong chặng cuối nhiệm kỳ Tổng thống vốn không còn dài.
Chuyến “về quê” nhiều ý nghĩa
Có lẽ chưa bao giờ người dân Kenya nói riêng và châu Phi nói chung lại vui mừng như thời gian này, khi người con nổi tiếng của lục địa đen là ông Obama có chuyến thăm nhiều ngày về quê hương. Trong đó đặc biệt háo hức là người dân Kenya bởi đây là lần đầu tiên ông Obama trở về trên cương vị Tổng thống. Nhìn lại hồi năm 2006, ông Obama đã từng đến Kenya nhưng khi đó vẫn còn là một thượng nghị sỹ Mỹ. Bản thân ông Obama lúc đó đã bày tỏ sự thất vọng khi có không nhiều thời gian để thăm quê một cách trọn vẹn. Vì vậy, ý nghĩa đầu tiên của chuyến công du lần này, đó là thực hiện tâm nguyện của bản thân ông Obama khi thời điểm nhiệm kỳ Tổng thống không còn dài.
![]() |
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta. Nguồn: AP |
Ý nghĩa thứ hai, chuyến công du là câu trả lời của Tổng thống Obama cho thắc mắc của dư luận cũng như kỳ vọng của người dân châu Phi rằng, ông vẫn đang quan tâm đến châu Phi chứ không phải “bỏ quên” như người ta vẫn nghĩ. Bởi có nhiều ý kiến cho rằng, người châu Phi đã không khỏi “tủi thân” vì Tổng thống Obama từ khi lên cầm quyền đặt trọng tâm nhiều vào Trung Đông, Mỹ Latinh, sau đó là Ukraine, khủng bố và châu Á - Thái Bình Dương. Còn châu Phi thì vô cùng mờ nhạt, có chăng chỉ là trận chiến chống đại dịch AIDS hay gần đây là nỗ lực chống dịch Ebola. Ngoài ra theo các nhà quan sát, ông Obama hầu như chỉ triển khai những chính sách vốn thừa hưởng từ người tiền nhiệm George Bush, như duy trì khoảng 1.500 binh sỹ tại Djibouti, một số lượng hạn chế các máy bay không người lái tại Somalia hay Mali để chống khủng bố. Vì thế, ít nhiều chuyến thăm Kenya và Ethiopia lần này sẽ lấy lại cảm tình của người dân châu Phi với Tổng thống Obama.
Không chỉ vậy, nhiều mục tiêu trọng tâm đặt ra trong chuyến công du này cũng cho thấy quyết tâm điều chỉnh chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama với châu Phi, đó là tăng cường hợp tác kinh tế, an ninh và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương. Với điểm dừng chân là quê nội Kenya từ 24 đến 26/7, đáng chú ý nhất, Tổng thống Obama đã công bố cam kết hơn 1 tỷ USD từ chính phủ, ngân hàng, các quỹ và những nhà từ thiện Mỹ để giúp đỡ châu Phi. Một nửa số tiền này sẽ được sử dụng để hỗ trợ phụ nữ và những người trẻ tuổi đang muốn bắt đầu sự nghiệp kinh doanh. Ngoài vấn đề an ninh và chống khủng bố, Tổng thống Obama và người đồng cấp Uhuru Kenyatta cũng đã thảo luận về các vấn đề thương mại, tăng cường sự minh bạch trong các hoạt động của chính phủ và chống nạn săn bắt trái phép động vật hoang dã… Hiện kim ngạch thương mại giữa Kenya và Mỹ đạt mức kỷ lục 300 triệu USD trong năm 2014 và Mỹ là nhà cung cấp hàng hoá lớn nhất của Kenya.
Trong khi đó, tại điểm đến tiếp theo là Ethiopia, nỗ lực chống tham nhũng, khủng bố sẽ là những nội dung trọng tâm trong các cuộc thảo luận. Đặc biệt, Ethiopia vốn được Mỹ coi như một đồng minh chủ chốt trong khu vực, nhất là trong cuộc chiến chống lại tổ chức al-Shabab có liên hệ với nhóm khủng bố Al-Qaeda; cũng như thực hiện các sứ mệnh gìn giữ hòa bình trên lục địa châu Phi. Vì thế, dù không phải là hai quốc gia lớn tại châu Phi, thế nhưng với những nội dung và ý nghĩa của chuyến công du Kenya và Ethiopia, đây hoàn toàn có thể trở thành một trong những dấu ấn châu Phi của ông Obama trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình.
Liệu có thể rút ngắn khoảng cách với Trung Quốc?
Không phủ nhận sự điều chỉnh ngoại giao đáng chú ý của Tổng thống Mỹ Barack Obama lần này với châu Phi. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu nỗ lực này có thể giúp Mỹ bứt lên rút ngắn khoảng cách trong cuộc đua đến lục địa đen với các nước lớn khác, đặc biệt là Trung Quốc hay không. Bởi có một thực tế là những năm qua, Bắc Kinh đã và đang thực hiện một chiến lược đầu tư như vũ bão với tốc độ khủng khiếp vào châu Phi. Nếu như năm 2009, Trung Quốc mới vượt Mỹ về giá trị hợp tác thương mại với châu Phi thì đến năm 2013, trong khi trao đổi thương mại Mỹ - châu Phi chỉ dừng ở mức 85 tỷ USD thì con số mà Trung Quốc tạo lập đã cán mốc 200 tỷ USD. Một thông tin đáng chú ý khác là Mỹ chỉ khiêm tốn dành chưa đầy 1% đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho châu Phi vào năm ngoái, thì Trung Quốc đã dành ít nhất là 3,4% FDI cho khu vực này.
Nguyên nhân được chỉ ra là chính quyền Tổng thống Obama trong suốt thời gian qua vẫn chưa thể thoát khỏi vũng lầy Trung Đông, trong khi lại phải phân bổ nguồn lực cho hàng loạt điểm nóng mới như cuộc khủng hoảng Ukraine, cuộc chiến chống khủng bố nói chung, chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS nói riêng và sắp tới là xoay trục sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi đó về phía Trung Quốc, Bắc Kinh đang phát triển quá nóng, cần nhắm tới các khu vực nhiều tài nguyên như Mỹ Latinh hay châu Phi. Vì thế, vị trí ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc chắc chắn phải đặt châu Phi lên hàng đầu. Không chỉ có vậy, nếu có đầu tư thì Trung Quốc và Mỹ lại đầu tư có phần khác nhau. Theo giới quan sát, nếu như Bắc Kinh tập trung nhiều vào hợp tác kinh tế và khai thác tài nguyên, thì Washington lại đầu tư hỗ trợ nhiều cho việc đảm bảo an ninh với trách nhiệm của một nước lớn.
Nhìn lại hai chuyến thăm châu Phi cùng diễn ra hồi tháng 5 năm ngoái của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường có thể thấy ngay điều này. Trong chuyến thăm Ethiopia, Angola và Congo của mình, Ngoại trưởng Kerry tập trung vào các nội dung như an ninh chống khủng bố Al-Qaeda, chấm dứt bạo lực ở Nam Sudan, phía Đông Congo và Cộng hòa Trung Phi. Còn Thủ tướng Lý Khắc Cường lại đặt nội dung chính là lợi ích kinh tế và những khoản viện trợ, đầu tư mới vào lục địa đen. 12 tỷ USD thông qua 60 thỏa thuận được ký kết, là số tiền Trung Quốc cam kết đầu tư vào các nước Ethiopia, Angola, Kenya và Nigieria. Con số này gần gấp đôi con số 7 tỷ USD mà Tổng thống Obama cam kết thông qua Dự án “Điện lực châu Phi” công bố năm ngoái trong chuyến công du Senegal, Tanzania và Nam Phi.
Vì thế có ý kiến còn cho rằng, Bắc Kinh “vượt mặt” Washington trong hợp tác kinh tế với châu Phi dường như cũng nhờ việc tận hưởng những nỗ lực cải thiện an ninh của Mỹ tại khu vực này (!). Nhưng dù sao, Mỹ cũng không thể phủ nhận thực tế là luôn đi sau Trung Quốc trong cuộc đua đến lục địa đen. Với chuyến công du Kenya và Ethiopia lần này, đây có thể cũng sẽ ghi một dấu ấn đẹp của ông Obama trong nhiệm kỳ Tổng thống, nhưng đó sẽ là một dấu ấn mang tính biểu tượng nhiều hơn là thực chất.
Khang Duy