Đầu năm xông đất nhà nông

10/02/2014 14:40

(Baonghean) - Có một thực tế là hiện nay lực lượng lao động nông thôn xem làm ruộng để tự túc lương thực là nghề phụ nên không tập trung chăm lo, không say mê với nghề dẫn đến tâm lý “Ly nông”. Thế nhưng, đầu năm xông đất một số nhà nông trên địa bàn Diễn Châu để thấy rằng người nông dân có cơ hội làm giàu bằng nghề chính của mình là làm ruộng.

Bà con nông dân Diễn Cát - Diễn Châu cấy lúa vụ Đông Xuân.
Bà con nông dân Diễn Cát - Diễn Châu cấy lúa vụ Đông Xuân.

Mồng 6 tết, khắp ngõ xóm không khí tết vẫn còn vấn vương, nhưng ruộng đồng đã rộn ràng của mùa sản xuất mới. Theo tiến độ chung đến khoảng Rằm tháng Giêng, hơn 80 ngàn ha lúa đông xuân trên địa bàn tỉnh sẽ được gieo cấy xong. Để kịp tiến độ, từ mồng 2 tết, bà con nông dân đã xuống đồng gieo cấy lúa.

Theo chân cán bộ khuyến nông huyện Diễn Châu, chúng tôi về xã Diễn Cát. Bên chân ruộng đang cấy dở, chị Tăng Thị Hương, Bí thư Đảng ủy xã Diễn Liên cho biết: Nhà chị làm 5 sào, tranh thủ ngày tết con cháu về đông tập trung cấy từ mồng 3 tết đến nay đã cơ bản hoàn thành. Toàn xã đã cấy được hơn 70% diện tích. Trong câu chuyện, chị Hương cho rằng hiện nay người nông dân chưa thể sống được với nghề nông của mình. Diễn Cát diện tích bình quân nhân khẩu đạt 1 sào, nên sản xuất nông nghiệp chỉ để tự túc lương thực. Chính vì điều này mà người nông dân xem sản xuất như là “nghề phụ”. Trong mỗi mùa dồn sức làm dăm ngày, thậm chí còn thuê mướn người làm, sau đó đi làm việc khác. Một câu hỏi đặt ra là hiện người nông dân có thể sống, làm giàu bằng nghề chính của mình là làm ruộng?

Ở Diễn Châu, chúng tôi ghé thăm trang trại của cựu Đại tá Dương Ngọc Zao. Sau 37 năm chinh chiến, năm 2008, Đại tá Dương Ngọc Zao về nghỉ hưu. Để thỏa mãn giấc mơ làm giàu, ông thuê 3 ha đất ruộng trũng của xã, đầu tư vào đó khoảng 700 triệu đồng (giá năm 2009) để biến vùng đất xấu thành một trang trại tổng hợp. Ông lấy câu tục ngữ “Lóc xóc không bằng góc ruộng” để làm phương châm hành động. Ông nói, hiện nay đa phần người nông dân đang có tâm lý tự ti về công việc của mình, xem làm ruộng để tự túc lương thực, là nghề phụ, nên không tập trung chăm lo, không say mê với nghề dẫn đến tâm lý “ly nông”. Với ông thì ngược lại, làm nông nghiệp là thể hiện sự đam mê, thực hiện giấc mơ làm giàu của mình và ông đã chứng minh được người nông dân có thể làm giàu ngay trên mảnh đất của mình.

Trong 3 ha đất thuê của xã, ông dành 2 ha đào ao nuôi cá, trên bờ xây mấy dãy chuồng nuôi lợn, gà, bồ câu… 1 ha còn lại ông trồng lúa. Cái cách trồng lúa của ông cũng “chẳng giống ai”. Đến mùa ông bơm kiệt nước, thuê máy làm đất, gieo sạ. Với kỹ thuật gieo thẳng mỗi vụ ông tiết kiệm được thóc giống, công cấy khoảng dăm trăm ngàn đồng. Khi lúa đỏ đuôi thì tháo hết nước, để ruộng khô thuê máy gặt đập liên hợp, chỉ một buổi là cả ha lúa được thu hoạch gọn. Thóc chở về nhà, ruộng cho ngập nước, mỗi năm 2 vụ lúa một vụ cá chắc ăn. Ông ước, nếu xã có diện tích hoặc có người bỏ ruộng ông thuê hẳn 10 ha để làm cho bõ công. Và ông ước ao trở thành một “hai lúa” của Nam bộ. Hiện nay từ cây lúa, cá, lợn, gà, bồ câu, mỗi năm cho thu nhập khoảng 200 triệu lãi ròng. Cộng với lương hưu của hai vợ chồng, mỗi tháng nhà ông có thu nhập dăm chục triệu đồng. Qua sản xuất ông Zao nhận ra một điều rằng đất không bao giờ phụ người, có tình yêu, đất sẽ trả nghĩa cho người.

Ở xóm 10, Diễn Thành có ông Trần Duy Hùng, người được mệnh danh là “vua rau” của đất đồng bãi. Chỉ trong 3 ngày (từ 28- 30 tết) vừa qua, gia đình xuất bán hơn 10 triệu đồng tiền rau. Với diện tích 7 sào, 2 lao động chính từ tháng 7 đến tháng 11 âm lịch, gia đình thu trên 100 triệu đồng tiền cây giống cung cấp cho bà con. Chưa kể trên diện tích còn lại mỗi năm 3-4 lứa rau, dưa hấu, cũng cho thu nhập dăm bảy chục triệu đồng. Theo ông Hùng, bí quyết thành công của người sản xuất ra là phải biết “lánh” vụ. Từ năm 1988 lại nay, nhờ kinh nghiệm này mà ông chưa hề bị thất bại. Cũng theo ông Hùng, nghề trồng rau nếu biết cách làm có thu nhập 250-300 triệu đồng/ha là chuyện bình thường. Chỉ cần dăm bảy sào là một hộ nông dân có thể làm giàu từ nghề trồng rau.

Hợp tác xã Nam Liên (xã Diễn Liên) được thành lập từ năm 1999. Đến nay HTX vẫn đứng vững, được xem là một trong những “điểm sáng” của huyện. Ban Chủ nhiệm HTX luôn trăn trở để làm sao giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Một cách làm đang được HTX thực hiện trong vài năm qua đó, là làm cầu nối giữa người nông dân với doanh nghiệp. Trong 2 năm qua HTX đã đứng ra ký hợp đồng với Công ty Vĩnh Hòa sản xuất lúa AC5 cho doanh nghiệp. Đây là giống lúa thuần chất lượng cao, năng suất tương đương lúa lai, nhờ giá lúa được doanh nghiệp thu mua cao hơn 1,5 lần so với lúa lai nên hiệu quả sản xuất của người nông dân tăng lên 1,5 lần. Giá thóc AC5 hiện nay đã lên đến 1 triệu đồng/tạ vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Từ hiệu quả đó mà diện tích lúa AC5 tăng từ 150 ha vụ xuân 2013 đến nay lên 360 ha, chiếm 70% diện tích toàn xã. Từ việc liên kết này đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp giúp người nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, để họ gắn bó với ruộng đồng.

Ngày xuân xông đất bà con nông dân, tập thể, qua câu chuyện của họ có thể rút ra một điều là người nông dân có thể làm giàu bằng chính nghề của mình khi đủ điều kiện. Hiện nay diện tích bình quân đầu người trên toàn tỉnh đạt hơn 1 sào đất thì chỉ đủ ăn. Muốn làm giàu từ nông nghiệp qua khảo sát, thăm dò ý kiến của người nông dân, mỗi hộ 4 người bình quân cần 2 ha đất canh tác. Để đạt được điều đó cần đẩy nhanh tốc độ phát triển các ngành nghề, khu công nghiệp… để giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp xuống dưới 35% lao động của toàn xã hội. Mặt khác, phải áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo mối liên kết bền vững giữa “các nhà” trong sản xuất, xây dựng được những cánh đồng mẫu lớn chuyên canh, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp gắn với việc phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp. Có như vậy người nông dân mới làm giàu được trên chính mảnh đất của mình.

Anh Tuấn

Mới nhất
x
Đầu năm xông đất nhà nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO