“Đầu ra” về đâu?

19/02/2013 16:31

(Baonghean) - Từ năm học 2012-2013, căn cứ Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy, các trường đại học, cao đẳng thực hiện xét tuyển đối với học sinh có hộ khẩu thường trú và học 3 năm liên tục tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Đây là một chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để con em các huyện nghèo có cơ hội học đại học, cao đẳng, nhằm nâng cao dân trí, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các huyện này, giúp các huyện thoát nghèo trong tương lai.

Theo Công văn số 1343/BGD&ĐT-KTKĐCLGD ngày 09/3/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đối tượng xét tuyển bao gồm “Thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ, nếu học 3 năm cuối cấp và tốt nghiệp trung học phổ thông tại các huyện này, được hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định xét tuyển vào học”. Như vậy, với tỷ lệ đậu tốt nghiệp như hiện nay thì hầu hết các em được xét tuyển vào học đại học, cao đẳng (mặc dù có một số trường yêu cầu học sinh phải có kết quả học lực loại khá, tốt nghiệp loại khá mới được xét tuyển). Cũng theo quy định của Bộ, các chỉ tiêu xét tuyển không bị trừ trong tổng chỉ tiêu được giao hàng năm của trường, nên nhiều trường, chỉ cần học sinh tốt nghiệp THPT là tuyển.

Theo báo cáo của một số trường đại học, tỉnh Nghệ An đã có hàng trăm học sinh của 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong được xét tuyển vào học đại học: Trường Đại học Vinh 465 em, Trường Đại học Y khoa Vinh 47 em... Tại Đại học Vinh, hiện nay nhà trường đang cho các em đăng ký các ngành học thì đã có hơn nửa đăng ký học sư phạm mầm non, sư phạm tiểu học.

Trong số 80 hồ sơ học sinh xin xét tuyển vào Trường Đại học Y khoa Vinh, có 33 hồ sơ không trúng tuyển. 33 học sinh này, về học lực, cả 3 năm học THPT đều xếp loại trung bình, có một số em có năm còn bị xếp loại yếu, trong khi đó đầu vào của ngành Bác sỹ đa khoa theo NV1 là 20,5 điểm, NV2 là 23,0 điểm. Thiết nghĩ, các cơ quan truyền thông, các trường THPT cần tuyên truyền để cha mẹ học sinh và bản thân học sinh hiểu được rằng, khi lựa chọn ngành nghề, lựa chọn trường để đăng ký xét tuyển, phải căn cứ vào năng lực của mình, vào điều kiện kinh tế gia đình có thể chu cấp trong cả quá trình học tập khi mức học phí khá cao, căn cứ vào nhu cầu của xã hội để khi học xong sẽ có việc làm. Nhiều gia đình rất vui và tự hào khi con em mình được vào đại học mà không hề nghĩ đến việc con mình có học nổi đại học không; khi ra trường, con mình có xin được việc làm hay không.

Tính đến ngày 31/12/2012, số học sinh, sinh viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học chưa có việc làm của Kỳ Sơn là 343 em; Tương Dương 562 em; Quế Phong 100 em. Năm học 2012-2013, cả 3 huyện nói trên có khoảng 1.540 học sinh tốt nghiệp THPT và sẽ có nhiều em trong số đó được xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Với chủ trương này, nếu thực hiện lâu dài thì 3 huyện nghèo sẽ phổ cập đại học, trong khi các huyện miền xuôi đang phấn đấu cật lực để phổ cập trung học. Hơn nữa, với chủ trương xét tuyển như hiện nay, liệu 4 - 5 năm nữa, hàng trăm sinh viên của 3 huyện nghèo của Nghệ An tốt nghiệp đại học sẽ đi về đâu? Không có việc làm, lại mất khoảng 100 triệu đồng cho 4 - 5 năm học đại học, đã nghèo lại nghèo hơn.

Việc xét tuyển là một chủ trương đúng được nhân dân các huyện nghèo ủng hộ; nhưng đào tạo theo nhu cầu người học mà không theo nhu cầu xã hội thì sẽ phá vỡ việc quy hoạch nguồn nhân lực của địa phương, của vùng. Nên chăng các huyện nghèo cần xây dựng quy hoạch nhân lực lâu dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào đó để chỉ giao cho một số trường xét tuyển, đào tạo một số ngành nghề phù hợp, làm cho việc xét tuyển có chất lượng và bảo đảm “đầu ra” được các địa phương tiếp nhận. Hoặc Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các em được học nghề và được giới thiệu việc làm ở các khu công nghiệp. Nếu làm như vậy thì chắc rằng con đường đi đến thoát nghèo sẽ ngắn hơn.


Nguyễn Mạnh Hà (Sở GD&ĐT Nghệ An)

Mới nhất
x
“Đầu ra” về đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO