Đâu rồi đồ chơi truyền thống?

09/09/2011 11:07

(Baonghean) - Tết Trung thu đang đến rất gần, ngoài cỗ bánh trông trăng, trẻ còn được người lớn quan tâm mua đồ chơi. Thị trường đồ chơi trẻ em năm nay đa dạng mẫu mã, chủng loại, tuy nhiên hàng có sử dụng hóa chất, phẩm màu độc hại và đồ chơi bạo lực có xu hướng tăng, lấn lướt đồ chơi có tính truyền thống giáo dục nhân cách của trẻ.

Nhan nhản đồ chơi bạo lực, độc hại

Chợ Vinh là nơi bán sỉ các loại đồ chơi trẻ em lớn nhất ở Nghệ An. Không chỉ những người bán đồ chơi nội thành mà cả những tỉnh lân cận như Hà Tĩnh, Thanh Hóa... cũng tới đây lấy hàng. Không chỉ trong đình, đoạn đường ngắn Lê Huân ngay cạnh chợ nhưng có đến cả chục cửa hàng bán sỉ, bán lẻ đồ chơi. Vào những ngày áp tết Trung thu, lượng khách hàng mua sỉ, lẻ về đây lấy hàng luôn tấp nập. Theo quan sát tại tiệm bán đồ chơi ở khu vực này, ngoài những loại đồ chơi hình dạng siêu nhân, những nhân vật trong phim, truyện tranh “rô bốt trái cây”, “đua tốc độ”… trên kênh truyền hình Bibi đều được mô phỏng. Thế nhưng, phổ biến nhất vẫn là các loại súng nhựa, chỉ 10.000-30.000 đồng là có thể sở hữu một cây súng có âm thanh, màu sắc đủ loại từ súng đơn đến súng ghép, súng bắn ra tia laser dài, ...

Thị trường đồ chơi của trẻ thiếu tính giáo dục nhưng lại thừa tính bạo lực, độc hại. Chính vì thế, báo chí đã cảnh báo khá nhiều vụ bạo lực do ảnh hưởng của trò chơi, và nhiều trường hợp ảnh hưởng tới tính mạng do trẻ tiếp xúc với đồ chơi độc hại, thiếu an toàn. Khoa cấp cứu BV nhi Nghệ an đã từng chứng kiến khá nhiều trường hợp trẻ phải nhập viện do nuốt đồ chơi, trẻ bị dị vật xâm nhập đường thở, hay giảm thị lực do tiếp xúc đồ chơi có ánh đèn laser lập lòe…. “Hiện khá nhiều trẻ ham chơi trò thổi bong bóng. Đó là các lọ nhựa chứa hóa chất pha loãng (xà phòng) và một chiếc que đính kèm theo, khi nhúng chiếc que vào, giơ lên thổI, bong bóng xanh đỏ tím vàng theo nhau bay tứ tung không chỉ nguy hiểm tớI đường hô hấp mà còn nguy cơ cao tớI viêm da nếu chẳng may dính vào tay chân, nhất là đối với trẻ có cơ địa dị ứng” Bác sỹ Hiệp khoa Da liễu (BV Nhi) cảnh báo.

Nhiều năm qua, Chi cục QLTT Nghệ An đã tổ chức nhiều đợt ra quân vào các dịp trung thu, 1/6 để kiểm tra mặt hàng này. Rất nhiều đồ chơi nguy hiểm độc hạI, hàng buôn lậu bị tịch thu. Được chứng kiến nhiều đợt tiêu hủy hàng vi phạm của Chi cục mới thấy, hàng nguy hiểm độc hại được kinh doanh trên thị trường quá nhiều. Theo cán bộ Chi cục thì hầu hết số hàng đó được nhập lậu chủ yếu theo hai đường Lạng Sơn và Móng Cái.


Thị trường thiếu vắng đồ chơi truyền thống.


Cơ quan chức năng: Chi cục QLTT tỉnh, công an tiêu hủy đồ chơi bạo lực, nguy hiểm.


Cô Nguyễn phương Lan – GV trường Tư thục Họa Mi làm đồ chơi cho trẻ.

Đâu rồi đồ chơi truyền thống

Không chỉ ở những tuyến phố chuyên bán đồ chơi trẻ em hay các quầy hàng đồ chơi ở siêu thị mà ở bất kỳ ngõ phố, con hẻm nào ngườI ta đều dễ dàng tìm mua đồ chơi rẻ tiền nhưng tiềm ẩn không ít rủI ro, nhất là điểm bán trước cổng các trường học mẫu giáo. Nắm bắt tâm lý của trẻ, nhiều người kinh doanh tranh thủ lợi dụng để bày bán đồ chơi rẻ tiền, không rõ nguồn gốc. Có thể nói rằng, thị trường đang thiếu hụt hẳn những góc đồ chơi truyền thống thắp sáng những giấc mơ cổ tích cho các cô bé, cậu bé để các em biết thêm về những nét tinh hoa của thế hệ trước. Ngày Tết Trung thu, nhiều phụ huynh than phiền việc tìm đồ chơi sản xuất trong nước, đồ chơi mang tính giáo dục, an toàn đối với trẻ, là không dễ. Những lân, đầu rồng, mặt nạ, giấy tàu thủy sắt tây hay tò he của các nghệ nhân sản xuất quả là bói không ra trên thị trường đồ chơi Tp. Vinh. Chị Giang ở phường Hưng Dũng than thở: Vợ chồng tôi có 2 đứa con trai nên trò chơi nấu ăn, búp bê, chúng không thích, chỉ thích xe tăng, súng, kiếm nhựa. Lần trước mua cho chúng món đồ chơi là đoàn tàu bằng gỗ sản xuất trong nước của một cửa hàng trên đường Nguyễn Văn Cừ nhưng chúng chỉ chơi một lần duy nhất rồi quẳng vào xó nhà không thèm để ý nữa.”

Tại Trung tâm sách và thiết bị trường học- đơn vị được đánh giá là có nhiều đồ chơi an toàn hơn cả thì số lượng cũng quá ít, chỉ khiêm tốn chiếm một góc nhỏ. Anh Nguyễn Văn Tuấn – cán bộ quản lý ở đây cho biết, doanh số riêng mặt hàng này chỉ chiếm chưa quá 10% bán ra của trung tâm. Trước đây chúng nhập về chủ yếu hàng Trung Quốc nhưng gấn đây, hưởng ứng cuộc vận động “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, công ty nhập về khá lớn hàng Sài Gòn nhưng nói thật lĩnh vực đồ chơi hàng nội còn đơn điệu, tính năng thua hàng Trung Quốc. Chẳng hạn đồ chơi ô tô được trẻ rất thích, hàng Trung Quốc đa dạng, có thể vừa chạy vừa phát ra âm thanh vui tai, gặp chướng ngại vật quay đầu chạy tiếp trong khi hàng nội thì không được như vậy. “Nói thật, riêng đồ chơi không nhập hàng Trung Quốc chúng tôi biết lấy hàng gì để phục vụ khách hàng?” là tâm sự mà nhà sản xuất cần nghiên cứu, tìm hiểu.

Không thể đưa đồ chơi thiếu an toàn vào giáo dục trẻ, nhiều trường học mẫu giáo đều phải tự làm đồ chơi. Cô Nguyễn Phương Lan – Giáo viên Trường Mầm non tư thục Họa Mi, giáo viên nhiều năm liền đạt các giảI cao trong các cuộc thi đồ chơi cho trẻ của trường, thành phố cho hay: Trong ngành giáo dục, chúng tôi luôn đánh giá cao tác dụng của đồ chơi đối với sự phát triển nhân cách của trẻ. Chính vì thế, làm đồ chơi là một trong những tiêu chí đánh giá xếp loại của giáo viên mầm non. Từ những hộp, vỏ lon, vật dụng tưởng như vứt đi đã được bàn tay khéo léo của các cô biến thành đồ chơi nhiều ý nghĩa. Đó là những đoàn tàu từ bìa cứng, là siêu thị mini từ vỏ lon, hộp sữa…

Qủa thật, nếu không có định hướng kịp thời từ gia đình, nhà trường và nhà sản xuất không tìm hiểu thị hiếu của trẻ để bổ sung những tính năng hợp với lứa tuổi thì dần dần không chỉ thị phần đồ chơ nội sẽ bị mất ngay trên chính sân nhà mà quan trọng hơn, đồ chơi mang tính truyền thống có tính giáo dục trẻ sẽ thiếu vắng…


Thu Huyền

Mới nhất

x
Đâu rồi đồ chơi truyền thống?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO