Đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy - Bài 3: Hệ lụy "trắng" khốc liệt ở miền xuôi

15/08/2015 07:41

(Baonghean) - Không chỉ các bản làng cheo leo, heo hút ở rẻo cao biên giới xảy ra những câu chuyện buồn do ma túy; mà ở vùng đồng bằng, đô thị không ít gia đình cũng đang gánh chịu bi kịch - hậu họa từ “cái chết trắng” và nay thêm cả nạn “đập đá” với hệ lụy khôn lường, khiến con người ta rơi vào ảo giác, phạm trọng tội...

Cách đây gần 1 tháng, Khoa Hồi sức chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận 2 trường hợp hôn mê, nguyên nhân được xác định do sử dụng ma túy dạng đá (cách gọi thông thường là “đập đá”) dẫn đến nhồi máu cơ tim. Cả 2 bệnh nhân này đều có tuổi đời rất trẻ, Vương M.N (22 tuổi) trú tại phường Quán Bàu và Chu V.H (23 tuổi) trú tại xã Hưng Lộc (Thành phố Vinh).

Hai bệnh nhân được chuyển vào viện trong quãng thời gian gần nhau và cùng một triệu chứng khó thở, đau thắt giữa ngực dẫn đến ngất xỉu. Nếu như trước đây, cái chết do “sốc” thuốc được hiểu có thể gây tử vong do suy hô hấp đường thở (tai biến hô hấp), thì giờ đây một hệ lụy do ma túy đá gây ra cần được cảnh báo là dẫn đến nhồi máu cơ tim. 1 trong 2 trường hợp kể trên bị suy hô hấp quá nặng và tử vong trên đường chuyển lên tuyến trên. Người còn lại may mắn được các bác sỹ cứu sống, và khi tỉnh táo trở lại bệnh nhân này đã công nhận mình có “đập đá”. Phải từ giã cuộc sống khi tuổi còn quá trẻ là một thiệt thòi, nhưng đau đớn hơn cả là người bố, người mẹ đã dứt ruột đẻ ra, nuôi nấng hơn 20 năm trời bỗng chốc trở thành con số “0”. Đau đớn đến tột cùng, người bố và người mẹ ấy gục xuống ngất lịm giữa sảnh bệnh viện...

Công an huyện Hưng Nguyên giám định tang vật tại một vụ án ma túy ở xã Hưng Lĩnh.
Công an huyện Hưng Nguyên giám định tang vật tại một vụ án ma túy ở xã Hưng Lĩnh.

Ở xóm 19, xã Nghi Phú (TP.Vinh), có một ngôi nhà cấp 4 cũ nát, cửa luôn đóng im lìm, thi thoảng mới thấy một người phụ nữ tuổi đã cao ra vào. Người phụ nữ ấy là mẹ ruột của Phạm Thị Tuấn Anh (còn gọi Mai “con”) - một nữ “trùm” đường dây ma túy lớn vừa bị bắt cách đây chưa lâu. Bố mẹ ly hôn, Tuấn Anh ở với mẹ, bỏ học sớm và thường xuyên theo đám bạn mới lớn phiêu dạt khắp nơi, đúng nghĩa là một nữ giang hồ. Trên con đường ấy, thị đã sa ngã và trở thành một người nghiện lúc nào không hay. Để có tiền hút chích, Phạm Thị Tuấn Anh đã tham gia vào đường dây vận chuyển, mua bán heroin theo nguyên lý “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Và hậu quả, thị sa lưới pháp luật, vào trại cải tạo. Nhưng khi được tha, thị vẫn chứng nào tật nấy... Cách đây hơn 1 tháng, thị bị công an bắt giữ lần thứ 4 vì tội buôn bán, tàng trữ chất ma túy với số lượng lớn, tổng trị giá lên tới hơn 6 tỷ đồng. Khi bị phát hiện, thị còn định dùng súng ngắn để chống trả lực lượng công an hòng thoát thân. Giờ đây, khi nằm ở trại giam, không biết có lúc nào Phạm Thị Tuấn Anh nghĩ đến người mẹ già nua, ốm yếu sẽ sống như thế nào trong những năm tháng cuối đời?

Về xã Hưng Lĩnh (Hưng Nguyên), qua xóm 1A, có một ngôi nhà nhỏ nằm giữa một khu vườn hoang, xung quanh cỏ và cây dại mọc đầy. Cánh cửa hé mở nhưng phía trong im lìm. Ngôi nhà ấy từng là nơi trú ngụ của gia đình anh Tạ Văn Sỹ (SN 1976). Giờ đây, nó đã tan hoang, gia đình cũng “tan đàn sẻ nghé”, người đã chết, người còn sống nhưng bỏ đi biệt xứ, 2 đứa con thơ phải nương nhờ Làng trẻ SOS. Tạ Văn Sỹ sinh ra trong một gia đình đông anh em nên phải sớm mưu sinh, 16 tuổi đã phải xa gia đình để tìm kế sinh nhai. Nhưng ở nơi quê người, không đủ bản lĩnh, không giữ được mình, Sỹ đã bị bạn xấu lôi kéo, dụ dỗ vào con đường hút hít, tiêm chích và trở thành đệ tử của “con ma trắng” lúc nào không hay. Đi làm xa, không có tiền gửi về cho bố mẹ đã đành, con người Sỹ càng thân tàn ma dại, không thiết tha với công ăn việc làm. Tìm đường về quê, Sỹ kết hôn với một cô gái quê Thanh Chương, những mong có người bạn đời bên cạnh sẽ giúp anh quyết tâm từ bỏ “con ma trắng”. Nhưng chất độc đã thấm vào máu, hằn sâu trong não nên không dễ gì dứt bỏ, kể cả khi người vợ đã sinh cho anh 2 đứa con trai khỏe mạnh, dễ thương. Không chịu làm ăn, suốt ngày lo đàn đúm, gánh nặng gia đình và việc chăm sóc con cái đè lên vai người vợ. Năm 2010, trong lúc lên rừng lấy cây rành rành về làm chổi bán kiếm tiền, trời nắng gắt, sức khỏe yếu, vợ Sỹ bị ngã quỵ rồi trút hơi thở cuối cùng trên đường đi cấp cứu. Cái chết của vợ vẫn không đủ sức làm Sỹ tỉnh ngộ và trở về với cuộc sống bình thường, với việc chăm sóc 2 đứa trẻ mồ côi mẹ. Sỹ vẫn lang thang, đàn đúm và vui thú với ma túy, để mặc 2 đứa con lăn lóc, cù bất cù bơ. Anh em, họ hàng thương tình đã tìm cách cưu mang 2 đứa trẻ, người cho gạo, kẻ cho rau, người cho quần áo. Thấy quá thương tình, một cán bộ Công an huyện Hưng Nguyên đã lo thủ tục để 2 cháu về sinh sống tại Làng trẻ SOS (TP.Vinh), nơi gặp gỡ của những đứa trẻ mồ côi, bất hạnh. Đã 3 năm nay, người làng không thấy Tạ Văn Sỹ trở về, vườn nhà trở nên trống trải và hoang lạnh...

Người dân xóm 7, xã Khánh Sơn 2 (Nam Đàn) vẫn thường nhắc đến trường hợp Nguyễn T.V, con trai bà N đã tự tay phóng hỏa ngôi nhà khang trang bạc tỷ của gia đình mình. Bố đẻ của V là một “trùm” ma túy và đang trong thời gian thụ án, V ở nhà với mẹ. Từ nhỏ, V được cưng chiều và sớm “gia nhập” với đám bạn nghiện ngập. Một hôm, trong cơn đói thuốc, V xin tiền nhưng mẹ nhất quyết không cho, lập tức y tự tay châm lửa đốt các đồ vật trong phòng ngủ. Ngọn lửa bén nhanh, đám cháy cũng loang ra với tốc độ lớn, chẳng mấy phút đã bao trùm hết căn nhà, rồi trùm lên cả mái nhà. Thấy ngọn lửa bốc cao, hàng xóm chạy đến ứng cứu nhưng khi biết trong nhà còn có bình ga, sợ sức công phá khi bị phát nổ nên không một ai dám vào. Bà N đau xót đứng nhìn ngôi nhà và các tài sản khác của gia đình đang dần thành tro bụi. Kết quả, V bị kết an 10 năm tù giam - quãng thời gian không ngắn với một đời người. Nhưng người đau đớn hơn cả vẫn là bà N, bởi 2 người thân, 2 niềm hy vọng, 2 điểm tựa cuộc đời của bà đang phải đếm tháng ngày sau song sắt. Tất cả đều do “con ma trắng” gây nên.

Còn ở xóm 7, xã Diễn Kỷ (Diễn Châu) có một ngôi nhà nhỏ dựng phên, tủ bạt trông hết sức nhếch nhác. Chủ nhân của căn nhà ấy là ông Nguyễn Sỹ Tiến (SN 1954) đang thụ án tù lần thứ 3 vì tội mua bán và tàng trữ chất ma túy. Vợ chồng ông Tiến sinh được 3 con gái, 1 con trai nhưng ông lại không chí thú làm ăn mà sa vào nghiện ngập, bỏ mặc vợ con tự xoay xở cuộc sống. Rồi điều gì đến đã đến, ông không thoát khỏi con đường tù tội, nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV, 3 đứa con cũng “theo bước chân” bố đi vào con đường nghiện hút, 2 con gái cũng vào tù vì tội này. Đau xót hơn, vợ ông- bà Hồ Thị Huệ bị nhiễm HIV từ chồng và đã từ giã cuộc đời trong nỗi uất hận. Ngôi nhà ấy giờ chỉ một mình đứa con trai ông Tiến sinh sống, nhưng nó cũng thường đi lang thang, thi thoảng vật vờ trở về ngôi nhà nhếch nhác, lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng đang mọc lên san sát bên dòng sông Bùng...

Sức cám dỗ quá lớn, lợi nhuận lại quá cao nên khi đã sa chân vào con đường sử dụng, mua bán và vận chuyển ma túy, việc dứt ra không phải dễ dàng. Khi đã lóa mắt vì lợi nhuận, khi đã lên cơn nghiện và “phê” thuốc, người ta sẵn sàng làm tất cả, kể cả đốt phá nhà cửa, đánh đập người thân, đẩy gia đình vào cơn nguy khốn. Có thể kể thêm Đặng Văn Danh (1964), vì lợi nhuận đã sai con gái đang học lớp 11 đi giao “hàng trắng”. Hậu quả, con gái y bị bắt quả tang và nhận bản án 7 năm tù, và y cũng phải nhận mức án 17 năm tù. Hay như trường hợp Nguyễn Trọng Hóa (SN 1984) ở xã Diễn Lâm (Diễn Châu), vì nghiện ma túy, thiếu tiền tiêm chích đã rủ em trai đi câu chó, bị nhân dân phát hiện và đuổi đánh, Hóa bị trọng thương và tử vong trên đường đi cấp cứu...

(còn nữa)

Bài, ảnh: Nhóm P.V

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy - Bài 3: Hệ lụy "trắng" khốc liệt ở miền xuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO