Đầu tư vào nông nghiệp: Cơ hội rộng mở

26/02/2015 15:55

(Baonghean) - Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Nghệ An có nhiều tiềm năng rất “riêng”. Tuy nhiên, những năm qua, dù đã có nhiều cố gắng, nhưng đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tương xứng, vì vậy, còn rất nhiều cơ hội rộng mở cho các doanh nghiệp.

Thu hoạch cam ở xã Đồng Thành (Yên Thành).
Thu hoạch cam ở xã Đồng Thành (Yên Thành).

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Nghệ An có khoảng 200 nghìn ha với các loại cây trồng đa dạng. Trong tổng diện tích đó, cây lúa với trên 90 nghìn ha, sản lượng mỗi năm đạt 1 triệu tấn và trong đó, tiêu dùng hết khoảng 2/3, còn lại 1/3 dùng làm hàng hóa. Ngoài ra, hàng năm Nghệ An có khoảng 55 - 60 ngàn ha ngô, chủ yếu ngô vụ đông chiếm ưu thế cả về diện tích lẫn năng suất. Cây lạc Nghệ An cũng nằm trong nhóm hàng đầu về sản lượng và chất lượng trong cả nước. Trong giai đoạn 2011 - 2013, diện tích lạc đạt khoảng 20 nghìn ha, năng suất bình quân hiện khoảng 23 tạ/ha.

Theo ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thì Nghệ An có những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển các loại cây nguyên liệu như mía, cao su, chè, cây ăn quả, nhất là hiện đã hình thành vùng trồng cam tập trung với khoảng 2.600 ha ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Con Cuông, Yên Thành mà nếu có điều kiện phát triển, có thể nâng diện tích lên 4.000 - 5.000 ha. Hiện nay, tỉnh đã có quy hoạch đưa diện tích mía 30 nghìn ha, chè 20 nghìn ha, cao su 23 nghìn ha. Ngoài ra, còn có những tiểu vùng có thể bố trí các loại cây con đặc thù như chanh leo (Quế Phong), chè Tuyết shan (Kỳ Sơn), vịt bầu (Quỳ Châu), bò Mông, gà ác, lợn đen (Kỳ Sơn, Tương Dương)…

Về lâm nghiệp, ngoài diện tích hơn 200 nghìn ha quy hoạch đất trồng rừng nguyên liệu, còn có những vùng rừng tự nhiên rộng lớn, có thể khai thác tiềm năng về trồng và khôi phục một số loại dược liệu quý dưới tán rừng... Nghệ An cũng đã hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa của Công ty CP thực phẩm sữa TH. Toàn tỉnh đã xây dựng được 16 mô hình “cánh đồng mẫu lớn” trong sản xuất, tạo bước đột phá, thực hiện tốt mối liên kết “4 nhà” ... Tuy tiềm năng đa dạng như vậy nhưng trong phát triển sản xuất cũng như kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng.

Nguyên nhân có thể nhìn nhận từ nội tại phát triển nông nghiệp chưa bền vững, sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao, chưa phát huy tốt nguồn lực cho sản xuất hàng hóa bền vững. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới cách thức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản chưa phát triển. Phương thức sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa nhiều sự đầu tư quy mô, bài bản như hiện nay đã dẫn đến nhiều bất cập. Công nghệ sau thu hoạch hạn chế nên chất lượng sản phẩm không cao; việc nghiên cứu chuyển giao KHCN còn chậm, trong một số lĩnh vực chưa có sự đột phá về công nghệ để tăng nhanh năng suất và chất lượng sản phẩm; chưa chú trọng đến phát triển thương hiệu sản phẩm dẫn đến khả năng cạnh tranh trên thị trường kém. Việc phụ thuộc trong tiêu thụ và chịu sự bất ổn về giá cả là điều mà người nông dân hiện đang phải chấp nhận và còn nhiều băn khoăn, lo lắng.

Hiện nay, ngoài vùng nguyên liệu cây công nghiệp như chè, mía, cao su đã tương đối ổn định với các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, xây dựng cơ sở chế biến và thu mua sản phẩm, còn lại các loại cây trồng khác vẫn còn nhiều bất cập. Một số doanh nghiệp vào liên kết sản xuất lúa giống chất lượng cao, như Tổng công ty CP VTNN Nghệ An, Công ty TNHH Vĩnh Hòa, Công ty giống Thái Bình… nhưng chưa nhiều. Hầu hết nông dân vẫn đang tự “bơi” với phương thức sản xuất nhỏ lẻ và manh mún. Mặc dù có gần 1.000 ha chè Tuyết shan ở Kỳ Sơn, chất lượng rất tốt nhưng giá trị kinh tế chưa tương xứng do công nghệ chế biến còn rất thô sơ, 20 nghìn ha lạc với sản phẩm hàng trăm tấn chất lượng cao nhưng vẫn còn phụ thuộc vào hệ thống tư thương, xuất thô sang Trung Quốc...

Để khắc phục được những vấn đề đó, giải pháp được tỉnh xác định là nỗ lực kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong lĩnh vực trồng trọt, rất cần những nhà đầu tư vào tham gia từ khâu sản xuất đến thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong những năm tới, Nghệ An xác định ngoài tập trung khai thác tốt tiềm năng về diện tích đất lúa, chuyển dần sang sản xuất các loại giống lúa chất lượng cao để nâng cao giá trị hàng hóa, còn chú trọng đến những loại cây trồng phù hợp, hiện đang được coi là “thế mạnh” của tỉnh như rau thực phẩm, chè, lạc, cao su, cam và đặc biệt là cây dược liệu. Vùng cây dược liệu sẽ được quy hoạch với các loại cây như chanh leo, gừng, nghệ… trên đất các nông lâm trường, các nông hộ để tạo vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến với công suất 50 nghìn tấn dược liệu khô/năm.

Mới đây, tại cuộc làm việc với ngành nông nghiệp bàn về triển khai đề án chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn trên địa bàn Nghệ An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng nhấn mạnh: Thế mạnh của nông thôn Nghệ An vẫn là nông nghiệp, đặc biệt là các mặt hàng trong lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản. Bởi vậy, trong chính sách của tỉnh, luôn xác định ưu tiên hết sức cho các doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực kinh tế này. Thế nhưng số lượng doanh nghiệp tập trung ở khu vực nông thôn chỉ chiếm khoảng 26,3% và có xu hướng giảm dần. Mặc dù thời gian qua, chúng ta đã thu hút được một số dự án có quy mô lớn vào địa bàn nông thôn như Nhà máy sữa TH, các nhà máy chế biến gỗ, dứa và sắn… nhưng nhìn chung các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu có quy mô nhỏ. Có thể thấy, dù nhà nước đã thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư khu vực nông thôn song vẫn chưa phát huy được tác dụng hoặc mức độ tác động của chính sách này chưa lớn, chưa thực sự hiệu quả. Đây là hạn chế chúng ta cần nghiên cứu để có giải pháp thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Qua tìm hiểu, một số doanh nghiệp cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do rủi ro khi đầu tư vào nông nghiệp như thiên tai, dịch bệnh, ý thức của lao động nông thôn chưa cao; liên kết sản xuất nguyên liệu giữa người nông dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, làm ảnh hưởng đến phát triển sản xuất, kết cấu hạ tầng nông thôn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp… Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Nghệ An nói chung, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng, tỉnh ta đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi tại một số quyết định quan trọng. Hàng năm, tỉnh dành khoản kinh phí 13 - 60 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn, trong đó riêng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn những năm gần đây luôn ở mức từ 18 đến xấp xỉ 27 tỷ đồng/năm, chủ yếu hỗ trợ cho làm đường giao thông vùng nguyên liệu, san lấp và bồi thường giải phóng mặt bằng.

Hiện tại, tỉnh đang tiếp tục xây dựng đề án Chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Theo đó, nhu cầu về nguồn vốn bình quân hàng năm lên tới khoảng 160 tỷ đồng/năm, trong đó ngân sách Trung ương là 75 tỷ đồng và ngân sách tỉnh 85 tỷ đồng. Đây được coi là những nỗ lực đáng kể trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, đặc biệt khi Nghệ An đang được Chính phủ và Bộ NN&PTNT xác định là vùng trọng điểm về khoa học công nghệ cao của vùng Bắc Trung bộ. Như vậy, cơ hội cho đầu tư vào nông nghiệp rất rộng mở đối với mọi doanh nghiệp. Quá trình đó, bên cạnh những chính sách ưu đãi của Nhà nước, cùng với sự “hào hứng” của các doanh nghiệp, rất cần sự vào cuộc tích cực của các địa phương, hệ thống chính trị ở cơ sở và người dân cùng đồng lòng, chung sức cho mục tiêu phát triển.

Phú Hương

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Đầu tư vào nông nghiệp: Cơ hội rộng mở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO