Đẩy mạnh giáo dục quốc phòng - an ninh trong trường học

29/10/2013 21:40

(Baonghean) - Nhằm giúp học sinh hiểu biết toàn diện hơn về truyền thống đấu tranh cách mạng của cha ông, đồng thời hướng học sinh ý thức về tinh thần “sẵn sàng chiến đấu” trong quân sự, Thay cho việc học tập trung đồng loạt một lần vào đầu năm học, thời gian gần đây, trong phân phối chương trình các trường THPT và các trường chuyên nghiệp, môn Giáo dục Quốc phòng- An ninh (GDQP-AN) đã được bố trí giáo viên và giảng dạy hàng tuần cùng với các môn học chính khóa khác.

Từ tháng 11/2010, Sở GD&ĐT tổ chức xây dựng mô hình điểm môn học GDQP - AN cấp THPT và công tác bảo đảm an ninh trường học. Các trường được chọn làm điểm là: Trường THPT Hà Huy Tập, Trường THPT Quỳnh Lưu 2; Xây dựng điểm về môn học GDQP - AN gắn với công tác an ninh trường học ở Trường THCS Lê Mao (TP Vinh). Để thực hiện xây dựng mô hình, Sở GĐ&ĐT được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cử một cán bộ làm chuyên trách.

Trung tá Cao Xuân Đông, người được Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh cử sang chuyên trách cho biết: Trên địa hiện có 92 trường THPT, mỗi năm có hơn 120 nghìn học sinh, hơn 2.800 lớp học môn GDQP-AN. Trước khi triển khai mô hình, Sở GD&ĐT đã tiến hành đào tạo đội ngũ giáo viên, nghiên cứu soạn giáo trình… Đến nay đã có gần 300 giáo viên dạy bộ môn GDQP-AN biên chế trong ngành, trong đó có 64 giáo viên đào tạo văn bằng 2, số còn lại được đào tạo ngắn hạn và có chứng chỉ về bộ môn này. Như vậy, đã giải quyết được tình trạng thiếu đội ngũ giáo viên để thực hiện đủ theo chương trình cho bậc THPT là 35 tiết cho mỗi năm học và 105 năm tiết/năm ở các trường chuyên nghiệp.

Tiết học thực hành lắp bắn súng của học sinh lớp 12, Trường THPT Hà Huy Tập.
Tiết học thực hành lắp bắn súng của học sinh lớp 12, Trường THPT Hà Huy Tập.

Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh) là một trong những mô hình điểm của ngành về bộ môn này. Thầy Hoàng Minh Lương, Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập cho biết: Bắt đầu từ năm học 2011-2012, nhà trường được bổ sung biên chế 6 giáo viên phụ trách bộ môn GDQP-AN, trong đó có 2 giáo viên tốt nghiệp chính quy khoa GDQP Đại học Vinh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng mô hình điểm về GDQP-AN, trường đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng công tác GDQP-AN cho cán bộ, giáo viên và học sinh thông qua nhiều hình thức như lồng ghép vào các tiết dạy của các bộ môn văn hóa khác, thông qua hệ thống bản tin, phát thanh của nhà trường, pa nô, áp phích; lồng ghép nội dung GDQP-AN vào các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp như: Văn nghệ, TDTT, tổ chức các câu lạc bộ, thi tìm hiểu, cam kết… Nhà trường cũng trang bị tốt cơ sở vật chất cho việc dạy và học môn GDQP-AN như xây dựng sân bãi, trang thiết bị dạy học như súng, lựu đạn, bia bắn, sách giáo khoa tham khảo…

Ba khối 10, 11 và 12 của nhà trường có tổng số 39 lớp với 1.800 học sinh. Tất cả các khối đều phân phối theo quy định mỗi năm có 35 tiết học môn GDQP-AN. Khối 10 học sinh được trang bị kiến thức cơ bản nhất trước hết là truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam; học đội ngũ từng người không có súng, sơ cấp cứu chấn thương thông thường…; Khối 11, học tập Luật Nghĩa vụ quân sự; giới thiệu các loại vũ khí cầm tay như súng tiểu liên AK,CKC, lựu đạn; Khối 12 tìm hiểu về hệ thống tổ chức, công tác tuyển sinh đào tạo quân sự, công an. Học về chiến thuật, tư thế động tác vận dụng trên chiến trường và được quán triệt về trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc…

Kết quả tổng kết điểm năm học vừa qua có 28% học sinh đạt loại giỏi, 51% đạt loại khá. Qua tổ chức hội thao quốc phòng cho học sinh khối 11 và 12, có 100% đạt yêu cầu, trong đó 70% đạt loại giỏi, cao nhất trong toàn tỉnh. Chuyển biến rõ nét nhất là khi đưa bộ môn GDQP-AN vào chính khóa, học sinh các khối tập trung chào cờ đầu tuần rất đúng giờ và nề nếp, an ninh trường học tốt hơn nhiều so với trước. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức phối hợp với chính quyền địa phương, Công an phường Hà Huy Tập tuyên truyền pháp luật cho học sinh đảm bảo an ninh học đường. Trong 2 năm học 2011-2012 và 2012-213, nhà trường không có học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông…

Nói về môn học GDQP-AN, em Vương Thu Trang, học sinh lớp 12D, Trường THPT Lê Viết Thuật chia sẻ: “Môn học GDQP - AN tôi luyện cho chúng em về bản lĩnh, ý thức tổ chức kỷ luật và tác phong nhanh nhẹn. Cùng với các môn học chính khóa khác, ngoài các giờ học lý thuyết trên lớp, chúng em còn được thực hành nên nắm được một số kỹ năng cơ bản về các thao tác quân sự và nhận thức được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”.

Trong năm học 2013-2014 này, ngành Giáo dục tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh thực hiện tốt các văn bản về công tác GDQP-AN của Bộ GD&ĐT; chỉ đạo sát sao việc tổ chức dạy rải, học rải và đánh giá kết quả chất lượng học sinh (qua kiểm tra 100% tổ chức dạy rải, học rải thực hiện theo phân phối chương trình do Sở triển khai; các trường đã xây dựng thời khóa biểu, sổ ghi điểm có cột ghi điểm riêng của môn học); Thời gian qua Sở đã chỉ đạo bố trí giáo viên giảng dạy bộ môn GDQP-AN phải có chứng chỉ văn bằng, không sử dụng giáo viên chưa qua đào tạo; Đảm bảo trang bị mới cho bộ môn này theo quy định của Bộ GD-ĐT… Nhờ đó, gần đây chất lượng môn giáo dục quốc phòng có chuyển biến rõ nét: Năm học 2010-2011 kết quả giỏi 13,9%, khá 65%; năm học 2011-2012 tăng lên gần 15% giỏi, hơn 70% khá. Năm học 2012-2013, ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã có 6 giáo viên dự thi đạt giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia về môn GDQP-AN.

Ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở GD& ĐT đề xuất: Để chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, Bộ GD&ĐT cần có chỉ đạo hướng dẫn về thời gian đào tạo bổ sung đối với giáo viên GDQP-AN đã có chứng chỉ 6 tháng trước đây; Hội đồng GDQP-AN các cấp cần quan tâm chỉ đạo việc tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên GDQP-AN; phải quan tâm đến khuôn viên nhà trường (diện tích sân bãi) đáp ứng nhu cầu cho giáo viên và học sinh đủ rộng để tổ chức thực hành và đề nghị Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua sắm thiết bị dạy học môn GDQP-AN cho các trường THPT ngoài công lập…

Bài, ảnh: Phạm Ngân

Mới nhất

x
Đẩy mạnh giáo dục quốc phòng - an ninh trong trường học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO