(Baonghean) - Thực hiện chức năng của mình, thời gian gần đây, lực lượng Quản lý thị trường Nghệ An đã tập trung đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh mặt hàng thực phẩm; các nhà hàng, khách sạn phục vụ ăn uống; các phương tiện vận chuyển mặt hàng thực phẩm trái phép.
Kết quả, năm 2011 và 7 tháng đầu năm 2012, Chi cục đã xử lý 131 vụ vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ thuộc các mặt hàng nước giải khát, bánh kẹo quá hạn sử dụng, mỳ chính giả và nhái nhãn hiệu, bột canh quá hạn sử dụng… Tổng số xử phạt hành chính có giá trị trên 700 triệu đồng.
Con số này chỉ phản ánh rất khiêm tốn tình trạng vi phạm về VSATTP đang diễn ra trong thực tiễn. Bởi do tính chất phức tạp của các nhóm ngành hàng được quản lý và việc vi phạm VSATTP diễn ra ở khắp địa bàn và nhiều lĩnh vực (từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, buôn bán đến tiêu dùng); trong khi đó việc điều phối nhân lực, vật lực cho công tác đấu tranh các vi phạm VSATTP còn hạn chế. Trình độ nghiệp vụ đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm VSATTP của một số kiểm soát viên thị trường còn nhiều bất cập, các phương tiện kỹ thuật (ví dụ test thử nhanh), kinh phí phục vụ cho công tác kiểm tra, lấy mẫu kiểm định chất lượng của sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu.
Đặc biệt, nổi lên là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, buôn bán lợi dụng sự kém hiểu biết của đa số người tiêu dùng về VSATTP, nhất là địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tuồn các mặt hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng, không có nguồn gốc xuất xứ để tiêu thụ.
Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là Nhà nước cần quy định việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về VSATTP là một trong những nhiệm vụ chính và trọng yếu của các cấp, các ngành cùng song hành với công tác kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng. Đồng thời tăng cường lực lượng, đầu tư phương tiện, trang bị kỹ thuật, kinh phí phục vụ hoạt động trên lĩnh vực chống vi phạm ATVSTP. Đối với các lực lượng chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ và quyết liệt trong việc kiểm soát chặt các mặt hàng thực phẩm từ ngoài tỉnh chuyển vào và từng cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, buôn bán để thực phẩm mất ATVSTP không có cơ hội tồn tại trên thị trường.
Vấn đề ATVSTP là yếu tố quyết định sống còn trong cuộc cạnh tranh thương mại về thực phẩm. Khi đời sống đang ngày càng được nâng lên thì người tiêu dùng không còn quan tâm đến mặt hàng giá rẻ nữa mà yếu tố quyết định quan trọng nhất là chất lượng thực phẩm. Tuy nhiên, băn khoăn hiện nay của người sản xuất thì lo lắng sản xuất “nghiêm túc” giá thành cao không bán được, còn người tiêu dùng thì lo lắng thật – giả lẫn lộn, bỏ nhiều tiền nhưng vẫn mua hàng kém chất lượng.
Chính vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nhằm làm lành mạnh thị trường thì các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh cần phải có ý thức trách nhiệm để tạo ra những sản phẩm tốt, an toàn, tạo uy tín thương hiệu của sản phẩm.