Dạy nghề gắn với làng nghề ở Công ty Đức Phong
(Baonghean.vn) - Nhiều năm qua mô hình “dạy nghề gắn với làng nghề” tại Công ty TNHH Đức Phong, đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở các vùng nông thôn, đưa lại nhiều hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, mặc dù nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trên lĩnh vực xuất nhập khẩu, thế nhưng đến công ty TNHH Đức Phong không khí làm việc vẫn hết sức khẩn trương. Gặp ông Thái Đại Phong - Giám đốc Công ty, ông hồ hởi: Thì vẫn có khó khăn đấy, nhưng đơn đặt hàng cho chúng tôi vẫn đều đều.Hiện với khoảng 40 tỷ tiền hàng trong năm nay, điều chúng tôi lo nhất hiện nay là không có lao động để làm việc.
Sản xuất các sản phẩm mây tre đan xuất khẩu tại Công ty TNHH Đức Phong
Là đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trên lĩnh vực sản xuất mây tre đan xuất khẩu, hàng năm Công ty TNHH Đức Phong xuất khẩu hàng nghìn mặt hàng mây tre đan mỹ nghệ. Để đáp ứng đủ nhân công, từ năm 2001 đến nay Công ty đã mở hàng trăm lớp đào tạo cho trên 10.000 lao động với mô hình đào tạo đến đâu công ty cung ứng nguyên vật liệu và bao tiêu sản phẩm cho người lao động đến đó. Bên cạnh đó, Công ty đã thành lập trung tâm dạy nghề tiểu thủ công nghiệp Đồng Tâm, qua đó người lao động có nhu cầu sẽ được trung tâm dạy nghề và tạo việc làm. Ngoài ra, nhiều lớp học nghề khác cũng được mở tại các địa phương do chính những thợ lành nghề của công ty về trực tiếp giảng dạy.
Tại những lớp học nghề này,người lao động không mất học phí, được hỗ trợ nguyên vật liệu, dụng cụ, vừa học vừa sản xuất, học đến đâu thực hành đến đó. Nhờ được “cầm tay chỉ việc” nên chỉ sau một tháng đào tạo người lao động đã có thể thuần thục nghề nghiệp. Sau khi học xong công ty cung cấp nguyên vật liệu và bao tiêu sản phẩm, người lao động có thể yên tâm không phải lo đầu vào, đầu ra, không cần vốn vì đã được công ty cung ứng đầy đủ. Hiện tại công ty trả lương theo sản phẩm, một lao động thu nhập trên dưới 100.000 đồng/ngày. Chị Hương (xã Diễn Yên,Diễn Châu) cho biết: Tuy mới vào làm việc ở công ty hai năm nhưng mỗi tháng chị đã thu nhập trên 3 triệu đồng, cuộc sống ở quê không đắt đỏ nên chắt chiu cũng được khá nhiều.
Không chỉ dừng lại ở việc đào tạo nghề, Công ty Đức Phong còn giúp nhiều địa phương xây dựng thành công làng nghề. Hiện nay, với 39 làng nghề mây tre đan xuất khẩu, lĩnh vực hoạt động của Công ty Đại Phong trải dài trên nhiều huyện như Đô Lương, Nghi Lộc, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Quỳ Hợp, với hàng nghìn lao động. Như ở xã Nghi Thái (Nghi Lộc) có 21 xóm thì hầu hết lấy nghề mây tre đan xuất khẩu làm nghề thu nhập chính, ổn định.
Hy vọng qua mô hình “dạy nghề gắn với làng nghề” này, tỉnh và nhiều doanh nghiệp khác có sự điều tra, khảo sát nhu cầu thực sự của người lao động. Trên cơ sở đó, đề ra phương hướng và giải pháp thích hợp để đào tạo nghề phù hợp với điều kiện sống, sức khỏe, môi trường từng địa phương, tránh tình trạng đào tạo tràn lan nhưng học xong người lao động không có việc làm, gây lãng phí như nhiều năm qua.
Mỹ Hà