Dạy tiếng Hàn Quốc: Cơ hội và thách thức

31/10/2014 08:28

(Baonghean) - Hiện nay, khi các dự án của Hàn Quốc đầu tư vào tỉnh Nghệ An ngày càng nhiều, thị trường XKLĐ Hàn Quốc ngày càng mở rộng, kéo theo đó là sự gia tăng về nhu cầu học tiếng Hàn. Do đó ở Nghệ An, giáo viên dạy tiếng Hàn đang là nghề có triển vọng!

Lớp học tiếng Hàn tại Trường Cao đẳng nghề KTCN Việt Nam - Hàn Quốc (TP. Vinh).
Lớp học tiếng Hàn tại Trường Cao đẳng nghề KTCN Việt Nam - Hàn Quốc (TP. Vinh).

Có cầu, ắt có cung

Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc (gọi tắt là Trường Việt – Hàn), tiếng Hàn được đưa vào giảng dạy chính thức từ năm 1999. Tuy nhiên, phải đến những năm gần đây, khi Hàn Quốc trở thành một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, nhu cầu học tiếng Hàn phát triển mạnh, thì việc dạy học tiếng Hàn trở thành một nghề “hót”, mang lại cơ hội việc làm lớn và thu nhập cao. Giáo viên tiếng Hàn có thời điểm thu nhập 20-25 triệu đồng/tháng. Đến nay, ở Nghệ An ngoài trường Việt – Hàn thì một số cơ sở khác như Trường Cao đẳng nghề số 4 Bộ Quốc phòng (Nghi Phú, TP. Vinh), Trung tâm Giới thiệu việc làm (Sở LĐ-TB& XH) cũng tổ chức dạy tiếng Hàn.

Chị Nguyễn Thị Thu Hoài, phường Trung Đô (TP. Vinh), tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành ngôn ngữ Hàn Quốc (Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội) giáo viên môn tiếng Hàn của Trường Việt – Hàn, cho biết hiện tại trường hiện có 4 giáo viên dạy tiếng Hàn trong biên chế. Do nhu cầu đăng ký học tiếng Hàn tại trường rất lớn, 4 giáo viên chính thức không thể đáp ứng đủ, nhà trường đã phải ký hợp đồng với số lượng người đứng lớp dạy tiếng Hàn lên đến 20 người. Cùng với đó, nhà trường còn phối hợp với 15 tình nguyện viên người Hàn Quốc luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu học tiếng Hàn của học viên.

Đối tượng học các lớp tiếng Hàn khá phong phú: sinh viên chính quy hệ cao đẳng, trung cấp nghề của nhà trường, học tiếng Hàn với tư cách là một môn ngoại ngữ bắt buộc; người có nhu cầu xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Theo Chương trình cấp phép việc làm (EPS) dành cho các lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở Hàn Quốc, điều kiện đối với các lao động này là phải đỗ kỳ kiểm tra tiếng Hàn xuất khẩu lao động (ESP-TOPIK) thì mới được tiếp nhận. Do đó nhu cầu học tiếng Hàn từ phía các đối tượng này rất lớn. Có thời điểm tại trường Việt – Hàn có 1.500 người xuất khẩu lao động đăng ký học tiếng Hàn. Nhà trường phải tổ chức hơn 40 lớp, dạy học liên tục 3 ca/ngày. Đối tượng thứ ba là đào tạo tiếng Hàn nâng cao thuộc chương trình giáo dục định hướng cho những người đã đỗ ESP-TOPIK, sắp sửa xuất cảnh. Năm 2014, trường Việt – Hàn là một trong 2 trung tâm của cả nước được chọn để tổ chức các khóa đào tạo giáo dục định hướng, vì thế, trong tháng 6 – 7/2014, gần 1000 học viên cả nước tham gia các khóa đào tạo này. Đối tượng thứ tư là cán bộ quản lý các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hàn Quốc có nhu cầu sử dụng tiếng Hàn trong công việc. Tại Nghệ An hiện có 8 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động và đội ngũ cán bộ quản lý có nhu cầu học tiếng Hàn khá đông. Một đối tượng khác là những người muốn sang Hàn Quốc theo hình thức du học, số này tăng khá nhiều trong những năm gần đây. Ngoài ra, một số học viên là sinh viên, tìm đến các lớp học tiếng Hàn đơn giản chỉ vì yêu thích văn hóa Hàn Quốc hay các bài hát tiếng Hàn; số khác học tiếng Hàn để “làm dâu xứ người”.

Hình thức dạy học tiếng Hàn cũng khá đa dạng. Bên cạnh học tập trung tại các trung tâm tiếng Hàn, học viên có thể theo học các lớp phụ đạo của các giáo viên tại nhà hoặc có điều kiện hơn thì có thể lựa chọn hình thức gia sư, dạy kèm tại nhà. Anh Hồ Văn Giáp – Quản lý trung tâm gia sư Đại học Vinh cho biết: “Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm đưa vào giảng dạy thêm môn tiếng Hàn, số học viên đến với trung tâm ngày càng tăng. Trong năm 2014, mỗi tháng trung tâm có khoảng 10 lượt học viên, đa số là những bạn trẻ có nhu cầu đi du học ở Hàn Quốc”.

Giáo viên tiếng Hàn phiên dịch cho đoàn KOICA (Hàn Quốc) tại phòng thực hành tiện Trường Cao đẳng nghề KTCN Việt Nam - Hàn Quốc.
Giáo viên tiếng Hàn phiên dịch cho đoàn KOICA (Hàn Quốc) tại phòng thực hành tiện Trường Cao đẳng nghề KTCN Việt Nam - Hàn Quốc.

Cơ hội và thách thức

Cũng chị Nguyễn Thị Thu Hoài cho biết, hiện nay sinh viên tốt nghiệp dạy học ngôn ngữ Hàn Quốc có khá nhiều cơ hội tìm việc làm. Nhiều sinh viên ra trường chọn làm việc tại các văn phòng của các công ty Hàn Quốc. Các doanh nghiệp Hàn Quốc ở Nghệ An trong các thông báo tuyển dụng, đều có dòng “ưu tiên những người thông thạo tiếng Hàn Quốc”. Bên cạnh đó, nhóm những giáo viên dạy tiếng Hàn của trường Việt – Hàn cũng thường xuyên được mời để phiên dịch mỗi khi có đoàn công tác Hàn Quốc đến thăm và làm việc tại Nghệ An. Các đợt làm việc của các đoàn ngoại giao, đoàn công tác phía Hàn Quốc, của các địa phương kết nghĩa với tỉnh, với các địa phương trong tỉnh, (như tỉnh Gyeongi, thành phố Nam Yangju); các đoàn thương gia, doanh nghiệp Hàn Quốc ở các nơi đến Nghệ An làm việc cũng thường xuyên liên hệ với giáo viên tiếng Hàn nhờ phiên dịch theo yêu cầu. Trung bình, mỗi ngày đi phiên dịch được bồi dưỡng số tiền không dưới 100 USD; lương phiên dịch tiếng Hàn tại các doanh nghiệp Hàn Quốc khởi điểm khoảng 300 - 400 USD/tháng, mỗi năm tăng 100 USD và mức bình quân thu nhập hiện nay của phiên dịch tiếng Hàn khoảng 600-800 USD/ tháng. Chị Hoài cũng cho biết thêm, so với các ngôn ngữ Latin, tiếng Hàn dễ tiếp thu, có thể đánh vần, ghép vần như tiếng Việt; tiếng Hàn có nhiều vốn từ Hán nên nhiều người chỉ cần học 1 năm là có thể giao tiếp với người Hàn Quốc một cách trôi chảy.

Ngoài những yếu tố trên, việc dạy học tiếng Hàn trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều điều kiện thuận lợi khác để phát triển. Hiện Hàn Quốc là nước có số lượng dự án đầu tư lớn nhất vào Nghệ An. Tính đến nay, có 11 dự án đầu tư còn hiệu lực, vốn đăng ký 60,97 triệu USD, sử dụng trên 10.000 lao động địa phương. Điển hình như Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất linh kiện, thiết bị, điện tử viễn thông Hitech BSE Việt Nam do Công ty TNHH Điện tử BSE Việt Nam thành lập tại KCN Nam Cấm, với tổng mức đầu tư 30 triệu USD, quy mô 250 triệu sản phẩm/năm; Nhà máy may Haivina Kim Liên (Nam Đàn) có tổng mức đầu tư 5 triệu USD, chuyên sản xuất, gia công hàng găng tay thể thao, găng tay công nghiệp với sản lượng 3,5 triệu đôi/năm; Nhà máy sản xuất sản phẩm da và dệt may của Công ty TNHH Prex Vinh, vốn đầu tư 11,6 triệu USD, chuyên sản xuất các sản phẩm dệt may, các loại trang phục bơi lội, các loại sản phẩm làm từ da, các trang phục phụ kiện dùng cho quần áo, sản lượng 3 triệu sản phẩm/năm; Nhà máy sản xuất hàng may sẵn và trang phục do Công ty TNHH Nam Sung Vina đầu tư tại Cụm công nghiệp Tháp Hồng Kỷ (Diễn Châu), tổng mức đầu tư 7 triệu USD, sản lượng 9.480.000 sản phẩm/năm.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc ở Nghệ An đã thành lập Câu lạc bộ doanh nhân Hàn Quốc nhằm hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình thực hiện đầu tư tại Nghệ An.. Còn tại trường Việt – Hàn, trong tổng số 6 triệu USD mà tổ chức hợp tác Hàn Quốc (KOICA) đầu tư cho trường trong thời gian tới, ngoài chi phí xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, dành 1,4 triệu USD cho việc mở các lớp đào tạo cán bộ quản lý, giáo viên, chuyên gia của trường tại Hàn Quốc với số lượng gần 60 người. Hiện tại trường Việt – Hàn còn hợp đồng với trường đại học Yangsan (Hàn Quốc) dạy để cấp bằng bổ túc tiếng Hàn. Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc, mở ra nhiều cơ hội cho nghề dạy học tiếng Hàn phát triển.

Tuy nhiên, việc dạy học tiếng Hàn hiện gặp không ít thách thức. Trước năm 2011, nhu cầu học tiếng Hàn để đi xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh rất lớn, dẫn đến tình trạng “cung không đủ cầu”. Tuy nhiên, từ tháng 12/2011 đến tháng 12/2013, Hàn Quốc đã từng tạm dừng các đợt thi tuyển tiếng Hàn hạn chế tiếp nhận lao động Việt Nam. Nguyên nhân do số lượng người lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp đang ở mức cao nhất trong 15 quốc gia có công dân đang làm việc theo hợp đồng có thời hạn tại Hàn Quốc. Do đó, việc dạy học tiếng Hàn Quốc trên địa bàn tỉnh giai đoạn đó khá trầm lắng. Đầu năm nay, khi chương trình ESP đưa người lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc được nối lại, nhu cầu học tiếng Hàn ở nhóm đối tượng này tăng lên. Tuy nhiên, hầu hết những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động tham gia các lớp học tiếng Hàn thường lựa chọn những trung tâm lớn, có chất lượng. Do đó, một số trung tâm dạy tiếng Hàn quy mô nhỏ hiện đang thiếu học viên trầm trọng. Tại Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh, theo anh Lê Văn Thành – Phó trưởng phòng Đào tạo cho biết: “Trước năm 2012, mỗi năm lớp học tiếng Hàn của Trung tâm thu hút được 50 – 60 học viên. Mấy năm trở lại đây, mỗi năm cũng chỉ có hơn chục học viên”.

Đến thời điểm này, chúng ta vẫn chưa “thoát” khỏi nguy cơ mất thị trường lao động Hàn Quốc, bởi tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vẫn ở mức cao. Theo ông Lê Huy Vinh – chuyên viên Phòng Lao động - Việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), hiện nay, tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc là 36,6%; riêng tỉnh Nghệ An là hơn 48%. Trong lúc đó, theo điều khoản tại thỏa thuận, chương trình EPS chỉ tiếp tục được nối lại khi tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đến tháng 12/2014 xuống dưới 30%.

Theo ông Đặng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, để giảm tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, tạo thuận lợi cho việc tiếp tục thực hiện chương trình EPS và cũng tạo thuận lợi cho việc dạy học tiếng Hàn ở Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng, trong thời gian tới, chúng ta phải ráo riết thực hiện các biện pháp vận động các lao động cư trú bất hợp pháp về nước. Còn về lâu dài, chúng ta cần tuyên truyền để các lao động xuất khẩu không lưu trú bất hợp pháp. Trách nhiệm này trước hết ở các giáo viên dạy tiếng Hàn. Phải vừa dạy tiếng Hàn, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức về thực thi pháp luật tại nơi sử dụng lao động theo đúng hợp đồng. Bên cạnh đó, gia đình, xã hội cũng cần vào cuộc tích cực tuyên truyền vận động những người đi lao động xuất khẩu đừng “tham bát bỏ mâm”, đừng chỉ vì lợi ích bất hợp pháp của riêng mình mà đánh mất cơ hội của nhiều người khác...

Minh Quân – Đức Dương

Mới nhất

x
Dạy tiếng Hàn Quốc: Cơ hội và thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO