Để cai nghiện ma túy và quản lý sau cai hiệu quả

10/12/2014 09:11

(Baonghean) - Mặc dù, các cấp, ngành và cộng đồng đã tích cực vào cuộc tổ chức cai nghiện cho người nghiện, cùng với đó là tăng cường quản lý sau cai, thế nhưng hoạt động này vẫn chưa mang lại kết quả cao. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của các cấp, ngành, chính quyền địa phương cũng như bản thân người nghiện và gia đình có người nghiện.

Hiệu quả chưa cao

Tính đến tháng 11/2014, 21/21 huyện, thành, thị xã trên địa bàn tỉnh có người nghiện ma túy; 376/480 xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy, chiếm 78,3%. Trong đó, có 141 xã, phường, thị trấn được xác định là trọng điểm ma túy, chiếm 38%. Trên địa bàn tỉnh hiện có 66 tụ điểm, hơn 340 điểm nóng bán lẻ chất ma túy. Những thống kê trên cho thấy áp lực lớn trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai của các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư và mỗi gia đình. Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, toàn tỉnh hiện có 7.279 người nghiện có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, con số người nghiện ma túy trong thực tế có thể lớn hơn nhiều so với thống kê. Một vấn đề đáng quan tâm nữa là người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp, dạng đá ngày càng tăng, tập trung vào đối tượng trẻ tuổi.

Lớp học may tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội I.
Lớp học may tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội I.

Những năm qua, các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội trong tỉnh đã tập trung cao, huy động mọi nguồn lực xã hội để thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai. Theo đó có 2 mô hình cai nghiện chủ yếu được triển khai ở các địa phương; một là đưa người nghiện vào các trung tâm cai nghiện và quản lý sau cai (toàn tỉnh có 8 trung tâm có chức năng cai nghiện và quản lý sau cai); hai là cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Nhìn chung, ở hai mô hình bước đầu mang lại hiệu quả nhất định trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai. Tại Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội I, thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hiện đang quản lý và tổ chức cai nghiện cho 140 người, trong đó có 119 học viên cai nghiện bắt buộc và 21 học viên cai nghiện tự nguyện.

Các học viên vào trung tâm được hỗ trợ điều trị cắt cơn, giải độc, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ để ổn định tâm lý, sức khỏe và phòng, chống tái nghiện, đồng thời được hỗ trợ học nghề, gò hàn, mây tre đan, chăn nuôi.... Theo ông Nguyễn Hữu Hồng - Trưởng phòng tư vấn giáo dục cộng đồng, Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội I: “100% học viên sau thời gian được hỗ trợ cắt cơn, giải độc, trở về cộng đồng kết quả xét nghiệm đều không có chất ma túy. Đặc biệt, thời gian ở trung tâm giúp người nghiện cách ly với môi trường bên ngoài, cách ly với ma túy, được trang bị các kiến thức và hiểu biết hơn để chống đỡ lại với những cám dỗ sau khi trở về với cộng đồng…”.

Còn ở hình thức cai tại gia đình, cộng đồng, theo ông Trương Sỹ Nhuận - Trưởng Công an xã Diễn Kỷ (Diễn Châu), mô hình cai nghiện tại công đồng giải quyết cắt cơn nghiện cho các đối tượng được ngày nào hay ngày đó. Mô hình này mang tính nhân văn, giảm thiểu được sự kỳ thị đối với người nghiện, không tách rời người nghiện khỏi cộng đồng, gia đình. Nhưng hiệu quả chưa cao do sự quản lý của gia đình. Lý giải đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn vẫn còn tăng cao, ông Trương Sỹ Nhuận cho biết thêm, tình hình buôn bán ma túy đang diễn biến rất phức tạp, các đối tượng xấu tìm mọi cách để dụ dỗ các đối tượng nghiện, trong khi các đối tượng này thường không có việc làm, trình độ hạn chế…

Thực trạng trên cho thấy hiệu quả cai nghiện, chống tái nghiện chưa cao, nguồn lực cho cai nghiện chưa đủ và giải pháp cai nghiện chưa hiệu quả. Cũng có những trường hợp cai nghiện thành công nhưng tỷ lệ còn thấp. Sau khi được hỗ trợ các điều kiện cần thiết thông qua hai mô hình cai nghiện tại trung tâm, hay gia đình, cộng đồng, nếu không có ý chí, sự phấn đấu quyết liệt từ nỗ lực của mỗi người và các gia đình có người nghiện thì rất khó cai nghiện thành công. Điều đó lý giải vì sao tỷ lệ tái nghiện sau cai còn cao. Tiếp xúc với một số người nghiện, chúng tôi ghi nhận được một số tâm sự của họ, mặc dù rất muốn cai để bớt khổ cho bản thân và gia đình, nhưng khi trở về địa phương tiếp xúc với những người cũ, tiếp xúc với môi trường đời thường, cộng với những khó khăn trong cuộc sống nên ma túy xâm nhập trở lại. Có người tâm sự: “Thời gian đầu khi đi cai nghiện tập trung về, đi đâu, làm gì, gia đình đều theo sát, sau đó khoảng 1 năm, thấy tôi không còn dính đến ma túy nữa nên yên tâm. Nhưng cũng do không có việc làm, bản thân phải tự lập thế là nghiện lại”. Đó là một thực tế đáng lo ngại trong công tác quản lý sau cai ở các địa phương.

Đa dạng hóa hình thức cai nghiện

Bây giờ người nghiện được xác định là một người bệnh và theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực từ 30/7/2014, quy định thẩm quyền quyết định đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc thuộc Tòa án nhân dân cấp huyện (thay cho thẩm quyền Chủ tịch UBND cấp huyện trước đó). Để cụ thể hóa các quy định của Luật Xử lý hành chính liên quan đến người nghiện, Chính phủ đã ban hành Nghị định 221/2013/NĐ - CP, ngày 30/12/2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc. Và để có quyết định của tòa án đưa người nghiện vào trung tâm phải trải qua rất nhiều khâu, thủ tục quy định, làm cho người nghiện và gia đình có người nghiện “ngại”.

Theo báo cáo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến ngày 15/11/2014, các trung tâm cai nghiện tiếp nhận và quản lý 1.252 học viên, trong đó năm 2013 chuyển qua 937 học viên, tiếp nhận mới năm 2014 chỉ có 315 học viên. Trong số 315 học viên tiếp nhận mới có 147 người cai bắt buộc, trong đó 69 người được lập hồ sơ theo Nghị định 221 của Chính phủ; 78 đối tượng được UBND cấp huyện ký quyết định đưa vào cai tại trung tâm trước ngày 1/1/2014. Do khó khăn về thủ tục nên việc đưa người đi cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm từ đầu năm đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đạt 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều địa phương vẫn còn lúng túng và có 11 huyện, thị xã chưa đưa người đi cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm theo Nghị định 221 của Chính phủ.

Từ những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra, theo ông Vi Ngọc Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, việc triển khai thực hiện Nghị định 221 của Chính phủ đang được UBND tỉnh chỉ đạo các ngành có liên quan cùng phối hợp tháo gỡ nhằm tăng cường quản lý, đưa người nghiện vào cai tại các trung tâm và cai tại gia đình, cộng đồng, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự chung trên địa bàn tỉnh. Đồng thời để công tác cai nghiện và quản lý sau cai có chất lượng, trước hết cần phải cắt “cung” bằng việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm buôn bán, tàng trữ chất ma túy; tích cực xóa các tụ điểm, điểm nóng buôn bán ma túy, tạo môi trường xã hội lành mạnh hơn.

Cùng đó, tăng cường rà soát, nắm chắc số người nghiện, đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống ma túy, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của chính người nghiện và ý thức trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong công tác cai nghiện. Tiếp tục thực hiện đa dạng hóa các hình thức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, cai nghiện tự nguyện và bắt buộc; mở rộng mô hình điều trị bằng Methadone. Xác định xã phường, khu dân cư là địa bàn trọng tâm cho mục tiêu thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, cai nghiện và quản lý sau cai. Qua đó, xây dựng, quản lý các địa bàn lành mạnh không có tệ nạn xã hội, tổ chức cai nghiện, quản lý sau cai tại gia đình, cộng đồng, kết nối các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm dựa vào các nguồn lực sẵn có tại địa phương.

Vẫn biết rằng, công tác cai nghiện ma túy và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp. Nhưng các cấp đã có các giải pháp đồng bộ, vì vậy, đòi hỏi sự nỗ lực, kiên trì và vào cuộc tích cực hơn nữa của chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể, địa phương. Và, điều quan trọng nhất là sự nỗ lực của chính bản thân người nghiện và gia đình, dòng họ cùng cộng đồng dân cư ở các địa phương.

Minh Chi - Lê Thanh

Để cai nghiện ma túy và quản lý sau cai hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO