Đề cao tính hiệu quả, thực chất
(Baonghean) - Thông qua việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ cở (QCDCCS), quyền làm chủ của nhân dân, người lao động tiếp tục được nâng lên rõ rệt. Tạo điều kiện cho cán bộ gần dân, biết tôn trọng và tiếp thu các ý kiến đóng góp của nhân dân, nâng cao ý thức, trách nhiệm và hiệu quả trong công việc. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục.
Chuyển biến tích cực
Đây là đánh giá của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDCCS tỉnh khi tổng kết việc thực hiện QCDCCS năm 2015 trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, đối với loại hình các xã, phường, thị trấn, qua theo dõi, kiểm tra cho thấy, cơ bản các địa phương đều triển khai nghiêm túc, hiệu quả QCDCCS theo Pháp lệnh 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; gắn thực hiện QCDCCS với việc phát động các phong trào thi đua chào mừng Đại hội Đảng các cấp. Các địa phương cũng đã tổ chức thực hiện có hiệu quả những việc phải công khai để dân biết, dân bàn, quyết định và giám sát.
Trong đó, các địa phương tập trung công khai các dự án, quy hoạch đất, khu, cụm công nghiệp, dân cư, mức giá bồi thường thu hồi đất của nhân dân, chủ trương vay vốn phát triển sản xuất, chính sách hỗ trợ huyện nghèo như Chương trình 134, 135, 30a của Chính phủ; các quy định về thủ tục hành chính, các dự án công khai xin ý kiến nhân dân trước khi thực hiện. Đồng chí Nguyễn Mạnh Khôi - Phó trưởng ban Thường trực, Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: “Toàn tỉnh có 480/480 xã, phường, thị trấn có Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Nhìn chung, các ban này từng bước đi vào hoạt động thực chất và cụ thể hơn”.
Phát huy quy chế DCCS, nhân dân xóm 9, xã Nghĩa Hưng (Nghĩa Đàn) đồng lòng làm đường giao thông NTM. Ảnh: Thành Duy. |
Bên cạnh đó, trong năm trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức rà soát hương ước, quy ước để bổ sung sửa đổi với tổng số được bổ sung, phê duyệt mới là 5.156/5.790 đơn vị cấp xóm. Năm 2015, toàn tỉnh có 114 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 27%.
Đối với loại hình cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, Nghị định 04/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập cũng được triển khai rộng rãi. Do đó, việc thực hiện QCDCCS gắn với cải cách hành chính được triển khai tích cực, văn hóa công sở có nhiều tiến bộ, chất lượng hoạt động công vụ được nâng lên. Đặc biệt, việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan hành chính được đẩy mạnh.
Hiện nay 21/21 huyện, thành, thị; 459/480 xã, phường, thị trấn; 23 sở, ngành và văn phòng UBND tỉnh thực hiện cơ chế “một cửa”. Một số sở, ngành và 15/21 đơn vị cấp huyện đã thực hiện cơ chế “một cửa liên thông”. Các đơn vị đã niêm yết công khai các thủ tục hành chính như: hệ thống biểu mẫu, hồ sơ, phí, lệ phí, thời gian giải quyết công việc cho từng loại việc… nên tạo thuận lợi cho cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân trong việc làm các thủ tục hành chính.
Đánh giá về nội dung này, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan tỉnh, cho biết: “Chúng tôi thấy rằng, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cán bộ về QCDCCS tốt hơn. Điều này thể hiện trong việc các đơn vị quan tâm hơn trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ gắn với những quy trình thực hiện QCDCCS, tổ chức các hoạt động theo hướng dẫn của Nghị định 04/2015”.
Bên cạnh đó, đối với loại hình doanh nghiệp, việc thực hiện QCDCCS tại 68 doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh được đánh giá nghiêm túc; còn đối với các công ty cổ phần, TNHH, tư nhân, khu vực lâu nay được đánh giá là khó cũng đã có những chuyển biến nhất định, góp phần nâng cao nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động.
Kiểm tra công khai quy định những việc "dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát" tại bộ phận một cửa xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu). Ảnh: Nguyễn Hải. |
Cần thực hiện QCDCCS hiệu quả, thực chất hơn
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDCCS tỉnh vừa qua, ý kiến các thành viên ban chỉ đạo đều thống nhất với những kết quả đạt được trong thực hiện QCDCCS trên địa bàn tỉnh năm 2015. Song bên cạnh đó, vẫn còn những vấn đề được các thành viên ban chỉ đạo phân tích, làm rõ nhằm đưa việc thực hiện QCDCCS trong thực tiễn đạt được hiệu quả cao hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo QCDCCS tỉnh đặt vấn đề, theo khảo sát, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của tỉnh Nghệ An (chỉ số đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương) năm 2014 xếp thứ 27/63 tỉnh, thành trên cả nước, tăng 10 bậc so với năm 2013. Tuy nhiên, so với các tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ, chỉ số PAPI của tỉnh lại chỉ đứng 6/6 tỉnh. Bên cạnh đó, năm 2014, Nghệ An cũng chỉ xếp thứ 44/63 tỉnh, thành trong cả nước về chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) được Bộ Nội vụ công bố.
Do đó, phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Xuân Đại nhấn mạnh: “Phải làm thế nào đánh giá thực chất, khách quan hơn nữa để công tác thực hiện QCDCCS của các loại hình đều có sự chuyển biến, nhất là vấn đề ở cơ sở để nâng cao các chỉ số này”.
Cán bộ xã Đồng Hợp (Quỳ Hợp) hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân tại trung tâm giao dịch một cửa. Ảnh: Thành Duy. |
Liên quan đến việc thực hiện các chính sách, đồng chí Nguyễn Hữu Nhị - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nêu ý kiến, một số chính sách của tỉnh đã đi vào đời sống của nhân dân; tuy nhiên các cơ quan nhà nước cần phải lấy ý kiến phản hồi của nhân dân để xem hiệu quả chính sách đến đâu. Trong thực tế, đã có trường hợp hỗ trợ trâu bò cho người dân vùng cao nhưng đem giống từ miền xuôi lên miền núi không phù hợp.
“Cơ quan liên quan phải thường xuyên nghe các thông tin phản hồi của người dân để kịp thời điều chỉnh, triển khai linh hoạt các chính sách để khi về với người được thụ hưởng đạt hiệu quả cao”, đồng chí Nhị nêu ý kiến. Cũng tại buổi làm việc của Ban Chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Văn Huy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An đề cập đến vấn đề xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt kết quả đáng mừng nhưng đi đôi với đó còn có điều đáng băn khoăn cần phải xem xét để làm sao có tính bền vững hơn, nhất là trong việc huy động sức dân sao cho hợp lý. Hoặc vấn đề xã hội hóa trong giáo dục, thông qua giám sát của Ủy ban MTTQ còn có vấn đề trong thực hiện mức thu, cần có giải pháp chấn chỉnh điều này.
Có thể thấy, việc thực hiện QCDCCS góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, với yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới, đòi hỏi quá trình triển khai QCDCCS cần phải thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả hơn.
Để làm tốt điều này, các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, người lao động phải nhận thức đầy đủ, thể hiện tinh thần tự nguyện, tự giác trong việc nêu cao vai trò trong thực hiện QCDCCS. Đi đôi là công tác kiểm tra, giám sát thực hiện QCDCCS được tăng cường. Qua đó, tạo được những chuyển biến, đồng thuận cao trong hành động, góp thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng và mức sống của nhân dân, đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Thành Duy
TIN LIÊN QUAN