Để cây công nghiệp phát triển bền vững

17/07/2014 14:41

(Baonghean) - Có thể nói rằng, lâu nay các loại cây trồng như mía, chè, dứa đã góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cho tương lai của các loại cây này, như năng suất chưa cao, đầu ra chưa ổn định… khiến người dân chưa mặn mà đầu tư.

Dây chuyền chế biến dứa xuất khẩu. Ảnh: M.H
Dây chuyền chế biến dứa xuất khẩu. Ảnh: M.H

Mía giảm năng suất

Từ QL 48, vượt qua cung đường hơn 14 km mới vào đến cánh đồng mía Dốc Dài xã Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp). Anh Đặng Duy Hiền ở Nghĩa Xuân cho hay: “Gia đình tôi làm 4 ha mía chủ yếu giống Rốc 10, năng suất bình quân đạt khoảng trên 60 tấn/ha, với giá mía dao động từ 800.000 - 850.000 đồng/tấn, 1 ha mía hiện tại chỉ thu về khoảng 45 - 50 triệu đồng, ngang bằng với chi phí bỏ ra. Giá mía rẻ nên chúng tôi không muốn đầu tư, thậm chí muốn đầu tư cũng khó vì mùa nắng nóng, bón phân không có nước tưới nên mía không thể hấp thụ được. Do nắng nóng gay gắt, đã có khoảng hơn 1 ha mía đang khô héo, không những thế, hầu hết diện tích mía bị bệnh chồi cỏ đã chữa trị bằng nhiều loại thuốc nhưng không được. Năng suất vụ này giảm, ước tính chỉ đạt 45 tấn/ha”.

Sang cánh đồng mía ở Đồng Hợp (Quỳ Hợp), chị Thanh Mai đang làm cỏ mía, ngừng tay trao đổi: “Đã gắn bó với cây mía hơn chục năm nay, nhưng càng ngày tôi thấy cây mía không thật sự đem lại hiệu quả kinh tế. Giá mía rẻ, nhà máy lại thu mua chậm. Như niên vụ vừa qua, gia đình làm 7 sào mía, trổ cờ ruột xốp hết mới được thu mua khiến năng suất giảm sút, bị lỗ từ 1,4 - 1,5 triệu đồng/sào. Chưa kể là do chủ yếu sử dụng giống cũ Rốc 10 nên năng suất không cao. Tôi hỏi sao chị không thay thế bằng các giống mới năng suất cao? Chị Mai lý giải: Nhà máy đường đã khuyến cáo thay thế giống mới nhưng nếu như thế thì phải làm lại từ đầu rất tốn kém. Vùng đất này trồng mía chủ yếu nhờ trời, nếu đầu tư giống mới, cộng thêm phân bón có khi tính ra bị lỗ nên cứ chấp nhận trồng giống cũ”.

Ông Hoàng Văn Thái - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp cho biết: Quỳ Hợp có khoảng 7.500 ha mía chủ yếu tập trung ở các xã Hạ Sơn, Văn Lợi, Nghĩa Xuân, Châu Đình… Khoảng 3 năm trở lại nay, cây mía đã có khởi sắc, năng suất từ chỗ 55 - 57 tấn/ha thì nay đạt bình quân trên 60 tấn/ha. Khoảng 40% diện tích đã được trồng bằng các loại giống mới như giống Viên Lâm 6, MI… Tuy nhiên, do giá mía thấp, hầu hết nông dân không dám đầu tư nên năng suất còn thấp, hiệu quả cây mía đem lại chưa cao. Bên cạnh đó, mấy năm nay bệnh chồi cỏ hoành hành, hiện trên địa bàn đang có 1.400 ha bị bệnh chồi cỏ, ước tính sẽ bị giảm năng suất khoảng 30%.

Dứa, chè đầu ra không ổn định

Xuôi theo QL 48, chúng tôi về vùng dứa Quỳnh Châu - Quỳnh Lưu, thời điểm này người dân đang thu hoạch dứa. Ông Lê Văn Doạt ở xóm 2, Quỳnh Châu, kể: “Trước đây tôi trồng 3 ha, nay chỉ còn 1 ha, do đầu ra không ổn định nên không dám đầu tư, năng suất trước đây thường đạt 45 tấn/ha thì nay chỉ đạt 35-40 tấn/ha. Hiện tôi chủ yếu bán cho thị trường ngoài với giá 2.800 -3.000 đ/kg dứa, trừ chi phí còn lãi khoảng gần 15-20 triệu đồng/ha. Nhưng cây dứa từ khi trồng đến khi cho thu hoạch thời gian kéo dài tới tận 18 tháng nên tính ra không có lãi là mấy”. Được biết, xóm 2 có 130 hộ dân, trước đây trồng dứa khoảng 70 ha, nay chỉ còn hơn 25 ha dứa, nhiều bà con chuyển sang trồng sắn.

Ông Hồ Đức Xin - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu nói: Trước đây xã có 150 ha dứa, nay giảm xuống chỉ còn 70 ha, bà con chuyển sang cây trồng sắn, mía, hương trầm… Và hầu hết dứa đều bán cho tư thương vì nhà máy dứa thu mua yêu cầu khắt khe, giá chỉ đạt 2.500 đồng/kg là quá rẻ. Thời gian đầu nhà máy hoạt động khá thuận lợi, nhưng người trồng dứa chưa kịp vui thì giá dứa lên xuống thất thường, nhà máy thu mua dứa nợ. Đặc biệt, Nhà máy dứa cô đặc trước đây đã chuyển sang Công ty cổ phần Thực phẩm Nghệ An (Nafoods) chủ yếu chế biến hoa quả như chanh leo, cam, lựu… nên dây chuyền sản xuất dứa “nhỏ giọt” 10-15 tấn dứa/ngày là quá nhỏ so với sản lượng dứa hiện có.

Nghệ An có trên 8.000 ha chè, những năm qua, loại cây trồng này đã phát huy được hiệu quả vùng gò đồi, trung du của tỉnh, góp phần cải thiện đời sống cho nhân dân. Tại huyện Con Cuông hiện có trên 800 ha chè, nhiều vùng chè trồng theo hướng thâm canh cho năng suất khá cao, như tại xã Yên Khê có trên 200 ha chè đạt năng suất bình quân 14-15 tấn/ha. Hầu hết các vùng chè đều sử dụng các giống năng suất cao LDP1, LDP2. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh chè, vẫn còn nhiều bất cập. Ông Nguyễn Văn Phú ở Trung Chính - Yên Khê – Con Cuông, nói: Gia đình làm 3 sào chè nhưng vụ nắng này cả 3 sào bị chết cháy, không còn cho thu hoạch.

Do vùng chè nằm xa với khu vực khe suối nên rất khó khăn trong việc tưới cho chè, nắng hạn nhẹ thì giảm năng suất, ảnh hưởng sinh trưởng phát triển của cây, nặng thì gây chết cháy. Chưa kể tại các vùng chè Con Cuông, Thanh Chương… còn xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán, người trồng chè đang chịu thiệt đơn, thiệt kép do bị các đơn vị thu mua ép cấp, ép giá. Qua khảo sát các vùng chè ở các huyện Thanh Chương, Con Cuông vẫn thấy những tồn tại chung như: Nhiều vườn chè còn trồng theo phương thức quảng canh nên năng suất sản lượng chè còn thấp. Việc hình thành các cơ sở chế biến mini một cách tự phát cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng cũng như mất sự ổn định về giá cả. Cơ sở hạ tầng vùng chè chưa được đầu tư đúng mức, nhất là giao thông vùng nguyên liệu. Người trồng chè còn gặp nhiều khó khăn về vốn, quy mô nhỏ, sản phẩm không đồng đều nên chưa đủ sức cạnh tranh dẫn đến thu nhập thấp.

Đâu là giải pháp?

Để dẫn đến tình trạng một số loại cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh ta còn những bất cập, chưa thực sự phát huy được hiệu quả tương xứng với tiềm năng, có nhiều nguyên nhân. Với cây mía, tỷ lệ dùng giống cũ, giống thoái hóa còn cao, chiếm trên 60% diện tích, cơ cấu giống chưa phù hợp với từng loại đất và thời vụ thu hoạch của nhà máy. Như tại các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Anh Sơn, nhiều hộ dân sử dụng các giống mía Rốc được đưa vào trồng trên gần 20 năm qua không được phục tráng, khi mới nhập về cây to 2,5 - 3 cm, cao 2 - 2,5 m, qua thời gian dài cây nhỏ, ngắn, trồng trên đất đồi không được đầu tư trông chẳng khác cây lau sậy. Các loại giống mới năng suất cao như giống Viên Lâm 6, MI đang còn rất hạn chế. Chưa kể quy trình thâm canh thiếu và không đồng bộ, từ cơ giới hóa làm đất đến đầu tư phân bón, phòng trừ bệnh, tưới mía. Theo các nhà chuyên môn: Để tạo ra 1 tấn mía nguyên liệu cần 2,70 kg urê, 8 kg lân thương phẩm, 5,5 kg kali. Thực tế nông dân chỉ bón khoảng 50 - 70 % nhu cầu. Phân ít lại không cân đối, cách bón không đúng nên hiệu quả rất thấp. Chủ yếu người trồng mía còn phụ thuộc sử dụng nguồn đầu tư ứng trước của nhà máy, đầu tư của nhân dân còn hạn chế…

Để cây mía phát triển mang lại hiệu quả cao cần phải rà soát quy hoạch vùng mía nguyên liệu theo định hướng sản xuất hàng hóa, tập trung quy mô lớn. Lựa chọn giống và cơ cấu giống phù hợp, thực hiện tốt quy trình thâm canh, ứng dụng và nhân rộng mô hình công nghệ cao. Như mô hình tưới nước nhỏ giọt của hộ anh Dương Đình Tấn ở Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp) tưới cho 2 ha mía đạt năng suất gần 120 tấn mía/ha. Anh Tấn cho biết: Chi phí bình quân cho tưới nhỏ giọt là trên 60 triệu đồng/ha, nhưng bù lại, năng suất mía đạt cao gấp đôi so với các ruộng mía khác, lên tới 120 tấn mía/ha, độ đường đạt 12,3 nên giá mía thu mua cao 1.000 đ/kg, bình quân đạt doanh thu 120 triệu đồng/ha, trừ chi phí vẫn còn lãi 60 triệu đồng/ha.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - ông Nguyễn Văn Lập, trong khi nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước về tưới nhỏ giọt còn hạn chế thì các hộ dân cần liên doanh, liên kết tích tụ ruộng đất theo hướng các chủ trang trại để đầu tư nhân rộng mô hình tưới nhỏ giọt. Các ngân hàng cần tăng cường nguồn vốn đầu tư, có cơ chế bảo lãnh tín dụng thông thoáng, xây dựng cơ sở hạ tầng vùng mía. Hỗ trợ nông dân lãi suất để đầu tư mua máy cày công suất lớn, thực hiện cơ giới hóa sản xuất và thu hoạch mía. Đặc biệt, đối với các vùng trồng mía kém hiệu quả, các địa phương cần mạnh dạn để chuyển đổi sang trồng cây khác, như tại các huyện Tân Kỳ những năm qua đã chuyển đổi từ 300 - 400 ha đất trồng mía sang trồng cây cao su, tại Yên Thành chuyển đổi trên 150 ha từ trồng mía sang trồng sắn cao sản.

Những năm qua, chè là loại cây trồng đã chứng tỏ được sự ổn định và hiệu quả kinh tế của mình. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nắng hạn ngày càng diễn biến gay gắt làm chết nhiều diện tích chè. Để đối phó với tình trạng này, cần thiết kế vùng chè hợp lý, đồng bộ có các công trình phụ trợ như cây phân xanh che bóng, chắn gió; tạo được các hồ đập chứa nước, bể chứa nước ở ven chân đồi khi nắng hạn để tưới chè kịp thời. Ngoài ra, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ để khoan giếng bơm giúp nông dân tưới chè, tu sửa các hồ đập dự trữ nước tưới chè. Như tại xã Hùng Sơn - Anh Sơn hiện có 360 ha chè, xã đã duy tu, sửa chữa nhỏ được trên hàng chục hồ đập lớn nhỏ để tạo độ ẩm cho cây chè và phục vụ tưới chè trong mùa khô, hay Xí nghiệp chè Anh Sơn đã chuyển giao quy trình kỹ thuật cho bà con và có cơ chế hỗ trợ về vốn và khoan thăm dò những nơi không có hồ đập để chống hạn cho cây chè, nên vụ nắng nóng năm nay diện tích chè chết do hạn rất ít.

Đối với cây dứa, ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu chia sẻ: Giải pháp đặt ra đối với cây dứa hiện nay là cần phải rà soát lại thực tế nhà máy bao tiêu sản phẩm được bao nhiêu sản lượng dứa, diện tích còn lại cần phải chuyển đổi từ cây dứa sang các cây trồng khác hiệu quả hơn. Thực tế bà con các xã Quỳnh Châu, Quỳnh Tam, Tân Thắng đã chuyển từ dứa sang các cây trồng khác như mía, sắn cao sản, cây rau màu … đạt hiệu quả hơn trồng dứa.

Ông Nguyễn Văn Lập cho biết thêm: Ngoài ra, để phát triển vùng chuyên canh cây công nghiệp bền vững, cần tập trung vào những giải pháp hiệu quả và cần thiết khác. Các vùng trồng mía có điều kiện cần tập trung trồng thâm canh, áp dụng các tiến bộ KHKT để tăng năng suất, như thay thế các loại giống mới. Các nhà máy phối hợp nhịp nhàng trong khâu thu hoạch, thu mua, chế biến, đầu tư đường giao thông nguyên liệu mía. Với cây chè cần có sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và chế biến chè, rà soát lại các cơ sở chế biến không có giấy phép, các cơ sở chế biến nhưng lại không có vùng nguyên liệu để xử lý theo quy định.

Tăng cường hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cải tạo, nâng cấp cải tiến công nghệ chế biến chè nâng cao giá trị sản phẩm chè. Đẩy mạnh đầu tư thâm canh diện tích chè, khuyến cáo người dân trồng bằng giống chè bầu, không trồng bằng hạt gieo thẳng và trồng, chăm sóc theo đúng kỹ thuật, tổ chức tốt việc chỉ đạo đầu tư thâm canh và phòng trừ sâu bệnh. Bên cạnh đó, cây dứa chỉ ổn định trên 600 ha vì hiện nay nhà máy dứa cô đặc đã chuyển sang chế biến hoa quả, tuy nhiên giữa nhà máy và người trồng dứa cần có sự liên kết để tiêu thụ sản phẩm. Đội ngũ cán bộ khuyến nông địa phương cần hướng dẫn bà con trồng rải vụ tránh tình trạng thu hoạch cùng lúc, xử lý hóa chất để dứa chín chậm, tiêu thụ hết sản phẩm cho bà con.

Văn Trường

Mới nhất
x
Để cây công nghiệp phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO