Để chăn nuôi nông hộ phát huy hiệu quả
(Baonghean) - Chăn nuôi nông hộ là hình thức chăn nuôi truyền thống trên địa bàn cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng. Hình thức chăn nuôi này đóng góp 60 - 65% tổng giá trị sản phẩm ngành chăn nuôi trên địa bàn, nhưng đang tồn tại nhiều hạn chế cần có những giải pháp tích cực.
Sinh ra và lớn lên tại Thanh Liên (Thanh Chương), dù mỗi ngày đưa đi nhập hàng tạ bún, bánh tự làm, nhưng gia đình anh Trần Văn Tám vẫn “thủy chung” với chăn nuôi gà, lợn. Những năm 1990 của thế kỷ trước, chính nhờ nghề này mà anh làm được nhà khang trang. “Bây giờ tôi vẫn nuôi gà, lợn. Không đem lại thu nhập thường xuyên như nghề bún bánh nhưng tận dụng được nguồn thức ăn thừa và nước gạo từ nghề. Coi như lấy công làm lãi, mỗi năm gia đình cũng có thu nhập từ chăn nuôi vài chục triệu đồng, lại có phân để bón cho 3 sào ruộng”- anh Tám vui vẻ cho biết. Toàn xã Thanh Liên có gần 60 nghìn con gia cầm, trên 20 nghìn con lợn, trâu, bò, chủ yếu đang là chăn nuôi nông hộ. Ông Đinh Viết Nam, Phó Chủ tịch UBND xã cho rằng: Trong dân, hộ nuôi nhiều nhất cũng chỉ từ 300- 500 con gà vịt trở lại, còn lại chủ yếu từ 50 - 70 con gà, vịt, dăm ba con lợn, vài con trâu, bò. Với điều kiện đặc thù của xã, chăn nuôi nông hộ vẫn đang là hình thức phổ biến.
Chăn nuôi lợn theo hướng VietGap ở Giang Sơn Đông (Đô Lương). Ảnh: Châu Lan |
Là địa phương có nền chăn nuôi phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong những năm gần đây, mỗi lứa nuôi, Diễn Trung (Diễn Châu) có gần 150 nghìn con gia cầm. Mấy năm nay, chăn nuôi tập trung theo hình thức gia trại, trang trại phát triển rất mạnh ở Diễn Trung, toàn xã đã có 168 gia trại và trang trại có quy mô từ 500 - 20 nghìn con/hộ. Tuy nhiên, số hộ dân nuôi nhỏ lẻ theo hình thức nông hộ vẫn còn khá phổ biến ở hầu hết các hộ còn lại. Từ năm 2011, xã đã triển khai thực hiện quy trình VietGAP trong chăn nuôi nông hộ và đem lại nhiều kết quả tích cực. Qua đó đã giúp nâng cao nhận thức của bà con trong việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết, gà tăng trọng nhanh hơn trong khi thời gian nuôi giảm xuống, lượng thức ăn tiêu tốn ít hơn và đặc biệt, một số nhóm hộ đã liên kết lại, hình thành các nhóm hộ cùng hợp tác trong “cùng vào cùng ra”, cùng mua giống, cùng nuôi và cùng tìm mối tiêu thụ tập trung, ổn định.
Chăn nuôi nông hộ nhất là nhỏ lẻ hiện gặp khó khăn trong phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo môi trường nông thôn, tuy nhiên, đến nay vẫn khá phổ biến và chưa dễ gì thay thế. Theo tính toán chăn nuôi nông hộ hiện đóng góp từ 60- 65% tổng giá trị sản phẩm ngành chăn nuôi, chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng nội địa. Là hình thức chăn nuôi truyền thống, quy mô nhỏ nên việc phát triển chăn nuôi nông hộ rất dễ , bởi thế nó gắn chặt với sinh kế của gần 70% số nông dân, tạo việc làm và thu nhập cho hàng nghìn lao động. Chăn nuôi nông hộ ngoài tận dụng được sức lao động, cơ sở vật chất sẵn có và tại chỗ, còn tận dụng được nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ làm thức ăn, phù hợp với trình độ của người dân khi chỉ dựa vào kinh nghiêm là chính, ngoài ra còn cung cấp trở lại nguồn phân bón cho trồng trọt. Vì vậy, đối với Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng, trong nhiều năm tới, chăn nuôi nông hộ vẫn còn tiếp tục tồn tại, và trong chủ trương tái cơ cấu của ngành, quan điểm vẫn là “giảm dần” chăn nuôi nông hộ chứ chưa chấm dứt. Định hướng của ngành nông nghiệp về tái cơ cấu ngành chăn nuôi, vẫn xác định duy trì hai phương thức chính là trang trại, gia trại và chăn nuôi nông hộ, theo hướng thực hiện các biện pháp về an toàn sinh học và áp dụng các biện pháp kỹ thuật về giống, thức ăn, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh để có thể đảm bảo tính hiệu quả và an toàn của hình thức chăn nuôi này.
Để chăn nuôi nông hộ hiệu quả, phù hợp với xu thế mới, Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở NN&PTNT - ông Lưu Công Hòa cho biết: Những năm qua, tỉnh ta đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, như hỗ trợ miễn phí cho truyền tinh nhân tạo trâu, bò, nhập trâu, bò đực giống, hỗ trợ nhập nuôi đàn lợn ngoại... Đặc biệt, từ năm 2011 đã triển khai thực hiện quy trình VietGAP trong chăn nuôi nông hộ tại 4 huyện Diễn Châu, Nam Đàn, Đô Lương và Nghi Lộc, đến nay đã xây dựng được ở 10 xã, 30 nhóm Gap và 599 hộ tham gia. Bên cạnh đó, thông qua các chương trình khuyến nông của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm giống chăn nuôi đã tổ chức xây dựng được nhiều mô hình chăn nuôi lợn, gà theo hướng an toàn sinh học, nhằm mục đích hỗ trợ cho chăn nuôi nông hộ thực hiện các biện pháp kỹ thuật để nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế cũng như đảm bảo an toàn VSTP theo hướng bền vững. Ngoài ra, từ các chương trình VietGAP và dự án Lifsap, đã hỗ trợ người dân xây dựng gần 1.000 bể khí biogas, qua chương trình Khí sinh học quốc gia hỗ trợ xây dựng gần 5.000 bể. Thông qua các chương trình này, đã góp phần nâng cao giống, chất lượng sản phẩm vật nuôi và bảo vệ môi trường.
Thời gian tới, người chăn nuôi cần chủ động nắm bắt áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ về giống, thức ăn, phòng bệnh và xử lý môi trường… Đồng thời, để tạo được sản phẩm an toàn, phải hình thành được các tổ đội, HTX, nhóm nhằm tạo sản phẩm “cùng vào cùng ra”, mua các vật tư như con giống, thức ăn… có nguồn gốc, tạo được sản phẩm tương đối tập trung, đỡ qua khâu trung gian từ đó giảm giá thành đầu vào, tăng hiệu quả đầu ra. Khó khăn nhất trong vấn đề này là thay đổi được nhận thức, tập quán của người chăn nuôi, giúp bà con chuyển từ chăn nuôi truyền thống, tận dụng và dựa theo kinh nghiệm là chính sang chăn nuôi có định hướng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Người chăn nuôi phải có vốn đầu tư cho chuồng trại, bảo vệ môi trường, có hiểu biết về công tác thú y, tiêm phòng; tìm và duy trì, phát triển các giống vật nuôi bản địa tốt, hợp với thị hiếu tiêu dùng như lợn đen, vịt bầu, gà đồi... tránh được sự cạnh tranh với chăn nuôi công nghiệp cũng như phát huy lợi thế của mình. Đặc biệt, giúp nông dân nâng cao ý thức liên kết thông qua việc tổ chức các HTX theo chuỗi ngành hàng, tăng sức cạnh tranh thị trường, bảo vệ quyền lợi cho bà con trong cơ chế thị trường. Các cơ quan chuyên môn cần giúp người chăn nuôi nâng cao trình độ kỹ thuật và hiểu biết thị trường sản phẩm, giúp người dân trong việc bảo đảm chất lượng đồng đều, tạo thuận lợi cho khâu tiêu thụ.
Phú Hương
Mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã yêu cầu khẩn trương triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy chăn nuôi nông hộ: nâng cao chất lượng đàn giống trong sản xuất đại trà, chú ý bò lai, lợn lai, gà thả vườn có năng suất tốt; giảm giá thành thức ăn và sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu tại chỗ; đồng thời tăng cường kiểm soát dịch bệnh, giết mổ, bảo vệ môi trường, theo hướng chăn nuôi nông hộ an toàn và bền vững. |