“Để có được thành công hôm nay, tôi cũng từng phải đi làm thuê để có tiền mua sách vở”

11/01/2013 15:47

Giáo sư - Tiến sỹ khoa học, Nhà thực vật học hàng đầu Việt Nam Nguyễn Nghĩa Thìn sinh năm 1944, ở xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương. Ông hiện là giảng viên cao cấp của Đại học quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng ngành sinh học Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Thực vật Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Nghĩa Thìn đã có cuộc trò chuyện thân mật cùng phóng viên Báo Nghệ An về chuyện đời, chuyện nghề và quê hương.

(Baonghean) Giáo sư - Tiến sỹ khoa học, Nhà thực vật học hàng đầu Việt Nam Nguyễn Nghĩa Thìn sinh năm 1944, ở xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương. Ông hiện là giảng viên cao cấp của Đại học quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng ngành sinh học Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Thực vật Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Nghĩa Thìn đã có cuộc trò chuyện thân mật cùng phóng viên Báo Nghệ An về chuyện đời, chuyện nghề và quê hương.



- Thưa Giáo sư! Được biết Giáo sư sinh ra ở Thanh Chương – quê hương của “nhút mặn, chua cà”, Giáo sư có thể cho biết đôi nét về quá trình khổ luyện phấn đấu của mình?

- Tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông có 4 anh chị em và đã trải qua tuổi thơ khá vất vả. Những năm học cấp 1, cấp 2, tôi vừa đi học vừa phải đi chăn trâu, kiếm củi, mót lạc, mót lúa... Lên cấp 3, học ở Trường Đô Lương 1 (nay là Trường THPT Đô Lương 1). Để có được thành công ngày hôm nay, tôi cũng từng phải đi làm thuê để có tiền mua sách vở. Sau đó, tôi thi đậu vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Hồi học phổ thông, tôi rất mê Toán, Lý, Hóa và muốn đi sâu nghiên cứu các ngành này nhưng đến khi vào trường đại học lại được xếp học ngành Sinh vật. Ban đầu tôi cảm thấy buồn chán nhưng rồi một anh ở khóa trên khuyên tôi rằng cần xem đó là một lợi thế, bởi ở Việt Nam lúc bấy giờ Sinh vật học chưa phát triển và có rất ít công trình nghiên cứu có giá trị, đặc biệt là về thực vật nhiệt đới. Những lời khuyện này đã giúp tôi đả thông tư tưởng để chú tâm vào học tập. Ngay ở năm thứ nhất, tôi được các thầy gợi ý tham gia vào một số đề tài khoa học của khoa và say mê nghiên cứu khoa học từ đó. Năm 1966, tốt nghiệp đại học, tôi được giữ lại làm giảng viên. Năm 1969, trước yêu cầu thực tế là tìm ra nguồn rau rừng và cây thuốc phục vụ cho bộ đội ở các chiến trường miền Nam, tôi xung phong lên đường, vào chiến trường Tây Nguyên.

Trong 4 năm ở chiến trường, tôi đã thực hiện thành công đề tài: "Nghiên cứu các loại rau rừng ăn được phục vụ bộ đội ở chiến trường Tây Nguyên", được Cục Quân nhu (Bộ Quốc phòng) đánh giá rất cao. Năm 1975, tôi được cử đi làm nghiên cứu sinh tại Bungary và đến năm 1980 bảo vệ Luận án Tiến sỹ tại Trường Đại học Tổng hợp Sofia, ngành Thực vật học. Năm 1991, tôi được phong hàm Phó Giáo sư, sau đó bảo vệ Luận án Tiến sỹ Khoa học (1996) rồi được phong hàm Giáo sư (2002). Đến nay, tôi đã có 40 công trình, đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 12 công trình đã được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn. Trong số đó có 2 công trình được thực hiện tại tỉnh Nghệ An là: "Đánh giá tính đa dạng thực vật ở Khu bảo tồn Pù Mát, Con Cuông, Nghệ An" (1999 – 2000) và "Điều tra đa dạng thực vật trên núi đá vôi ở Pù Mát và xác định địa bàn ưu tiên cho công tác bảo tồn có người dân tham gia" (2000-2001).

- Giáo sư đánh giá thế nào về tính đa dạng và tiềm năng của hệ thực vật ở Nghệ An?

- Đối với nhiều học viên cao học hay nghiên cứu sinh người Nghệ An, tôi thường động viên họ thực hiện các đề tài nghiên cứu về hệ thực vật ở miền Tây xứ Nghệ. Có thể khẳng định, hệ thực vật ở Nghệ An rất đa dạng, phong phú, trong đó có nhiều loài cây dược liệu, cây gỗ quý hiếm, có giá trị thực tiễn cao như cây máu chó, cây hoàng đằng, cây thông dầu... Tuy vậy, qua các công trình của học trò, tôi được biết rằng hiện nay các loài cây này chưa được các ngành chức năng nhìn nhận đúng giá trị nên chưa được bảo vệ, khai thác một cách hợp lý. Bên cạnh đó, qua việc hướng dẫn, giúp đỡ những sinh viên, học viên cao học ở Nghệ An thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, tôi nhận thấy ở Nghệ An hiện vẫn thiếu hoặc chưa phát huy được vai trò của những chuyên gia sinh vật học. Đó là những thực tế cần được nhìn nhận đúng để có hướng giải quyết.

- Giáo sư cho biết cảm nhận của mình về cuộc gặp mặt trí thức, văn nghệ sỹ người Nghệ sắp tới?

- Cuộc gặp mặt này thực sự rất có ý nghĩa, giúp những người nghiên cứu khoa học như chúng tôi có dịp gặp gỡ, chia sẻ về truyền thống hiếu học của quê hương và niềm tự hào là những người con xứ Nghệ; đồng thời có tác dụng động viên rất lớn đối với những trí thức, văn nghệ sỹ người Nghệ trên khắp mọi miền đất nước để họ cống hiến nhiều hơn nữa, có những đóng góp thiết thực hơn nữa cho quê hương, đất nước. Theo tôi, những cuộc gặp gỡ như vậy nên được tổ chức thường xuyên và không chỉ ở cấp tỉnh mà còn ở cấp huyện, thành, thị.

- Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!


Minh Quân (thực hiện)

Mới nhất
x
“Để có được thành công hôm nay, tôi cũng từng phải đi làm thuê để có tiền mua sách vở”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO