Để có những cánh đồng mẫu lớn
(Baonghean) - Những năm gần đây, việc xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” là một hướng đi mới nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa, góp phần nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn ở các tỉnh, thành phố phía Bắc được triển khai đến nay đã bước sang năm thứ 2 với sự tham gia của 18 tỉnh, thành, trong đó có Nghệ An. Thông qua mô hình này, mối liên kết giữa “4 nhà” ngày càng chặt chẽ, trong đó các bên tham gia đều hưởng lợi ích cao nhất, tạo sự phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi phong trào xây dựng nông thôn mới. Vụ xuân 2013, toàn tỉnh có 16 mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 757 ha, trong đó có 11 mô hình trồng lúa, 3 mô hình trồng ngô và 2 mô hình trồng lạc tại 13 huyện như Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Đô Lương, Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông,...
Để đạt mô hình cánh đồng mẫu lớn, các khu vực sản xuất cần đáp ứng 8 tiêu chí như: phải có quy hoạch vùng sản xuất phù hợp với quy hoạch chung; diện tích mô hình ít nhất từ 50 ha trở lên; người dân tự nguyện tham gia sản xuất theo nhóm; phải có doanh nghiệp tham gia hỗ trợ thuốc BVTV hay bao tiêu sản phẩm; chính quyền địa phương và hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thực hiện một số khâu dịch vụ; cam kết hỗ trợ về kỹ thuật và tổ chức sản xuất; người dân phải tự giác ghi chép quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap; phải có hiệu quả kinh tế hơn gieo cấy bình thường, đảm bảo người dân có lợi từ cây lúa ít nhất là 40%.
Như vậy, khi đi vào sản xuất thực tế, để có thể đáp ứng các chỉ tiêu nêu trên quả là điều không dễ dàng; đặc biệt là địa phương còn nhiều khó khăn như Nghệ An. Trước hết, để có một mô hình cánh đồng mẫu lớn cần có diện tích đất sản xuất từ 50 ha trở lên đối với cây lúa, 40ha với cây ngô và với cây lạc phải đạt trên 30 ha liền bờ liền thửa. Đây là một trong những tiêu chí phù hợp với địa hình cũng như tập quán canh tác của bà con nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng khi áp dụng vào các tỉnh phía Bắc và tỉnh Nghệ An thì trở thành một bài toán nan giải.
Mặc dù Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất nước, nhưng địa hình có 2/3 diện tích là đồi núi và một số vùng đồng bằng, độ dốc thoải từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Để có thể hình thành các thửa ruộng có diện tích rộng, phù hợp với yêu cầu của tiêu chí cánh đồng mẫu lớn là điều không dễ dàng. Theo ông Nguyễn Văn Lập – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Nếu chỉ lựa chọn mô hình ở một số địa phương thì không khó, nhưng để sản xuất đại trà thì việc hình thành những cánh đồng mẫu lớn đúng chuẩn lại khó khăn. Vì vậy, ngay cả ở tỉnh Thái Bình với diện tích cánh đồng đạt 35ha cũng đã có thể công nhận cánh đồng mẫu lớn.
Mô hình cánh đồng mẫu lớn ở huyện Hưng Nguyên.
Không chỉ gặp khó trong việc hình thành các khu vực sản xuất có diện tích lớn, hiện nay, trên địa bàn Nghệ An, với một diện tích quy chuẩn của cánh đồng mẫu là 50 ha thì không chỉ một vài hộ nắm quyền sở hữu đất mà số hộ gia đình có thể lên tới đơn vị hàng trăm. Một số nơi, để hình thành được cánh đồng mẫu lớn 50 ha thì phải nhận được sự đồng thuận của hơn 300 - 400 hộ. Điều này khiến cho việc tiếp cận của người dân với tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hoá nông nghiệp cũng như các chủ trương chính sách thực hiện cánh đồng mẫu trở nên khó khăn. Nông dân Nghệ An có tiếng cần cù, chăm chỉ, nhưng cũng không thể phủ định rằng vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân có tính bảo thủ, là một trong những rào cản trong việc đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Mối quan hệ giữa 4 nhà (nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông) đóng vai trò quan trọng để tạo nên thành công trong thực hiện cánh đồng mẫu. Thế nhưng, trên thực tế, sự tương tác, gắn kết giữa các nhà này còn rất lỏng lẻo, hình thức. Đặc biệt là nhà doanh nghiệp và nhà nông - đây là hai đối tượng chính quyết định sự thành bại của chuỗi hoạt động của “4 nhà”. Người nông dân sản xuất ra nông sản luôn trăn trở về đầu ra của sản phẩm, các doanh nghiệp thu mua thì lại e ngại về sự gắn bó của người nông dân trong mối liên kết.
Không chỉ khó khăn về diện tích đất sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tâm lý người dân, doanh nghiệp, mà còn thiếu sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của một số cấp chính quyền, sự góp mặt của nhà khoa học chỉ tồn tại thông qua doanh nghiệp chứ chưa thực sự bước vào cùng người nông dân. Bên cạnh đó, công tác dồn điền đổi thửa ở một số địa phương tuy đã tiến hành nhưng vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, không đáp ứng được điều kiện hình thành các vùng sản xuất lớn, để có thể đưa cơ giới hoá vào sản xuất. Một số địa phương vẫn loay hoay trong việc tìm giống cây trồng phù hợp với địa phương mình, sản xuất cánh đồng mẫu theo hướng hàng hoá, nhưng nông sản lại không phải là những loại cây trồng có tính đột phá, giá trị như yêu cầu ban đầu của cánh đồng mẫu lớn.
Như vậy, để Nghệ An có thể đưa cánh đồng mẫu lớn từ mô hình trình diễn ra sản xuất đại trà, thì còn cần phải từng bước khắc phục các khó khăn, tồn tại nêu trên.
Bài, ảnh: Thuý Vinh (Đài tỉnh)