Để công đoàn xã, phường, thị trấn hoạt động hiệu quả
(Baonghean) - Thực hiện Quyết định số 974/QĐ-TLĐ, ngày 29/6/2004 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc quy định tạm thời về tổ chức và hoạt động công đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn, đến nay, tỉnh ta hoàn tất việc thành lập và đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
(Baonghean) - Thực hiện Quyết định số 974/QĐ-TLĐ, ngày 29/6/2004 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc quy định tạm thời về tổ chức và hoạt động công đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn, đến nay, tỉnh ta hoàn tất việc thành lập và đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Thực tế, công đoàn cơ sở cơ quan xã, phường, thị trấn ở Nghệ An đã được hình thành khá sớm, từ những năm 1996 - 1997. Lúc bấy giờ, thực hiện chủ trường của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường cán bộ về công tác ở cơ sở, Thành ủy Vinh đã cử những cán bộ có năng lực, trình độ, có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín xuống làm cán bộ chủ chốt. Số cán bộ này đang hưởng lương và sinh hoạt ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, nay xuống sinh hoạt ở xã, phường không có tổ chức công đoàn nên việc sinh hoạt không phù hợp, một số quyền lợi và nghĩa vụ công đoàn không đảm bảo.
Để đảm bảo quyền lợi cho số cán bộ đoàn viên trên, LĐLĐ tỉnh đã cùng với LĐLĐ TP. Vinh khảo sát, yêu cầu và quyết thành lập công đoàn cơ sở cơ quan các phường, xã. Sau đó, dựa trên tình hình thực tế của các địa phương mà các tổ chức công đoàn lần lượt thành lập, phát triển và mở rộng thí điểm ở 3 xã thuộc LĐLĐ các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc và TX. Cửa Lò.
Cán bộ xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) tăng cường phối hợp để thực hiện tốt nhiệm vụ của địa phương. Ảnh: Thanh Lê |
Đến năm 2004, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Quyết định số 974/QĐ-TLĐ, ngày 29/6/2004 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định tạm thời về tổ chức và hoạt động công đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn. Một năm sau, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 34-CT/TU ngày 30/11/2005 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với việc thành lập công đoàn cơ sở ngoài quốc doanh và công đoàn xã, phường, thị trấn. Nhờ làm thí điểm từ năm 1996 nên khi thực hiện các chủ trương trên, công đoàn Nghệ An đã bắt nhịp và triển khai hiệu quả.
Hầu hết các huyện, thành, thị ủy ra chỉ thị cho các Đảng bộ xã chỉ đạo việc thành lập và giao cho chính quyền xã tạo điều kiện cho việc thành lập công đoàn. Nếu như đến cuối năm 2005, toàn tỉnh mới chỉ có 168 xã, phường, thị trấn có tổ chức công đoàn thì đến nay, đã có 480/480 xã, phường, thị trấn thành lập tổ chức công đoàn với 15.367 đoàn viên. Mỗi công đoàn xã, phường, thị trấn có trên dưới 20 đoàn viên là những cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại cơ quan HĐNĐ, UBND, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội của xã, phường; ban chấp hành có 3 - 5 người; tỷ lệ cán bộ ban chấp hành công đoàn xã tham gia cấp ủy đạt tỷ lệ trên 90%, các chủ tịch công đoàn thường giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND, HĐND xã.
Công đoàn phường Quang Trung là một trong những công đoàn được thành lập đầu tiên trên địa bàn TP. Vinh. Hiện Công đoàn phường có 40 đoàn viên Công đoàn. Anh Lê Đức Thọ - Chủ tịch công đoàn, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết: “Là phường trung tâm của TP. Vinh, nhân dân chủ yếu là cán bộ công chức và hộ kinh doanh, nên công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trên địa bàn phát triển dịch vụ kinh doanh buôn bán, phát triển kinh tế được UBND phường xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Để cán bộ công chức phường tận tâm với công việc, phường luôn quan tâm đến đời sống, tâm tư nguyện vọng của cán bộ thông qua công đoàn phường. Thông qua hoạt động của công đoàn phường thì tác phong làm việc, cách ứng xử giao tiếp với nhân dân của đội ngũ công chức trong phường đã được cải thiện đáng kể, góp phần nâng cao hiệu quả công tác”.
Công đoàn xã Nghĩa Mỹ (TX. Thái Hòa) hiện có 25 đoàn viên. Chị Cao Thị Kim Uyên – cán bộ văn hóa xã cho biết: “Năm 2010, từ khi về công tác tại UBND xã, tôi thấy công đoàn xã thực sự là mái ấm tinh thần cho các cán bộ công chức tại địa phương. Công đoàn xã thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao giữa cán bộ công chức xã với các cơ quan, trường học trên địa bàn và với các xã khác. Bên cạnh đó, vào dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 hàng năm, công đoàn xã còn tổ chức cho các đoàn viên đi tham quan du lịch ở nhiều nơi trong cả nước, thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ đoàn viên gặp khó khăn, ốm đau… nên ai cũng cảm thấy phấn khởi vì được tổ chức quan tâm, chia sẻ. Bên cạnh đó, quỹ công đoàn còn giúp cho các đoàn viên vay vốn phát triển kinh tế hộ, cải thiện đời sống, mỗi lần vay từ 10 – 15 triệu đồng. Những hoạt động thiết thực đó càng làm cho mọi công đoàn viên phấn khởi, an tâm công tác, nêu cao ý thức trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong công tác và đời sống”.
Ông Đỗ Đình Quang – Chủ tịch LĐLĐ TP. Vinh đánh giá: “Do đặc thù của đội ngũ cán bộ công chức ở xã, phường, thị trấn là tuy số lượng ít ( ở TP. Vinh là từ 30 - 50 người) nhưng lại thuộc các tổ chức chính trị, xã hội khác nhau như đảng ủy, UBND, HĐND, các đoàn thể… Do đó, việc thành lập công đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn đã giúp cho đội ngũ này gắn kết, gần gũi với nhau hơn, góp phần tăng cường sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Thực tế, từ khi có tổ chức công đoàn, cán bộ, công chức ở xã rất phấn khởi vì quyền lợi và vị thế của họ cũng được khẳng định từ đó, tác phong làm việc, ý thức thực hiện nhiệm vụ và ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, đoàn viên công đoàn được chú trọng hơn”.
Còn ông Lê Hợp Huyên – Phó Chủ tịch LĐLĐ Thị xã Thái Hòa nhận xét: “Nhìn lại quá trình hoạt động của 10 tổ chức công đoàn xã, phường trên địa bàn thị xã cho thấy, phong trào cán bộ, công chức, người lao động và hoạt động công đoàn cơ sở cơ quan xã, phương bước đầu có những chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Cán bộ, công chức, người lao động - đoàn viên công đoàn từng bước nhận thức được vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ của tổ chức công đoàn và nhiệm vụ, quyền hạn của đoàn viên; thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của địa phương”.
Tuy nhiên, thực tế hoạt động của công đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn vẫn còn một số bất cập, khó khăn nhất định. Ở một số địa phương, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ cơ sở về vị trí, vai trò, chức năng tổ chức công đoàn còn hạn chế, dẫn đến thiếu quan tâm, tạo điều kiện cho công đoàn xã, phường, thị trấn thực hiện tốt chức năng của mình. Chị Lê Thị Kim Anh – Chủ tịch công đoàn, Chủ tịch UBMTTQ xã Nghi Liên cho biết: “Công đoàn xã hiện có 50 đoàn viên, là một trong những công đoàn xã, phường đông đoàn viên nhất của TP. Vinh. Tuy địa phương đã nhập vào TP. Vinh từ năm 2008 nhưng phần lớn đoàn viên xuất thân từ nông dân nên nhận thức về công đoàn còn hạn chế, từ đó gặp nhiều lúng túng trong hoạt động công đoàn. Một số đoàn viên còn tham gia sinh hoạt tùy tiện, không làm tròn trách nhiệm được giao”.
Theo anh Nguyễn Văn Hồ - Phó Ban Tổ chức LĐLĐ tỉnh, chủ tịch công đoàn xã, phường, thị trấn hiện nay thường do phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND hoặc Chủ tịch MTTQ đảm nhiệm, phải kiêm nhiệm nhiều việc nên khó đầu tư nhiều cho hoạt động công đoàn. Bên cạnh đó, ở hầu hết các địa phương, kinh phí hoạt động của công đoàn cơ sở chỉ giới hạn trong khoản trích từ quỹ lương cán bộ, công chức nên rất khó đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa các hoạt động. Mặt khác, cán bộ bán chuyên trách công đoàn là phó các đoàn thể, phó các bộ phận chuyên môn cấp xã nhưng chưa có trong biên chế công chức, thu nhập thấp, lại chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, nếu phải mua bảo hiểm y tế tự nguyện sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập. Trong khi đó, phụ cấp và kinh phí dành cho hoạt động này vẫn chưa tương xứng (tính ra mỗi người chỉ vài trăm nghìn đồng/tháng, trích từ 30% nguồn quỹ công đoàn) nên khó kích thích sự đầu tư công sức của cho hoạt động công đoàn.
Bởi thế, để nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn xã, phường, thị trấn, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để các cấp ủy, chính quyền nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của tổ chức công đoàn ở xã, phường thị trấn, từ đó tạo điều kiện tốt hơn về cơ chế, kinh phí cho các hoạt động công đoàn. Ngoài ra phải có chế độ, chính sách bồi dưỡng, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ công đoàn xã, phường, thị trấn tham gia học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, từ đó sáng tạo ra những hoạt động thiết thực gắn với đặc thù địa phương để công nhân viên chức, lao động ở xã, phường, thị trấn gắn bó, tin cậy hơn vào tổ chức công đoàn.
Minh Quân