Để du lịch trải nghiệm làng nghề Nghệ An 'lên ngôi'

Thanh Sơn 02/11/2019 09:24

(Baonghean.vn) - Nghệ An là địa phương giàu tiềm năng để phát triển du lịch làng nghề. Song đến thời điểm này, du lịch làng nghề ở địa phương vẫn chưa phát triển. Các làng nghề và làng có nghề vẫn chưa thu hút được du khách về tham quan và đang thiếu các sản phẩm phục vụ.

Thiếu sản phẩm, ít khách

Đến làng nghề dệt thổ cẩm bản Làng Xiềng, xã Môn Sơn (Con Cuông), mọi người sẽ được chiêm ngưỡng nhiều loại sản phẩm như: khăn, váy, áo... với những nét họa tiết, hoa văn phong phú mang giá trị nghệ thuật cao, phản ánh tay nghề khéo léo của những người thợ lành nghề và nghệ nhân.

Nghề dệt thổ cẩm ở bản Làng Xiềng có từ rất lâu đời. Trước đây, do sản xuất nhỏ lẻ chỉ mang tính chất phục vụ gia đình nên sản phẩm của bà con làm ra chưa mang lại giá trị cao về kinh tế. Từ năm 2014, nghề dệt thổ cẩm ở đây đã có bước phát triển mới. Các thợ dệt đã được đào tạo bài bản, được cấp chứng chỉ nghề. Tháng 3/2017, UBND tỉnh đã cấp bằng công nhận làng nghề dệt thổ cẩm bản Làng Xiềng.

Trên cơ sở được công nhận là làng nghề, cộng thêm những cảnh quan của một làng thuần Thái cổ, Làng Xiềng được xác định là điểm nhấn về du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề để phát triển du lịch ở huyện Con Cuông. Và từ định hướng này, ngành Du lịch Nghệ An, huyện Con Cuông đã ra sức thực hiện quảng bá điểm đến.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, làng nghề dệt thổ cẩm bản Làng Xiềng cũng giống như nhiều làng nghề truyền thống khác ở Nghệ An, dù có nhiều lợi thế phát triển du lịch nhưng lượng khách đến tham quan, trải nghiệm ở đây chưa nhiều. Chị Hà Thị Hằng - Chủ nhiệm HTX thủ công mỹ nghệ và dịch vụ tổng hợp xã Môn Sơn: “Thời gian qua, đơn vị có hợp tác cùng một số công ty du lịch đưa khách về đây tham quan, trải nghiệm làng nghề kết hợp giới thiệu, bán sản phẩm. Tuy nhiên, ở mùa Hè cao điểm, mỗi tuần cũng chỉ có 1 đoàn khách. HTX thì chỉ mong có du khách đến là vui rồi, thế nhưng khách ít, sản phẩm bán ra chưa nhiều”.

Câu chuyện ở nghề dệt thổ cẩm bản Làng Xiềng cũng là câu chuyện ở làng có nghề truyền thống làm nồi đất ở xã Trù Sơn (Đô Lương). Những năm 90 của thế kỷ trước, nghề làm nồi đất thoái trào. Và trong 4 năm trở lại đây, nghề làm nồi đất ở Trù Sơn bắt đầu khởi sắc trở lại nhờ sự thay đổi sở thích của thực khách. Thương lái đưa ô tô về đặt mua hàng rất nhiều. Nhiều đoàn du khách, đoàn học sinh cũng đến tham quan thực nghiệm nghề “vắt đất làm nồi”.

Bà Phạm Thị Ngự, 53 tuổi, ở xóm 11 rất vui khi được trình diễn các công đoạn nhồi đất, tạo hình với kỹ thuật khéo léo, tỉ mỉ. Bà Ngự chia sẻ: “Hàng năm, chào đón Lễ Giáng sinh, bà con vẫn thường làm một cây thông Noel khổng lồ từ các nồi đất thật ấn tượng, mang đậm bản sắc địa phương. Ngoài sự hiếu khách, đây cũng là cách để tiếng lành nồi đất Trù Sơn được bay xa để có thêm nhiều du khách đến tham quan, nhiều người về đặt mua nồi. Bà con thêm thu nhập, nghề truyền thống thì được giữ gìn”.

Cũng như rất nhiều du khách khác khi đến với Trù Sơn, chị Sara Arduino (Italia) rất thú vị khi được chứng kiến nghề truyền thống của người dân nơi đây, tuy nhiên, chị cũng lấy làm tiếc nuối khi “đến với Trù Sơn mà không thể mua được một sản phẩm lưu niệm nào”.

Cần định hướng, cách làm cụ thể

Ít khách, thiếu sản phẩm phục vụ - đó là một phần hạn chế để du lịch làng nghề ở Nghệ An phát triển. Ông Võ Hồng Sáng - Chi hội Phó Chi hội Lữ hành Nghệ An cho rằng: “Nghề của làng” lâu nay mới chỉ giải quyết vấn đề sinh kế hàng ngày của người dân. Chính quyền và người dân ở làng nghề, làng có nghề nhìn chung vẫn chưa có tư duy làm du lịch. Cách thức sản xuất chưa thật an toàn, nguồn nguyên liệu chưa đảm bảo, lạc hậu về công nghệ.

Có những làng nghề rất hay, tốt như làng nghề chế biến hải sản khô ở Nghi Thủy, Nghi Tân thì lại không quan tâm đến yếu tố trình diễn. Hay có tình trạng du khách về làng nghề để tìm hiểu phong tục, tập quán, nét văn hóa truyền thống của con người và mảnh đất làm nghề thì làng đó lại thiếu “nghệ nhân” - những người thực sự hiểu biết để giới thiệu các giá trị văn hóa. Và cũng có làng nghề hiện tại thiếu giá trị nối tiếp là những người trẻ am hiểu về nghề.

Các sản phẩm chưa thay đổi về chất lượng, mẫu mã kiểu dáng, chưa đi theo thị hiếu của du khách. Người làm nghề e ngại những sản phẩm làm ra có giá thành cao thiếu người mua. Từ đó thiếu sự chăm chút vào đối tượng khách du lịch và không quan tâm nhiều đến việc quảng cáo, giới thiệu sản phẩm cho du khách. Các doanh nghiệp gắn với làng nghề không mặn mà với du lịch nên cũng chưa hề xây dựng không gian trưng bày sản phẩm, đón tiếp khách tham quan.

Những yếu tố hạn chế nói trên đã dẫn đến tình trạng công ty lữ hành “khát” điểm đến, nhưng khi tổ chức tour thì không đưa làng nghề vào. Theo ông Nguyễn Hữu Bắc – Giám đốc một công ty du lịch trên địa bàn Nghệ An: “Những hạn chế này đã thể hiện rõ việc một số chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm đến phát triển du lịch...”.

Thật vậy, ngay với xã Môn Sơn, “du lịch” đã là cụm từ quen thuộc đối với người dân, song đến thời điểm này, theo ông Lương Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Môn Sơn, Đảng ủy, UBND xã chưa có một Nghị quyết, kế hoạch cụ thể nào liên quan đến du lịch làng nghề. Phát triển du lịch ở đây vẫn đang dựa vào các dự án của tổ chức quốc tế, UBND tỉnh, ngành Du lịch và sự nỗ lực của cá nhân, doanh nghiệp...

Hiện nay, Nghệ An có 152 làng nghề và khá nhiều làng có nghề. Số làng nghề này rất đa dạng về mặt loại hình từ sản xuất mỹ nghệ, may mặc, tiêu dùng cho đến thực phẩm… thu hút gần 20.000 người tham gia. Đại đa số các làng đều có sự hình dung, “mường tượng” về du lịch song vẫn đang loay hoay để tìm cách có được những sản phẩm tương tự “tôm chua, mè xửng, nón Huế”. Tự loay hoay đó phản ánh việc phương hướng và thiếu tư duy!

Phát triển du lịch làng nghề theo hướng nào? Sự chia sẻ của ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam là một kinh nghiệm quý: “Du khách Việt Nam không quan tâm nhiều đến sự khám phá văn hóa mà quan tâm đến giá trị của ẩm thực, khác với du khách nước ngoài. Du khách nước ngoài thì quan tâm đến những trầm tích văn hóa, các sản phẩm có tông màu tối, ngược lại du khách Việt Nam lại thích màu sắc nổi bật, óng ả. Du lịch Nghệ An nên chú trọng thu hút du khách nội địa”.

Phát triển du lịch làng nghề như thế nào? Câu chuyện thành công ở tổ hợp tác sản xuất các sản phẩm từ cam ở bản Pha, xã Yên Khê, huyện Con Cuông là một cách làm đáng tham khảo. Nhờ dự án “Đa dạng hóa sinh kế dựa vào du lịch di sản tại các làng nông, ngư nghiệp” do tổ chức JICA và tỉnh Nghệ An triển khai hướng dẫn mà tổ hợp gồm 9 hộ trồng cam ở bản được hình thành. Từ việc bán cam quả thuần túy, 9 hộ này đã được hướng dẫn làm thêm các sản phẩm khác như tinh dầu cam, rượu cam, mứt vỏ cam và tổ chức đưa khách tham quan, hái trái có thu phí 30.000 đồng/người ở vườn cam. Đi vào hoạt động, các sản phẩm từ quả cam làm ra không đủ bán; hàng tuần vẫn có 2-3 đoàn khách tham quan vườn cam...

Để các sản phẩm làng nghề phát huy hiệu quả gắn các làng nghề với hoạt động du lịch, ngày 13/7/2018, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 2988/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề cương chi tiết, nhiệm vụ thực hiện Đề án phát triển sản xuất một số sản phẩm, hàng hóa lưu niệm phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tinh thần cốt yếu của đề án là các làng nghề phải từng bước thay đổi trong cách tư duy để làm du lịch.

Theo Kỹ thuật: Thành Cường
Copy Link

Mới nhất

x
Để du lịch trải nghiệm làng nghề Nghệ An 'lên ngôi'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO