Để "giải" vấn đề "nóng" cho các chủ trang trại...

30/12/2014 10:18

(Baonghean) - Đất đai, vốn, công tác quy hoạch còn bất cập, gây ô nhiễm môi trường, tiêu thụ sản phẩm khó khăn… là những vấn đề “nóng” được các chủ trang trại trao đổi, đề xuất thẳng thắn trong buổi gặp gỡ và đối thoại với lãnh đạo tỉnh được tổ chức ngày 29/12. Giải đáp và chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ngay tại hội nghị, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành liên quan đã tạo được sự yên tâm cho chủ trang trại.

“Nóng” quyền sử dụng đất

Nghệ An là một trong những địa phương có mô hình kinh tế trang trại phát triển khá nhanh (hiện có trên 2.760 trang trại) và đang sử dụng 17.900 ha đất, nhưng thực tế đáng báo động hiện nay là việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho trang trại gặp rất nhiều khó khăn, bất cập. Ông Hoàng Xuân Tin, chủ mô hình nuôi tôm ở xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) bức xúc: “Gia đình tôi nhận hơn 10 ha nuôi tôm và 1 khu trại nuôi tôm giống, đầu tư làm ăn có hiệu quả, nhưng đây là đất thuê với hợp đồng ký kết theo từng năm, bởi vậy, nghề nuôi tôm này được gia đình tôi duy trì, phát triển 25 năm nay và đã phải ký kết hợp đồng thuê đất tới… 25 lần. Thời gian thuê đất quá ngắn, ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư sản xuất, kinh doanh của gia đình”. Cũng trong điều kiện tương tự, rất nhiều chủ trang trại luôn bị “xử ép” trong việc thuê đất. Ông Nguyễn Trọng Hương ở xã Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ) có trang trại rộng 29,4 ha (trong đó tự khai hoang 4 ha), nhưng vì thuê đất của Công ty TNHH một thành viên Sông Con, nên khi khai thác mủ cao su phải bán giá thấp hơn thị trường, đồng thời đất được ông sử dụng đã lâu nhưng lại không được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ.

Trang trại chăn nuôi của ông Nguyễn Kim Chiến ở xã Nam Anh, huyện Nam Đàn.
Trang trại chăn nuôi của ông Nguyễn Kim Chiến ở xã Nam Anh, huyện Nam Đàn.

Nhận đất, đầu tư khá nhiều vốn vào phát triển kinh tế trang trại, nhưng có nhiều chủ trang trại trồng cam, quýt nổi tiếng ở Quỳ Hợp không chủ động được trong quá trình sản xuất, từ việc trồng loại cây, giống cây cũng phải được sự đồng ý của chủ đất, thậm chí mạnh dạn đầu tư khoa học kỹ thuật cao vào trồng như tưới nhỏ giọt, thuê máy móc cơ giới hóa cũng bị gây khó khăn. Ông Cao Ngọc Danh, chủ trang trại trồng cam ở xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) cho hay: “Vì nhận đất khoán của doanh nghiệp, thời gian ngắn, nên chưa thật sự yên tâm đầu tư trồng cam, vì phụ thuộc rất nhiều yếu tố từ đơn vị cho thuê đất”… Thuê đất theo từng năm, hay nhận khoán đất trong thời gian ngắn và còn phải phụ thuộc rất nhiều điều kiện ràng buộc khác… đó là thực tế rất bất cập đối với các mô hình kinh tế làm trang trại trong diện thuê, nhận khoán đất của các doanh nghiệp, nông lâm trường, tuy nhiên, vấn đề này tồn tại đã khá lâu mà hiện vẫn chưa có biện pháp xử lý kịp thời tạo nên sự bức xúc đối với người dân.

Một vấn đề “nóng” liên quan đến giải quyết đất đai thu hút được sự quan tâm, kiến nghị của các chủ trang trại, là chính quyền địa phương chưa khách quan, chính xác trong việc đưa đất khai hoang, phục hóa vào 5% diện tích đất công ích. Ông Hoàng Nam Cung – chủ trang trại tiêu biểu ở xã Hưng Tây (Hưng Nguyên) phản ánh: “Gia đình tôi đã đầu tư rất nhiều tiền của, công sức trong nhiều năm liền để khai hoang 4.724m2 thành vùng ao nuôi cá rất hiệu quả, nhưng chính quyền địa phương lại đưa đất này vào đất 5% của xã và chỉ cho gia đình thuê thời hạn 5 năm, sau thời gian đó lại phải ký kết hợp đồng khác”. Còn ông Ngô Trí Hà ở xã Nam Thành (Yên Thành), đã bỏ ra hàng tỷ đồng đầu tư trang trại nuôi vịt trên diện tích gần 21.000m2 đất và đến nay, sau 10 năm thuê đất, có nguyện vọng tiếp tục đầu tư nhưng xã lại gây khó khăn, mặc dù huyện đã có công văn yêu cầu xã xem xét, giải quyết vấn đề này trước ngày 30/11/2014, nhưng nay xã vẫn chưa hồi âm. Hay nhiều chủ trang trại ở Đô Lương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp… cũng tỏ ra bức xúc vì xã quy hoạch, cho thuê diện tích đất 5% công ích không hợp lý, vì phần lớn diện tích đất trang trại là khai hoang, phục hóa. Nhiều vùng đất hoang, cách xa vùng dân cư không sản xuất được, các chủ trang trại đã mạnh dạn đầu tư công sức, tiền của để cải tạo đất, đến khi phát huy hiệu quả thì địa phương lại đưa vào diện tích đất công ích… Đề cập về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bính – Chủ tịch Hội Trang trại Nghệ An cho biết: “Nhiều trang trại tự khai hoang, phục hóa đất đai, đầm lầy để làm kinh tế trang trại, nhưng chính quyền xã lại quy vào 5% đất công ích nên chỉ cho hợp đồng thuê 3 – 5 năm, sau đó hợp đồng lại. Đây là một trong những nguyên nhân trang trại chưa được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ hoặc thuê đất lâu dài, hoặc chưa được cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại, vì thế nhiều trang trại chưa an tâm đầu tư phát triển”.

Được thuê đất ổn định, lâu dài và được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ… là nhu cầu hoàn toàn chính đáng của các chủ trang trại và nếu thực hiện tốt công tác này, thì sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy chủ trang trại yên tâm đầu tư phát triển kinh tế. Vấn đề này được ông Nguyễn Văn Ngọc – Phó Giám đốc Sở TN&MT cho hay: “Thời gian qua, mặc dù với sự nỗ lực của ngành TN&MT và các cấp, ngành liên quan trong việc đẩy nhanh công tác cấp Giấy chứng nhận QSDĐ trang trại, nhưng vấn đề này vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời, như việc giao đất cho hộ gia đình quản lý, giao đất theo NĐ 64 và NĐ 163… Có nhiều trang trại phát triển tự phát thiếu thủ tục, giấy tờ, hồ sơ không đồng bộ, không GPMB, hay đất thuộc 5% công ích của xã. Vì vậy, hiện nay mới chỉ có khoảng 35% trang trại được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Để đẩy nhanh công tác này, tỉnh đã có Quyết định 79/2014/QĐ-UB quy định về việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất… trong đó đề cập rất rõ các loại đất, điều kiện để thực hiện cấp đất, thu đất, cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ phối hợp với các cấp, ngành liên quan tổ chức rà soát, phân loại từng loại đất trang trại và trên cơ sở thực tế sẽ hướng dẫn làm thủ tục cho thuê đất ổn định, lâu dài và cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho trang trại theo Luật Đất đai 2013”.

Ngân hàng chưa “mở két”…

Mô hình nuôi tôm của ông Hoàng Xuân Tin ở xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu), như đã đề cập ở trên là rất hiệu quả, ông đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, như hệ thống khu nuôi tôm , các trạm điện, thiết bị máy móc hiện đại và xây dựng hệ thống ống dẫn nước mặn dài 5.000m từ biển vào khu nuôi tôm. Đầu tư lớn như vậy, nhưng ngân hàng lại không cho thế chấp tài sản khi vay vốn, mà luôn yêu cầu có bìa đỏ mới cho vay. Vì đất thuê ngắn hạn, không có bìa đỏ nên khó khăn khi tiếp cận vốn vay của ngành Ngân hàng”. Hay chủ một trang trại trồng cam ở Minh Hợp (Quỳ Hợp) - bà Nguyễn Thị Hạnh, cũng cho hay, việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng vừa khó, thời hạn vay lại ngắn, chưa phù hợp với đầu tư trồng cam. Bà Hạnh nói: “Trồng cam cần nguồn vốn đầu tư lớn, chu kỳ của cây cam lại dài (từ 4-5 năm mới đến chu kỳ kinh doanh), nhưng ngân hàng cho vay 1 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm, thì rất khó cho người trồng cam, vì trong giai đoạn kiến thiết cơ bản không có thu hoạch, nên phải linh hoạt tìm kiếm nguồn vốn khác để trả nợ theo từng năm…”.

Theo tiêu chí mới về trang trại, hiện nay trên địa bàn tỉnh ta có 500 trang trại đáp ứng Thông tư 27 - Bộ NN&PTNT (trang trại có giá trị sản lượng hàng hóa đạt từ 500 triệu - 1 tỷ đồng trở lên và có diện tích rộng ít nhất 2,1 ha), và theo quy định tài chính cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo NĐ 41, chủ trang trại được vay 500 triệu đồng và được xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm, nhưng trên thực tế có rất nhiều chủ trang trại không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này. Ông Trần Văn Đức – Phó Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT – Chi nhánh Nghệ An cho biết: “Ngân hàng Agribank luôn ưu tiên vốn đầu tư cho kinh tế trang trại và đã giải quyết cho 383 trang trại (đáp ứng tiêu chí mới theo Thông tư 27) vay với số tiền gần 31 tỷ đồng đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, kinh tế hỗn hợp. Còn trên thực tế, phần lớn khách hàng vay đầu tư phát triển kinh tế trang trại không đủ điều kiện đáp ứng tiêu chí của Thông tư 27, thì nên gọi là “gia trại” và Agribank Chi nhánh Nghệ An cho vay vào lĩnh vực phát triển kinh tế hộ, mức vay vốn từ 50 – 200 triệu đồng với số lượng lớn khách hàng ở địa bàn nông thôn”. Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng tham gia hỗ trợ vốn cho mô hình kinh tế trang trại, nhưng vẫn ở mức độ khiêm tốn. Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho hay, hiện thông qua chương trình giải quyết việc làm đã hỗ trợ 7 dự án tại huyện, với số vốn 860 triệu đồng.

Cùng với chuyện đất đai, vốn, thì vấn vấn đề quy hoạch, bảo vệ môi trường, đầu tư cho sản phẩm…

cũng được một số chủ trang traị đề cập đến. Đại diện trang trại ở Đô Lương, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nghĩa Đàn phản ánh, việc quy hoạch phát triển kinh tế trang trại chưa được quan tâm đúng mức, để xảy ra tình trạng các trang trại chăn nuôi quy mô lớn ở sát nhau, không có hệ thống xử lý nước, rác thải gây ô nhiễm môi trường, đầu ra của sản phẩm hàng hóa đang thả nổi…

Để tạo ra động lực mới cho kinh tế trang trại Nghệ An phát triển, thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, tại cuộc đối thoại, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng đã giao cho các cấp, ngành liên quan phải hoàn thành công tác kiểm tra, rà soát, làm rõ các loại đất của trang trại trong quý I/2015 và hoàn thành việc giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận QSDĐ ổn định cho các chủ trang trại trong năm 2015. Về các vấn đề vốn, quy hoạch, bảo vệ môi trường, áp dụng tiến bộ KH-KT… cũng được quan tâm để kịp thời có hướng giải quyết, tháo gỡ. Qua đối thoại, các chủ trang trại tỏ ra rất phấn khởi, vì đây là lần đầu tiên các chủ trang trại được tiếp xúc, trao đổi thẳng thắn, cởi mở với các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các cấp, ngành liên quan, và nắm được hướng giải quyết các vấn đề bức xúc, vướng mắc trong thời gian tới.

Hoàng Vĩnh

Mới nhất
x
Để "giải" vấn đề "nóng" cho các chủ trang trại...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO