Để giữ và gia tăng đà tăng trưởng kinh tế
(Baonghean) - Với mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước đạt 6,28% trong nửa đầu của năm 2015 - mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm cao nhất của Việt Nam trong vòng 5 năm qua, dường như nền kinh tế Việt Nam đã thực sự hồi phục để bước vào giai đoạn tăng tốc đạt mức tăng trưởng bình quân 6,5% trong 5 năm tới, như khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Nền kinh tế có định hướng thị trường rõ nét hơn
Còn nhớ, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho biết Việt Nam sẽ đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn. Theo đó, năm 2015, Chính phủ sẽ chủ động kiểm soát lạm phát dưới 5%, tỷ giá, lãi suất sẽ ổn định để tạo thuận lợi cho nền kinh tế phát triển. Bội chi sẽ giảm từ mức 5,3% năm 2014 xuống 5% năm 2015. Nợ công bảo đảm an toàn, không vượt trần cho phép, và Chính phủ sẽ xử lý hiệu quả hơn nợ công, bảo đảm trả nợ đúng hạn. Nợ xấu sẽ giảm xuống 3%. Trong bối cảnh đó, Việt Nam dự kiến đạt tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,2% trong năm 2015 và đây là chỉ số khả thi. Trong 5 năm tới, với kế hoạch 5 năm (từ 2015 - 2020), Chính phủ đã đặt mục tiêu sẽ tăng GDP ở mức bình quân 6,5%/năm. Như vậy, mục tiêu đặt ra đã rất rõ ràng, vấn đề còn lại là sẽ phải làm những gì, làm như thế nào để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Dây chuyền đóng gói sữa tại Nhà máy sữa TH (Nghĩa Đàn). Ảnh: Đào Tuấn |
Theo báo cáo “Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam” 6 tháng đầu năm 2015” của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố sáng 20/7 vừa qua, mức tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2015 của Việt Nam đạt 6,28%, và sự phục hồi này chủ yếu nhờ kết quả hoạt động tích cực trong ngành công nghệ chế biến, chế tạo và xây dựng khi đóng góp phần nửa vào tổng tăng trưởng GDP của 6 tháng đầu năm. WB cũng cho rằng, kết quả này có được một phần là do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã dần nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát thấp, nhằm hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đồng thời điều chỉnh tỷ giá để bảo đảm tính cạnh tranh của nền kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ cũng tăng trưởng mạnh, đạt 8,3%. Trong khi đó, ngành dịch vụ nói chung (vốn đóng góp gần 40% vào GDP) chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn 5,9%, một phần do ngành Du lịch đang chật vật khi lượng khách nước ngoài giảm 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Ngành Nông nghiệp chỉ tăng gần 2,4% trong bối cảnh giá cả sụt giảm và thời tiết không thuận.
Báo cáo của WB cũng chỉ ra hạn chế của nền kinh tế Việt Nam là tiến độ cải cách cơ cấu chưa tương xứng với kỳ vọng, đặc biệt là trong việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và một phần trong cải cách ngân hàng. Theo WB, tốc độ cơ cấu lại DNNN dường như đang chậm lại, và việc thực hiện nghiêm túc các quy đinh pháp lý và pháp quy về quản lý và quản trị DNNN, tăng tỷ lệ sở hữu của khu vực tư nhân với DNNN cổ phần hóa cần tiếp tục được coi là một ưu tiên chính. “Cải cách ngân hàng đã có nhiều tiến triển, đặc biệt trong lĩnh vực mua bán và sáp nhập. Nhiều vụ sáp nhập và mua lại các ngân hàng nhỏ được thực hiện bởi các ngân hàng thương mại có quy mô lớn. Tuy nhiên, việc thiếu một khung pháp lý đầy đủ và phù hợp cho việc xử lý nợ xấu, trong khi VAMC có vốn nhỏ và năng lực hạn chế đang tiếp tục là trở ngại cho việc xử lý nợ xấu - chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam Sandeep Mahajan nhận xét.
Báo cáo cũng đề cập đến thị trường lao động tại Việt Nam, trong đó mô tả chi tiết về sự dịch chuyển lớn trong bức tranh về việc làm trong vòng 25 năm qua. Đồng thời đưa ra những gợi ý về việc tiếp tục chuyển đổi thị trường lao động của Việt Nam, trong đó có các biện pháp chủ động nhằm tăng cường hệ thống quan hệ lao động công nghiệp, cân bằng giữa việc bảo đảm sự linh hoạt trong thị trường lao động với việc duy trì bền vững tăng trưởng về năng suất, và quản lý những rủi ro về mặt xã hội trong một nền kinh tế có định hướng thị trường rõ nét hơn. Các chuyên gia của WB cho rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhìn chung là tích cực. Các chỉ số dự báo tương lai cho thấy quá trình phục hồi vẫn sẽ đạt tiến độ, tăng trưởng kinh tế dự báo ở mức trên dưới 6%.
Thách thức FTA thế hệ mới
Năm 2015, lần đầu tiên, Bộ Tài chính Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết về các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, công bố về các FTA thế hệ mới. Sau sự kiện này, hàng loạt các hoạt động tuyên truyền về FTA đã được Bộ Tài chính chú tâm thực hiện, nhằm quảng bá sâu rộng hơn nữa tới các tầng lớp nhân dân, DN về tác động mạnh mẽ và sâu sắc của các FTA đến đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam. Đó là bởi các FTA thế hệ mới dự kiến sẽ có tác động mạnh, toàn diện đến không chỉ triển vọng phát triển thị trường của các DN Việt Nam mà còn cả môi trường kinh doanh và hệ thống chính sách, pháp luật liên quan.
Có thể thấy, việc Việt Nam đang đàm phán một loạt FTA thế hệ mới, trong đó đáng kể là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA Việt Nam - EU (EVFTA) được kỳ vọng sẽ tạo ra làn sóng hội nhập lần thứ hai mạnh mẽ hơn đối với Việt Nam đã đem lại sự lạc quan hơn của đa số DN Việt Nam. Theo điều tra của VCCI thực hiện năm 2014 tại gần 10 nghìn DN, có tới 66% DN Việt Nam ủng hộ và tin vào những lợi ích mà TPP đem lại. Một điều tra khác thực hiện trong tháng 6 vừa qua của VCCI về EVFTA cũng cho kết quả gần tương tự, với tỷ lệ đa số các DN tin rằng EVFTA sẽ mang lại tác động tích cực cho hoạt động kinh doanh. Với đặc điểm của các FTA thế hệ mới là bao gồm nhiều cam kết sâu rộng chưa từng có, trong đó có nhiều cam kết về thể chế, các FTA thế hệ mới này sẽ có các cam kết ảnh hưởng trực tiếp và lớn đến thể chế, chính sách pháp luật nội địa. Không chỉ thế, các đối tác FTA thế hệ mới cũng đặc biệt lớn, trong đó có những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản. Chính vì vậy, cần nhìn nhận một cách đầy đủ về những thách thức đi kèm, và chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để sẵn sàng vượt qua. Đừng để thực tế lại giống như những năm qua, vì nhiều lý do, với hầu hết các ưu đãi thuế quan theo các FTA đã có trong tầm tay nhưng DN Việt Nam mới chỉ sử dụng được khoảng 30%, còn lại 70% đã không có điều kiện để hiện thực hóa thành công.
Cần tận dụng thời cơ từ hội nhập
Như vậy, năm 2015 được coi là năm Việt Nam chủ động tích cực hội nhập sâu rộng nền kinh tế quốc tế. Đây sẽ là năm đánh dấu mốc quan trọng cho việc Việt Nam có thể kết thúc hoặc đạt thoả thuận với hàng loạt hiệp định thương mại song phương, đa phương (FTA), như FTA với EU, với Hàn Quốc, Liên minh thuế quan châu Âu... và đặc biệt là Hiệp định TPP có sự tham gia của 11 quốc gia, đặc biệt là các quốc gia lớn như Hoa Kỳ, Nhật, Canada. Nếu gia nhập thành công TPP, mức tín nhiệm của Việt Nam tăng lên, chứng tỏ sự thành công của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô như nhận xét của Giám đốc Chương trình thương mại và cạnh tranh toàn cầu của Ngân hàng Thế giới Wendy Werner.
Thêm vào đó, thị trường trong nước sẽ mở ra nhiều hơn, mang lại cả lợi ích và thách thức, nhưng với những dòng vốn đầu tư mới có các hiệp định đem lại, cơ hội để giúp Việt Nam hướng đến thu nhập cao, hướng tới sự phát triển là rất lớn. Một trong những vấn đề cốt lõi mà cộng đồng DN trong và ngoài nước quan tâm và mong muốn cải thiện chính là việc hỗ trợ các DN tận dụng được lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sẽ ký kết, và Chính phủ cần có sự chuẩn bị tốt, tích cực, chủ động trong các cam kết gia nhập các hiệp định này.
Nghiêm túc nhìn nhận thực tế, tuy đang đứng trước những cơ hội lớn tiếp cận dòng vốn đầu tư quốc tế thì việc hấp thụ dòng vốn đó như thế nào chính là điểm mấu chốt của toàn bộ nền kinh tế - xã hội nội địa. vì còn rất nhiều khó khăn và hạn chế nên cần phải làm nhiều hơn nữa, quyết liệt và hiệu quả hơn nữa mới bảo đảm cho sự hội nhập và phát triển nhanh, có tính bền vững. Điều cốt lõi mà Việt Nam cần rốt ráo hiện thực hóa trong thời gian tới là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, coi đây là điểm đột phá. Chính phủ sẽ tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo mọi thuận lợi cho DN phát triển để nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh. Trong đó, việc đơn giản hóa các TTHC ngày càng phổ biến cùng với tinh thần trách nhiệm cao của công chức như một yêu cầu bắt buộc sẽ tạo ra một động lực mới cho hoạt động cải cách hướng về người dân và DN.
Trong một động thái mới đây, ngày 23/7, tại Đà Nẵng, Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương) đã phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng tổ chức tọa đàm lấy ý kiến về đề án tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế và phổ biến một số FTA vừa ký kết. Theo đó, việc tập trung vào các nhóm giải pháp để tăng cường hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế đã được quan tâm. Nổi bật là các đề nghị xây dựng bộ tài liệu thông tin chính thống về hội nhập kinh tế quốc tế; vấn đề đào tạo đội ngũ báo cáo viên giỏi cả về trình độ chuyên môn và khả năng diễn thuyết; vấn đề tập trung xây dựng đề án hướng đến đối tượng chính là DN vừa và nhỏ; cập nhật thông tin thường xuyên để hỗ trợ DN tiếp cận thông tin hội nhập; vấn đề kinh phí thực hiện công tác tuyên truyền.
Rõ ràng, các thông tin về các FTA đã ký kết và các định hướng triển khai và tận dụng, các lưu ý cho DN cần tập trung vào các đặc điểm của các thị trường đã ký trong FTA là rất cần thiết, và đó là việc của cơ quan nhà nước để giúp DN tranh thủ được những lợi thế khi đưa hàng vào các thị trường này một cách phù hợp và thuận lợi, có lợi nhất cho DN Việt Nam và tôn trọng các cam kết quốc tế.
Sông Hồng