Để huy động sức dân xây dựng nông thôn mới
(Baonghean) - Theo báo cáo của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh thì trong 3 năm (2011-2013) tổng nguồn vốn huy động đạt 13.964,428 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Nhà nước (kể cả Trung ương và địa phương) đầu tư thực hiện chương trình là 1.753,620 tỷ đồng (chiếm 12,6%); vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án 5.723,149 tỷ đồng (chiếm 41,2%); vốn tín dụng 1.701,808 tỷ đồng (chiếm 12,2%), vốn doanh nghiệp 761,283 tỷ đồng (chiếm 5%); vốn dân đóng góp 4.024,568 tỷ đồng (chiếm 29%).
Theo quy định tại Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ thì các nguồn vốn huy động đều, không đạt và không đúng yêu cầu: Vốn ngân sách Nhà nước cơ cấu 30% nhưng chỉ đạt 12,6%, vốn tín dụng cơ cấu 30% nhưng chỉ huy động được 12,2%, vốn từ doanh nghiệp, HTX và các loại hình kinh tế khác cơ cấu 20% nhưng chỉ huy động được 5% từ các doanh nghiệp, vốn từ các chương trình mục tiêu Quốc gia cơ cấu 23% nhưng huy động đến 41,2%, vốn dân đóng góp yêu cầu chỉ 10% nhưng đã huy động tới 29%. Như vậy, để xây dựng NTM, gần một nửa số vốn dựa vào các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn này đầu tư cho 11 chương trình, dự án đã có từ trước, được đưa vào chương trình xây dựng NTM nhưng quản lý theo ngành dọc nên rất khó điều phối. Trong phần vốn còn lại thì vốn huy động từ cộng đồng dân cư là lớn nhất (29%). Đây cũng là nguồn vốn được sử dụng hiệu quả nhất, vì do dân đóng góp tại chỗ và được kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện.
Từ thực tế trên, nhiều địa phương đúc kết kinh nghiệm: để thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM không thể trông chờ vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước mà phải dựa vào sức dân là chính. Qua 3 năm tuyên truyền vận động thực hiện Chương trình xây dựng NTM, nhận thức của người dân được nâng cao đã thấy rõ tác dụng thiết thực của chương trình này. Nhưng để huy động sức dân xây dựng NTM, khó khăn hiện nay là thu nhập của nông dân quá thấp. Theo tiêu chí xây dựng NTM thì mức thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực Bắc Trung bộ phải gấp 1,4 mức thu nhập bình quân chung của tỉnh. Nhưng thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn Nghệ An năm 2011 đạt 13 triệu đồng đến năm 2013 cũng chỉ nâng lên 21 triệu đồng, thấp hơn mức thu nhập bình quân chung của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí NTM đối với khu vực Bắc Trung bộ là 5% nhưng Nghệ An năm 2011 là 15%, hiện nay vẫn còn 10%. Toàn tỉnh mới có 90 xã có mức thu nhập bình quân đạt chuẩn NTM, có 431 xã mức thu nhập bình quân chưa đạt chuẩn, trong đó có 172 xã có thu nhập bình quân dưới 50% mức chuẩn. Với mức thu nhập thấp như vậy việc huy động nông dân đóng góp xây dựng NTM rất khó khăn.
Huy động sức dân xây dựng NTM là hướng đi cơ bản, lâu dài. Bởi vậy, nhiệm vụ trọng tâm của xây dựng NTM chính là phát triển kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn để nông dân có điều kiện đóng góp xây dựng NTM. Thực tế cho thấy, nếu kinh tế địa phương không phát triển thì nguồn huy động nhân dân đóng góp xây dựng NTM chủ yếu dựa vào sự ủng hộ của những người con xa quê có điều kiện hoặc những người đi xuất khẩu lạo động, dân đóng góp tại chỗ chủ yếu là hiến đất, ngày công lao động. Với nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa chưa phát triển như hiện nay, sản phẩm nông dân làm ra rất khó tiêu thụ trên thị trường, nguồn thu nhập bằng tiền của nông dân rất hạn chế. Để huy động sức dân xây dựng NTM thì phải “nuôi” sức dân bằng nhiều giải pháp: Doanh nghiệp làm “bà đỡ” tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, Nhà nước có chính sách khuyến khích tiêu thụ sản phẩm do nông dân làm ra, nhà khoa học tích cực đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để có sản phẩm chất lượng cao tiêu thụ được trên thị trường.
Tóm lại, để huy động sức dân xây dựng NTM thì hướng đi cơ bản lâu dài là phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa chất lượng cao có nhiều sản phẩm tiêu thụ trên thị trường đem lại giá trị thu nhập cao cho nông dân. Đó vừa là điểm xuất phát vừa là mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM.
Trần Hồng Cơ