Để khai thác hiệu quả đường du lịch ven sông Lam
(Baonghean) - Đường ven sông Lam được tỉnh quy hoạch thành tuyến đường du lịch. Toàn tuyến dài 56 km qua Thị xã Cửa Lò, các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn và Thành phố Vinh. Tuy nhiên, sau thời gian hoàn thành và đưa vào sử dụng, con đường du lịch này vẫn chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn.
Trước tiên, phải khẳng định rằng, từ ngày đường du lịch ven sông Lam được thông suốt thì tuyến đường từ Cửa Lò – Cửa Hội – Vinh – Hưng Nguyên – Nam Đàn đi lại thuận lợi và dễ dàng hơn, nhất là đối với khách du lịch. Đi theo tuyến đường này, khách du lịch sẽ được thả hồn trong một không gian thoáng đạt khác hẳn với không khí ồn ào của thành phố. Ở đó, hai bên đường từ Cửa Hội đến cầu Bến Thủy, du khách tha hồ ngắm nhìn những con thuyền của ngư dân cập bến với khoang nặng đầy cá, tôm; hay phóng tầm mắt ra xa để ngắm rừng bần Hưng Hòa về chiều tĩnh lặng – rừng bần như lá phổi xanh điều hòa không khí cho toàn thành phố hoặc dạo bước tham quan những mô hình nuôi tôm của người dân ven đô. Vượt qua con đường Nguyễn Viết Xuân, từ đây sẽ là những điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn cả nước như đền Vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết, đền Ông Hoàng Mười (Hưng Thịnh), đền Vua Lê (Hưng Lam), Khu lưu niệm Phan Bội Châu (Nam Đàn)… Ngoài ra, cũng trên tuyến đường này, nếu muốn thăm quan các làng nghề truyền thống, du khách có thể ghé thăm làng bánh đa kẹo lạc Hưng Châu để vừa thưởng thức, vừa xem cách thức chế biến kẹo lạc nổi tiếng một vùng. Đến Hưng Châu, ngoài bánh đa kẹo lạc, còn thưởng thức các món ăn chế biến từ rươi. Hay về Hưng Phú thăm quan những cánh đồng chuyên trồng rau thơm thơm ngát một vùng.
Ghé thăm nhà hàng Nga Sơn nằm ngay đường du lịch ven sông Lam trong buổi chiều cuối tháng 5, lúc này đã 6h tối, nhà hàng đang tấp nập khách vào ra, chủ yếu là khách du lịch đến từ Hà Nội. Sau khi tắm biển tại Cửa Lò, họ xuống Cửa Hội để thưởng thức hải sản. Trò chuyện với chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh – năm nay 43 tuổi, đến từ Hà Nội, được biết: Năm nào gia đình chị cũng chọn Cửa Lò – Nghệ An để đi du lịch. Trước khi đi, chồng chị và các con đã lên mạng tìm hiểu xem năm nay Cửa Lò có gì mới. Thế nên vào đến Cửa Lò, sau khi tắm biển xong, vợ chồng con cái quyết định thuê xe đi thưởng ngoạn đường du lịch ven sông Lam. Chị thấy con đường này tương đối đẹp, mát, không khí trong lành, có thể ngắm cảnh vật hai bên đường. Rất may người lái taxi hiểu khá rõ những danh lam thắng cảnh nằm hai bên đường nên cả gia đình cũng đã ghé thăm Nhà tưởng niệm Đại tướng Chu Huy Mân, rừng bần Hưng Hòa, vào siêu thị Metro mua sắm một số vật dụng, rồi sang thắp hương ở đền Ông Hoàng Mười, đền Vua Quang Trung… cuối cùng là về Kim Liên, thăm quê Bác, như vậy là hết gần một ngày. Các cháu rất thích vì chụp được rất nhiều ảnh đẹp. Tuy nhiên, chị Hạnh cũng nói rằng, nhiều nơi trên quãng đường còn bẩn do người dân thải rác sinh hoạt không đúng chỗ, nhất là đoạn qua Hưng Nguyên rất nhiều trâu bò thả rông trên đường.
Những đầm tôm của người dân Hưng Hòa nằm bên đường du lịch ven sông Lam. |
Còn chủ nhà hàng, anh Nguyễn Văn Sơn đã không dấu diếm: Chính vì có con đường du lịch ven sông Lam nên vợ chồng anh mới quyết định đầu tư xây dựng nhà hàng kinh doanh hải sản phục vụ du khách. Ở đây, anh có thể đón khách từ Vinh xuống, từ Cửa Lò lên. Nhờ có giao thông đi lại thuận tiện, khung cảnh thoáng đãng, mát mẻ nên khách đến với nhà hàng Nga Sơn không chỉ một mùa hè, mà quanh năm.
Với các công ty lữ hành, đường du lịch ven sông Lam thực sự đã mở ra cho họ một hướng khai thác mới trong công tác quảng bá, giới thiệu những tour, tuyến cho khách du lịch. Ông Nguyễn Hữu Bắc – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty lữ hành quốc tế Thái Sơn cho rằng: “Trước đây, khi đường du lịch ven sông Lam chưa được thông tuyến, các công ty lữ hành đưa khách đi theo đường cũ từ Cửa Lò lên Vinh sau đó mới về Kim Liên – Nam Đàn, thì nay, từ Cửa Lò, chúng tôi sẽ đưa khách đi xuống Cửa Hội, từ Cửa Hội, theo đường du lịch ven sông Lam, du khách sẽ về Vinh – đến Nam Đàn. Đối với các công ty lữ hành, con đường này có ý nghĩa hết sức quan trọng vì nó đi qua những vùng đất gắn bó với bản sắc văn hóa xứ Nghệ, nó gắn với sông Lam, núi Hồng, cầu Bến Thủy, Trường Thi… gắn với rất nhiều điểm di tích lịch sử khác… Đi trên con đường này, du khách để có thể cảm nhận về biển, về những làng quê đậm chất xứ Nghệ, vì thế du khách có cảm giác nhanh hơn khi về với Vinh, với Nam Đàn… Đó là điều mà con đường du lịch ven sông Lam đã làm được. Rất nhiều khách du lịch các tỉnh phía Nam, phía Bắc về với Cửa Lò đã lựa chọn con đường này, vì họ cảm thấy rất ấn tượng, thoải mái suốt cả tuyến du lịch”.
Có một điều mà những người làm lữ hành, làm du lịch rất trăn trở, đó là lâu nay chúng ta đang tuyên truyền, đang tìm cách để bảo tồn, gìn giữ vốn di sản dân ca xứ Nghệ nhưng lại chưa gắn với khai thác du lịch ven sông Lam. Một di sản sẽ chết hoặc nó chỉ nằm trên giấy nếu như nó không gắn liền với cuộc sống. Ví như đàn ca tài tử của Nam Bộ, hay hò Huế sống được nhờ các Công ty du lịch đầu tư, bảo tồn để phục vụ du lịch. Và lấy kinh phí thu được đầu tư lại cho chính nó. Và dân ca ví dặm xứ Nghệ nên theo cách làm này. Có thể trên đường du lịch ven sông Lam, gần cầu Bến Thủy hay Cửa Hội, chúng ta xây dựng những bến dân ca. Tương tự như ở Huế, buổi tối có thể đi bộ trên cầu Tràng Tiền xuống bến sông Hương để nghe hò Huế thì ở Vinh, buổi tối khách du lịch cũng có thể đi bộ xuống cầu Bến Thủy, ngắm cảnh, xuống bến lên thuyền dọc sông Lam nghe hát dân ca. Thay vì phải đến Nhà hát dân ca mới được nghe dân ca, thì bây giờ chúng ta sẽ phục vụ khách du lịch nghe hát dân ca, hò ví dặm trên dòng sông Lam và chính các nghệ sỹ của Nhà hát dân ca sẽ làm nòng cốt. Và chúng ta sẽ tổ chức bán vé như ca Huế. Đó là cách mà những người làm văn hóa nên trăn trở để vừa giữ lại hồn quê xứ Nghệ, vừa quảng bá được dân ca xứ Nghệ với bạn bè, với khách du lịch trong nước và quốc tế.
Thanh Thủy