Để không còn cảnh trang thiết bị y tế "nằm đắp chiếu"

05/11/2015 07:57

Trước tình trạng vô vàn máy móc, trang thiết bị ở rất nhiều cơ sở y tế đang bị khai thác, sử dụng một cách rất lãng phí… một loạt giải pháp đã được Bộ Y tế đưa ra để giải quyết tình hình. Tuy nhiên, một giải pháp hữu hiệu và đủ mạnh nghe chừng còn quá xa vời.

Lãng phí

Như báo chí đã phản ánh, cuối năm 2014 gần trăm trang thiết bị y tế (TTBYT) bị hỏng hóc, không còn sử dụng được nữa đã bị phát hiện tại Bệnh viện (BV) Bãi Cháy, Quảng Ninh. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở y tế này cũng không cung cấp được giấy tờ, tài liệu chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của các loại trang thiết bị này.

Trung tuần tháng 8/2014, Đội quản lý thị trường số 14 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội kinh tế tổng hợp - Phòng PA81 (Công an Hà Nội) tiến hành kiểm tra 3 cơ sở kinh doanh dịch vụ khám chữa bệnh (số 38, 73, 111 Phùng Hưng, Hà Đông, Hà Nội) cũng đã phát hiện và tạm giữ 12 máy chiếu, chụp có dấu hiệu vi phạm…

Rất nhiều nguyên nhân được ngành chủ quản lý giải cho việc sử dụng trang thiết bị y tế chưa hiệu quả. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)
Rất nhiều nguyên nhân được ngành chủ quản lý giải cho việc sử dụng trang thiết bị y tế chưa hiệu quả. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Tình trạng máy móc, TTBYT sử dụng kém hiệu quả và không công khai, minh bạch không chỉ diễn ra tại các cơ sở này mà xảy ra ở rất nhiều cơ sở y tế trong cả nước. Để phát hiện và chấn chỉnh tình trạng trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ đạo ngành y tế phải vào cuộc, quá trình thanh, kiểm tra cho thấy sai phạm chồng sai phạm và không chỉ dừng lại ở đó.

Điển hình nhất phải kể đến vụ mập mờ trong việc mua sắm TTBYT vừa được phanh phui tại Sở Y tế Đắk Lắk và một số đơn vị trực thuộc. Đáng buồn hơn khi tổng số tiền mua sắm số TTBYT đó lên tới hơn 150 tỷ đồng, trong đó có nhiều thiết bị đang “nằm đắp chiếu” trong kho. Không chỉ có vậy, nhiều hợp đồng mua thiết bị y tế chính hãng Mỹ, Nhật Bản, CHLB Đức nhưng qua thanh tra cho thấy đó là hàng có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc không có nhãn mác.

Cụ thể, năm 2012 BV Đa khoa huyện Ea H’Leo được trang bị hệ thống khí y tế giá 234 triệu đồng. Đơn vị trúng thầu là Trung tâm kỹ thuật thiết bị y tế Minh Tâm cam kết thiết bị này của Hãng Smyth (Mỹ). Tuy nhiên, thực tế kiểm tra lại... thiết bị không có nhãn mác.

Năm 2014, BV này cũng được trang bị máy hút ẩm công nghiệp HM630 EB, dòng máy compressor giá 20 triệu đồng. Đơn vị trúng thầu là Cty TNHH thương mại TTBYT Tây Nguyên khẳng định đây là công nghệ “chính hãng Nhật Bản”, nhưng qua kiểm tra lại là “made in China” (sản xuất tại Trung Quốc)…

Nâng cao nhân lực là khắc phục được thực trạng?

Có rất nhiều nguyên nhân được ngành chủ quản lý giải cho việc vô vàn TTBYT “nằm đắp chiếu” trong kho chứa đồ cũ hỏng, trong khi máy móc, TTBYT vẫn thiếu, thậm chí không có để phục vụ công tác khám chữa bệnh. Trong đó, có ba nguyên nhân chính, là: nhân lực yếu; dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng chưa đáp ứng; công tác tư vấn, cải tiến kỹ thuật chưa nâng cao.

Cụ thể, theo nhận xét của Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, thực trạng đầu tư của chúng ta chưa thực sự cân đối giữa việc xây lắp và TTBYT cũng như mua sắm và sử dụng. TTBYT nhìn chung còn thiếu, chưa đồng bộ và lạc hậu so với các nước trong khu vực.

Hầu hết các TTBYT đang sử dụng tại các cơ sở y tế chưa được định kỳ kiểm chuẩn, bảo dưỡng và sửa chữa, không đủ nguồn vốn để đầu tư và đổi mới, nhiều địa phương không có đủ kinh phí để mua vật tư tiêu hao và bảo trì, bảo dưỡng; năng lực của cán bộ kỹ thuật TTBYT thì chưa đáp ứng kịp những đổi mới về kỹ thuật và công nghệ; chất lượng đào tạo, bố trí sử dụng nhân lực chuyên sâu về kỹ thuật thiết bị y tế còn thấp so với yêu cầu.

Cán bộ y tế kiểm tra thị lực cho bệnh nhân tại Trạm Y tế xã Diễn Thành
Ảnh minh họa.

Nhiều BV tỉnh chưa có phòng quản lý vật tư – TTBYT và còn ghép với Khoa Dược; các xí nghiệp sản xuất TTBYT còn ít, chủng loại nghèo nàn, chất lượng sản phẩm chưa cao…

Để khắc phục tình trạng này, tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng TTBYT” vừa được Hội TTBYT Việt Nam tổ chức ngày 4/11 tại Hà Nội, ông Hà Đắc Biên, đại diện Hội TTBYT Việt Nam cho rằng, việc trước mắt mà chúng ta cần thiết phải làm là chú trọng hoạt động đào tạo nhân lực.

Cụ thể, nên tăng cường đào tạo cho cán bộ TTBYT theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Đồng thời với việc thành lập các trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa tại 3 cấp Trung ương, vùng và tỉnh…, tiến tới xây dựng các trạm sửa chữa, bảo dưỡng TTBYT tại các vùng miền với sự hỗ trợ của các nhà sản xuất, thông qua các nhà phân phối chính thức tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn đến công tác tư vấn TTBYT. Đặc biệt, Bộ Y tế cần có văn bản hướng dẫn cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các phòng vật tư – TTBYT của các BV, vì hiện nay chức năng, nhiệm vụ của đơn vị này tại các cơ sở y tế rất khác nhau, thậm chí trong cùng tuyến cũng không giống nhau…

Theo Pháp luật Oline

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Để không còn cảnh trang thiết bị y tế "nằm đắp chiếu"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO