Để làng nghề ngói Cừa phát triển bền vững

20/07/2011 19:13

Trở lại làng ngói Cừa, xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ ( Nghệ An), chúng tôi thật sự ngỡ ngàng. Con đường không còn bụi đất với những ổ gà, ổ trâu mà thay vào đó là đường nhựa phẳng lỳ, những ngôi nhà cao tầng mọc lên, tạo cho Nghĩa Hoàn một diện mạo mới.

(Baonghean) - Trở lại làng ngói Cừa, xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ ( Nghệ An), chúng tôi thật sự ngỡ ngàng. Con đường không còn bụi đất với những ổ gà, ổ trâu mà thay vào đó là đường nhựa phẳng lỳ, những ngôi nhà cao tầng mọc lên, tạo cho Nghĩa Hoàn một diện mạo mới.

Ông Tạ Đình Minh – cán bộ văn phòng Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ làng nghề ngói Cừa, cho biết: Kể từ khi được thành lập (năm 2006), nhờ không ngừng đổi mới mẫu mã, cải thiện chất lượng, sản phẩm ngói Cừa đã xây dựng được thương hiệu. Sản xuất phát triển, đời sống của xã viên HTX và người lao động trong các lò ngói thật sự nâng lên rõ rệt. Trong tổng số 125 hộ xã viên có 80 hộ giàu và 64% hộ nhà cao tầng. Các gia đình hội viên đã mua sắm được 40 xe ô tô con và 40 xe ô tải phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại.

Sản phẩm ngói Cừa đã được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu hàng hóa năm 2007 và được UBND tỉnh Nghệ An công nhận làng nghề năm 2006 và là 1 trong 30 hợp tác xã điển hình tiêu biểu toàn quốc. Từ hoạt động của làng nghề ngói Cừa đã góp phần giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động nông nhàn, bình quân thu nhập người lao động 3 – 3,5 triệu đồng/người/tháng. Làng ngói Cừa cũng đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước năm sau cao hơn năm trước, riêng năm 2010 là 2 tỷ đồng. Thế nhưng, lợi dụng thương hiệu ngói Cừa rất được ưa chuộng và đứng vững trên thị trường từ phía Bắc vào đến tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều chủ lò ngói ngoài HTX đã dập nổi chữ trên sản phẩm của mình là ngói Cưa, Cựa…, nhằm đánh lừa người tiêu dùng.


Sản phẩm ra lò chuyển đi tiêu thụ.

Tuy nhiên, vấn đề tồn tại lớn nhất hiện nay đối với làng nghề ngói Cừa là vẫn đang sử dụng công nghệ sản xuất thủ công, lạc hậu, gây tác động rất lớn đến môi trường mà Chính phủ và tỉnh đã, đang có chủ trương xóa bỏ các lò gạch ngói thủ công. Nhận thức được chủ trương của Chính phủ và tỉnh là rất phù hợp với xu thế phát triển của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ làng nghề ngói Cừa đã chủ động xây dựng dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ sản xuất ngói chất lượng cao” nhằm chuyển đổi từ sản xuất thủ công sang sản xuất bằng công nghệ tuynel.

Theo đó, HTX cũng đã xây dựng và được UBND tỉnh phê duyệt cụm công nghiệp nhỏ Nghĩa Hoàn rộng 5 héc ta, với tổng kinh phí là 67 tỷ đồng và vùng khai thác nguyên liệu sản xuất rộng 50 héc ta. Đồng thời hợp tác với doanh nghiệp xây lắp ở Hà Nội để mua dây chuyền, chuyển giao công nghệ; tiến hành chuẩn bị đội ngũ cán bộ quản lý khi chuyển sang mô hình HTX hoặc Công ty theo hình thức cổ phẩn. Song, theo ông Tạ Đình Minh thì dự án này vẫn đang mới chỉ dừng lại ở việc phê duyệt dự án, phê duyệt quy hoạch, Nhà nước chưa có tác động nào để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án như hỗ trợ kinh phí để thực hiện giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng và thực hiện các chính sách hỗ trợ khác; cho phép cắm mốc vùng quy hoạch nguyên liệu để tránh tranh chấp sau này….

Để làng nghề ngói Cừa – Tân Kỳ phát triển bền vững, ngoài việc chủ động đổi mới nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm hàng hóa, tăng cường quảng bá sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, thiết nghĩ tỉnh và huyện Tân Kỳ cần quan tâm, tạo điều kiện để dự án chuyển đổi mô hình sản xuất và cụm công nghiệp Nghĩa Hoàn sớm đi vào hoạt động, đáp ứng yêu cầu phát triển mới và chủ trương xóa bỏ lò gạch ngói thủ công của Chính phủ và của tỉnh, huyện.


Minh Chi

Mới nhất
x
Để làng nghề ngói Cừa phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO