Để lao động nghề cá yên tâm bám biển

26/02/2014 22:11

(Baonghean) - Những năm gần đây trên các vùng biển tỉnh ta thường xảy ra thực trạng lao động làm việc trên biển ngày càng ít, trong khi số lượng tàu thuyền ngày càng tăng. Một số nơi như ở Diễn Châu, Quỳnh Lưu do thiếu lao động nghề biển nên nhiều tàu cá phải nằm bờ.

Tháng hai dương lịch, chúng tôi về cảng cá Lạch Vạn – Diễn Ngọc – Diễn Châu thấy nhiều tàu còn đậu ở bến. Ông Đặng Bốn, ngư dân xóm Yên Thịnh xã Diễn Ngọc - Diễn Châu cho hay: Tàu của gia đình đạt công suất gần 70 CV chủ yếu đánh bắt cá ven bờ từ 3 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau là cập bến. Mọi năm từ ngày mồng 6 tết đến 16 tháng Giêng đã đi được hơn 8 chuyến biển, nhưng nay mới đi được 3 chuyến do thiếu lao động. Theo ông Bốn, tàu của ông cần 4 lao động, nhưng do không thể thuê mượn được lao động, tàu cá nằm bờ sốt ruột nên chỉ 2 bố con vẫn cứ ra khơi nên năng suất đánh bắt không hiệu quả.

Ông Ngọc Thân một chủ tàu khác than thở: Tàu của chúng tôi chủ yếu đánh bắt các loại hải sản xuất khẩu ngoài khơi xa như cá hố, mực… Mỗi chuyến ra khơi cần 15 lao động/2 tàu, phí cho mỗi chuyến ra khơi là hàng trăm triệu đồng, vậy mà thuê mượn khắp nơi mới chỉ được 7 lao động, nếu tìm không đủ người thì phải chấp nhận “nằm bờ” vì ra khơi trong hoàn cảnh thiếu lao động thì sản lượng đánh bắt hải sản không đạt. Nguyên nhân thiếu hụt lao động nghề biển là do thu nhập của người lao động còn thấp, bấp bênh nên các chủ tàu cá ngày càng khó giữ chân người lao động. Ngư dân Nguyễn Văn Sơn chia sẻ: Do hợp đồng lao động giữa chúng tôi với chủ tàu thỏa thuận ăn chia theo sản phẩm nên khi ra biển chúng tôi đều lao động cật lực mong đánh bắt được nhiều hải sản. Thu nhập bình quân chưa tới 3 triệu đồng/tháng nên tôi chuyến đi, chuyến bỏ.

Thuyền của ông Đặng Bốn thiếu lao động, chỉ có 2 người vẫn ra khơi.
Thuyền của ông Đặng Bốn thiếu lao động, chỉ có 2 người vẫn ra khơi.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc - Diễn Châu cho biết thêm: Diễn Ngọc hiện có 398 tàu thuyền, trong đó có trên 56 tàu thuyền loại 90 CV trở lên, 250 tàu loại 72 CV còn lại 48 CV. Bình quân cần 4 lao động/tàu thuyền, tổng lao động nghề cá khoảng trên 1.600 lao động mới đủ. Tuy nhiên, lao động của xã chỉ đáp ứng được khoảng trên 1.200 lao động. Một nghịch lý là nhiều con em ở Diễn Ngọc - Diễn Châu lâu nay gắn bó theo nghề đi biển nhưng lại rời bỏ quê hương vào Cà Ná ở Bình Thuận để theo nghề biển. Nguyên nhân là do mức lương nghề đi biển ở Bình Thuận trả cao hơn ở Diễn Ngọc - Diễn Châu. Mức lương bình quân ở Bình Thuận bình quân 6 triệu đồng/người/tháng, trong khi ở Diễn Ngọc - Diễn Châu cao nhất là 4 triệu đồng/tháng, có khi thấp chưa đầy 3 triệu đồng/tháng. Được biết số lao động ở Diễn Ngọc vào Bình Thuận theo nghề biển trên 250 người.

Hiện nay việc trả lương giữa các chủ tàu với người lao động ở Diễn Ngọc - Diễn Châu chưa có quy định cụ thể. Hiện chủ tàu trả lương cho công nhân theo 3 hình thức. Một là trả theo tháng, hai là trả theo ngày, ba là trả theo ăn chia sản phẩm. Theo phản ánh của nhiều ngư dân thì họ gắn bó với nghề biển chỉ mong được trả lương theo tháng ổn định với mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Nhưng qua một năm thất bát với nghề biển nhiều chủ tàu lâm vào cảnh khó khăn, các chuyến biển giảm sút thì nhiều lao động lại dịch chuyển làm công việc khác.

Toàn huyện Diễn Châu hiện có khoảng trên 1.000 tàu thuyền lớn nhỏ, chủ yếu nằm ở các xã Diễn Ngọc, Diễn Bích, Diễn Hải, Diễn Thành… trong đó có trên 100 tàu đánh bắt xa bờ. Ngoài việc thiếu lao động thì lao động trên các tàu cá đào tạo thiếu bài bản, chủ yếu hành nghề theo kiểu “cha truyền con nối” nên khó tiếp cận với phương thức sản xuất tiên tiến. Đến thời điểm này Diễn Châu đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đại học Thủy sản Nha Trang, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản mở các lớp tập huấn, đào tạo cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên trên 60%.

Quỳnh Lưu vốn có thế mạnh về đánh bắt cá xa bờ, mỗi tàu đều cần trên 10 lao động, tuy nhiên thời điểm sau tết lao động cũng khan hiếm. Ông Trần Văn Minh, một chủ tàu đánh bắt cá xa bờ ở Sơn Hải – Quỳnh Lưu buồn bã: “Làng biển mà lại không có người đi biển thật là khó tin, đầu năm chúng tôi phải “đặt cọc” tiền trước từ 1-1,5 triệu đồng để thuê người đi biển tùy theo thỏa thuận nhưng vẫn không tìm ra. Tôi phải vào tận Nghi Lộc, TX. Cửa Lò tìm “bạn thuyền” nhưng chưa đủ người, mấy ngày nữa mà tìm không được “bạn” thì nguy cơ tàu nằm bờ là rất cao. Nguyễn Văn Chính, một ngư dân ở Quỳnh Thọ - Quỳnh Lưu kể: Là lao động chính trong nhà với 5 miệng ăn mà lương chỉ được hơn 3 triệu đồng/tháng là quá thấp không thể đủ sống chứ chưa nói chuyện đóng góp cho con cái học hành.

Ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hải lý giải: Sơn Hải hiện có 252 tàu thuyền, trong đó có gần 200 tàu thuyền đánh bắt cá xa bờ loại từ 90-400 CV. Bình quân cần 1.800 lao động mới đáp ứng được, tuy nhiên, ngay từ đầu năm số lao động đã thiếu hụt khoảng trên 500 lao động. Theo thống kê từ trong năm 2013 đến nay toàn xã đã có trên 300 lao động chuyển đổi sang nghề khác, hoặc một số di dời vào miền Nam theo nghề đánh bắt cá. Việc ngư dân chuyển đổi từ khai thác sang các loại hình dịch vụ, kinh doanh khác cũng gây khó cho nghề biển trong tìm kiếm lao động. Ông Hùng nói tiếp: Để khắc phục những khó khăn những năm qua Sơn Hải đã tổ chức các hoạt động liên kết giữa các thành viên, đặc biệt phát triển tốt dịch vụ hậu cần nghề cá, kịp thời thu mua hải sản xuất khẩu của các đội tàu, tiếp tế nhu yếu phẩm, vật tư nghề cá tuy nhiên do một năm mất mùa đã kéo theo khó khăn cho các chủ tàu, dẫn đến việc trả lương thấp cũng là nguyên nhân lao động nghề biển chuyển nghề khác mưu sinh. Toàn huyện Quỳnh Lưu hiện có trên 1.400 tàu thuyền lớn nhỏ, trong đó 599 tàu thuyền công suất từ 90 - 400 CV, ngày thời điểm đầu năm đã xảy ra tình trạng thiếu lao động vươn khơi.

Vấn đề đặt ra hiện nay là cần có một giải pháp để phát triển nghề đánh bắt hải sản bền vững để ngư dân yên tâm bám biển. Ngoài việc tạo điều kiện cho ngư dân đầu tư cải hoán nâng cao công suất tàu, tăng cường mở các lớp tập huấn, hỗ trợ trong việc đào tạo nghề. Các ngành liên quan cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nâng cao năng lực dự báo ngư trường và đưa được thông tin ngư trường, luồng cá đến ngư dân. Cần tính đến cơ chế, chính sách thay đổi ngành nghề cho những lao động đang sở hữu những phương tiện nhỏ đã xuống cấp hành nghề khai thác ven bờ để hình thành và nhân rộng “mô hình” các tập đoàn, “nghiệp đoàn” đánh bắt vươn khơi. Đây cũng là hướng phát triển của nghề cá nhằm tạo việc làm cho bà con ngư dân.

Văn Trường

Mới nhất
x
Để lao động nghề cá yên tâm bám biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO