Để lòng người lắng lại...
(Baonghean) Cũng như bao ngày tháng khác, ấy vậy mà Tháng Bảy khi nào cũng mang đến cảm giác "sống chậm" với những nỗi rưng rưng.
Có phải vì, cái nắng bỗng gắt gao khiến ta thương thêm tấm áo người nông dân bạc màu hơn trên những cánh đồng? Có phải vì, trên đường bỗng nhiều hơn những chuyến xe đi về phía Nam với những hàng băng đỏ: "Đoàn cựu binh thăm chiến trường xưa", hay "Đi tìm hài cốt liệt sỹ" mà trên đó thảng thốt những ánh nhìn dội về từ quá khứ? Có phải vì niềm xót xa xen lẫn tự hào khi ta đứng chân trên mảnh đất miền Trung "phên dậu" đã hứng chịu bao nhiêu bão giông, nắng lửa, và đạn bom của cuộc chiến nhưng vẫn sáng ngời những trái tim quả cảm, anh hùng, những tấm lòng thủy chung, son sắt ?
Tìm tên đồng đội. Ảnh: Trần Tố
Có ai không hiểu, cái giá của tự do và thống nhất được đánh đổi bằng máu và nước mắt của biết bao thế hệ những người con dân Việt? Để mỗi Tháng Bảy ta biết cúi đầu trước hơn 2 triệu người con có tên và chưa tìm thấy tên gọi ngã xuống nơi chiến trường, cúi đầu trước 75 vạn bà mẹ mang nỗi đau mất con, trước hơn 2 triệu người bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh và hơn 5 ngàn đứa trẻ sinh ra trong hình hài không được vẹn nguyên? Hàng ngàn năm qua, núi sông này được bồi đắp, dựng xây bằng khát vọng hòa bình, khát vọng được đứng thẳng kiêu hãnh làm người trên trái đất, của niềm ước mong sum vầy, hòa hợp, bằng câu ca dao: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương...", chung niềm tự hào chúng ta là con Lạc, cháu Hồng.
Hiểu điều ước mong, điều vươn tới ấy của bao lớp người cho bình yên quê hương, không thể không chạnh lòng nghĩ tới "sự cố Yên Khê" không đáng có đã xảy ra đầu Tháng Bảy này. Có nỗi đau nào hơn, phải chứng kiến sự cách chia giữa những con người mang chung nguồn cội, chia sớt những bão giông và bom đạn, từng kề vai, sát cánh bên nhau tạo lập một cuộc sống xanh tươi sau vết thương chiến tranh giáng xuống dân tộc.
Trong hàng triệu người con nằm lại trên các chiến trường, đã có biết bao người con mang theo cái khẩu lệnh thiêng liêng: Thượng đế và Tổ quốc, vì hiểu rằng "người tín hữu nào làm tròn bổn phận công dân thì họ cũng là người con tốt lành của Chúa". Tháng Bảy này, đến với những bảo tàng, ta bỗng chùng lòng khi chạm vào quá khứ, khi gặp chiếc đèn chai của giáo dân VũĐăng Ninh, chiếc đèn do ông sáng tạo từ thân chai thủy tinh và hộp mực học sinh, tỏa sáng theo bước chân người giáo dân kính Chúa, yêu Nước trong đoàn xe thồ 11.000 người của quê hương Thanh Hóa phục vụ thồ hàng cho chiến dịch Điện Biên.
Từ sáng kiến ấy của ông, đã nhân lên hàng ngàn, hàng vạn ngọn đèn xua đi màn đêm đen mang niềm tin, sự bền bỉ, đồng lòng của cả một đoàn quân cũng là tấm lòng một dân tộc hướng về tiền tuyến. Càng không thể không xúc động trước bức huyết tâm thư của người chiến sỹ- người đảng viên công giáo Nguyễn Văn Luận - thuộc đại đội 12,7mm mang tên Phùng Chí Kiên (Diễn Châu) đầy chất đanh thép: " Tôi là Nguyễn Văn Luận, ở Diễn Kỷ. Sống là để chiến đấu, yêu thương mọi người. Tôi quyết tâm chiến đấu, đánh Mỹ, Ngụy. Không sợ chết!". Người chiến sỹấy đã hy sinh trong một lần vượt sông Cam Lộ. Đồng đội đã tìm anh rất lâu dưới làn mưa bom, bão đạn quân thù và đã thấy anh nằm bên bờ sông nham nhở hố bom...
Qua thăng trầm, mất mát, chúng ta đã đứng dậy nhờ sự chung tay, góp sức của đồng bào ta cả lương và giáo. Hãy nhìn lại Tháng Bảy để khơi dòng và hun đúc trách nhiệm. Để thấy giá trị của cuộc sống hôm nay trên một đất nước đã "nở hoa Độc lập, kết quả Tự do". Hãy để Tháng Bảy được rộng dài với những hoạt động đền ơn đáp nghĩa, những hành trình về nguồn. Để lòng người lắng lại, chung một nén tri ân cho những người góp máu xương cho Tổ quốc trường tồn!
Nghệ An cuối tuần