Để miền núi thoát nghèo bền vững

16/07/2014 14:28

(Baonghean) - Các huyện miền núi cả nước, cũng như ở Nghệ An đang là vùng nghèo. Tiềm năng có thừa, nhưng lại thiếu nhiều thứ nên tiềm năng chưa thành ra của cải, chưa tạo nên thu nhập.

Trong một số cuộc đi thăm và làm việc ở một số huyện miền núi của người lãnh đạo cao nhất tỉnh, đồng chí đã chỉ ra, đã nhận ra những thứ còn thiếu đó. Nào là thiếu cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm), thiếu đầu tư, thiếu các nhà doanh nghiệp, rồi cả vẫn thiếu những cơ chế, chính sách phù hợp... Tất cả những cái thiếu đó đều đúng, nhưng e là chưa đủ. Còn vài ba cái thiếu vừa hữu hình, vừa vô hình, vừa dễ nhận biết, vừa khó nhận biết, nhưng lại rất quyết định cho sự thoát nghèo ở miền núi chưa được chỉ ra. Và do đó đương nhiên chưa có được những giải pháp để khỏa lấp những cái thiếu ấy.

Thứ nhất, thiếu một mặt bằng dân trí về kinh tế ở mức cần thiết chúng ta đều rõ là do lịch sử để lại, trình độ kinh tế của đại bộ phận cư dân các dân tộc thiểu số ở miền núi đang ở giai đoạn của nền kinh tế tự nhiên, kinh tế tự cung tự cấp. Với một mặt bằng dân trí về kinh tế như vậy giỏi lắm là đủ ăn. Nếu gặp hạn hán hay lũ lụt thì đói là chắc, với mặt bằng như thế thì không thể đánh thức được tiềm năng, cũng khó mà “tiêu hóa” được mọi sự đầu tư - kể cả cấp không về vốn, về giống...

Thực tế, một số chương trình dự án hỗ trợ đồng bào Đan Lai, Khơ mú... của tỉnh ta đã minh chứng cho điều đó. Đầu tư để đưa đường ô tô về tận xã, để đưa điện về tận từng hộ, cấp vốn, cấp giống cây, giống con... là cần thiết nhưng hiệu quả sẽ rất thấp nếu như không đồng thời đầu tư để nâng mặt bằng dân trí về kinh tế cho đông đảo bà con ở đây.

Thứ hai, thiếu một số điều kiện tối cần thiết để cùng với việc nâng cao mặt bằng dân trí về kinh tế, các huyện miền núi chuyển từ sản xuất tự cấp, tự túc lên sản xuất hàng hóa. Các điều kiện tối cần thiết đó là: Quy hoạch và kế hoạch cho các vùng sản xuất hàng hóa; Tổ chức liên doanh liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; Tổ chức thị trường; Cơ chế chính sách đặc biệt ưu đãi để thu hút đầu tư vào miền núi... Cần có quan niệm, có nhận thức cơ bản rằng có thể giảm nghèo nhanh và bền vững khi đưa được kinh tế ở các huyện miền núi từ kinh tế tự nhiên tự túc, tự cấp lên kinh tế sản xuất hàng hóa.

Thứ ba, thiếu một đội ngũ cán bộ trực tiếp là cán bộ chủ chốt cấp huyện, cấp xã có tâm huyết, có kiến thức về kinh tế và tổ chức kinh tế thị trường kinh tế hàng hóa. Theo nhận thức của tôi thì đây là cái thiếu cơ bản nhất. Nhìn vào đội ngũ cán bộ chủ chốt các huyện miền núi hiện nay - từ nguồn tại chỗ và cả nguồn luân chuyển từ tỉnh về với tâm huyết và trình độ hiện tại thì khó mà vực kinh tế của các huyện miền núi làm được. Cũng xin nói thêm rằng việc luân chuyển cán bộ từ tỉnh về giữ cương vị chủ chốt ở các huyện miền núi mấy năm nay rất cần được xem xét và đánh giá thật khách quan, đúng đắn. Từ đó, nếu cần thì phải có những thay đổi từ quan niệm, nhận thức, tính mục đích, mục tiêu... và cuối cùng là cách đưa cán bộ từ tỉnh về sao cho được cả trước mắt lẫn lâu dài, được cho huyện, được cho tỉnh, được về chiến thuật và cả chiến lược.

Ở mức nào đó, với cán bộ từ tỉnh đưa về huyện hoàn toàn không nên làm theo kiểu đưa cán bộ ở Trung ương về cho tỉnh mà lâu nay Trung ương vẫn làm. Đã đưa cán bộ tỉnh về giữ các chức vụ chủ chốt ở huyện thì trước hết, trên hết, cơ bản hơn hết là những cán bộ này phải có tâm huyết, có trình độ để cùng với bộ máy chính trị của huyện đó vực dậy được kinh tế của huyện đó. Có cảm giác rằng tỉnh đưa cán bộ về huyện không vì huyện mà chỉ vì cán bộ đó mà thôi. Điều này, xin sẽ đề cập tiếp ở một nội dung khác khi bàn về chủ trương luân chuyển cán bộ.

Thứ tư, thiếu một cách thức chỉ đạo phù hợp với các huyện miền núi nói chung và với từng huyện cụ thể nói riêng. Tỉnh đã có không ít những việc làm nhằm giúp các xã, các huyện miền núi như giao các sở, ngành cấp tỉnh (qua Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh) giúp trực tiếp xã này, xã khác, giao bộ đội biên phòng, các sỹ quan, chỉ huy các đồn trực tiếp làm phó bí thư hoặc bí thư đảng ủy xã này, xã kia. Huyện thì cử cán bộ huyện xuống giúp hộ A, hộ B xóa nghèo, rồi xây dựng mô hình này, mô hình nọ (chủ yếu là mô hình kinh tế hộ). Việc làm đó đều có tác dụng nhưng chỉ ở mức cơ sở, mức hộ. Còn vấn đề tỉnh, từ Tỉnh ủy, UBND, các sở, ngành cấp tỉnh chỉ đạo huyện miền núi những gì, chỉ đạo ra sao... thì chắc là chẳng khác mấy với chỉ đạo các huyện miền xuôi. Đã có lần được tiếp xúc với một đồng chí trưởng Ban Tuyên giáo một huyện miền núi tôi hỏi: Công tác tuyên giáo ở huyện ta làm những gì, và làm như thế nào? Đồng chí ấy trả lời ngắn gọn rằng: Thì trên tỉnh giao làm gì chúng tôi làm nấy. Như thế có nghĩa là Ban Tuyên giáo huyện làm việc theo trên chứ không làm việc từ chính thực tiễn ở địa phương mình. Do có những điểm đặc thù nên mỗi huyện miền núi cần có cách lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức điều hành phù hợp. Tự huyện chưa làm được như thế, tỉnh phải giúp. Song, xem ra tỉnh cũng mới chỉ đạo chung chung như mọi huyện khác. Tóm lại, ở các huyện miền núi, tỉnh phải đánh giá thật cụ thể, thật đáng để thoát nghèo, họ đã có gì, còn thiếu gì. Từ đó, giúp cho huyện có đủ những gì còn thiếu để tự họ vươn lên thoát nghèo.

Trương Công Anh

Mới nhất

x
Để miền núi thoát nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO