Để mô hình "ĐOẠN ĐƯỜNG TỰ QUẢN" thêm thiết thực

24/11/2014 09:07

(Baonghean) - Mục đích của những "Đoạn đường tự quản" là nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác vệ sinh môi trường. Những năm gần đây, ở nhiều địa phương trong tỉnh có những “Đoạn đường tự quản” góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, an ninh ở khu dân cư. Tuy nhiên, để đoạn đường tự quản đi vào thực chất, có hiệu quả lâu bền, vẫn còn nhiều việc phải làm...

Những mô hình hiệu quả

Mô hình "Đoạn đường tự quản" do các tổ chức đoàn thể như hội cựu chiến binh, hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên đứng ra chịu trách nhiệm quản lý một đoạn đường nhất định, nhằm góp phần thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Ở các vùng nông thôn, "Đoạn đường tự quản" thường gắn với việc giữ gìn vệ sinh môi trường, còn với các vùng đô thị, "Đoạn đường tự quản" bên cạnh việc nhắc nhở người dân không vứt rác bừa bãi, còn để người dân không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường và cần kinh doanh đúng nơi quy định, giữ gìn an ninh trật tự …

Đoạn đường tự quản do Hội LHPN phường Trường Thi (TP. Vinh) đảm nhận vẫn còn tình trạng  lấn chiếm vỉa hè.
Đoạn đường tự quản do Hội LHPN phường Trường Thi (TP. Vinh) đảm nhận vẫn còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè.

Từ năm 2010, đoạn đường Đặng Như Mai chạy qua địa bàn xóm Ngũ Phúc, xã Hưng Lộc (TP. Vinh) được chi hội phụ nữ xóm đảm nhận chăm sóc, xây dựng đoạn đường “Xanh - sạch - đẹp”. Chi hội phụ nữ đã thông qua các cuộc họp xóm, sinh hoạt chi hội tuyên truyền cho người dân, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trên đường Đặng Như Mai cũng như các đoạn đường khác trong xóm. Hàng tuần, chi hội phụ nữ phát động các hộ dân vệ sinh hai bên đường chăm sóc cây xanh… Ông Đặng Văn Bình – một người dân sinh sống trên đường Đặng Như Mai cho biết: “Từ khi Chi hội phụ nữ xóm Ngũ Phúc thực hiện mô hình “Đoạn đường tự quản xanh – sạch – đẹp”, mỗi người dân ở đây đều đã ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh chung, không còn cảnh “cha chung không ai khóc” như trước; xe thu gom rác giờ đã vào tận các ngõ ngách, chúng tôi không còn phải mang rác ra tận điểm chứa rác như trước nữa. Bây giờ, đường Đặng Như Mai lúc nào cũng được bảo đảm xanh – sạch – đẹp và chúng tôi rất tự hào về điều này”.

Từ năm 2010 đến nay, Hội Nông dân huyện Con Cuông đã phát động phong trào nông dân thi đua đảm nhận tự quản đường giao thông nông thôn; theo đó, các chi hội nông dân nhận trách nhiệm cắm biển tự quản bảo vệ, duy tu đoạn đường nội thôn nơi mình sinh sống. Tiêu biểu cho phong trào này là Chi hội nông dân thôn Quyết Tiến (xã Chi Khê) đã vận động các gia đình hội viên cùng nhau đóng góp ngày công, nguyên, vật liệu để xây dựng đường giao thông nông thôn. Đến nay, đường giao giao thông nông thôn đã khép kín bê tông, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa ra đồng sản xuất, phục vụ việc đi lại của bà con. Đặc biệt, sau mùa mưa lũ, bà con lại phát động nạo vét kênh mương, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, tạo mỹ quan, thông thoáng cho giao thông nội thôn; đào đắp cát, sỏi, duy tu lại đoạn đường bị hư hỏng do mưa lũ xói mòn.

Đồng thời, chi hội cũng đề ra quy định giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện ký cam kết với các gia đình hội viên không vứt rác ra đường, không lấn chiếm lòng, lề đường, không phơi rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp trên đường. Khi đường bị hư hỏng các gia đình có trách nhiệm tu sửa ngay, hàng ngày con em tổ chức vệ sinh đường làng sạch sẽ... Ông Vi Văn Bính – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Con Cuông cho biết: “Phong trào nông dân thi đua đảm nhận tự quản đường giao thông nông thôn không chỉ tác động tích cực đến nhận thức của người lớn, mà còn làm thay đổi nhận thức của trẻ em trong bảo quản đường và vệ sinh môi trường. Từ khi các con đường được gắn biển tự quản, tình hình vệ sinh môi trường ở nhiều thôn, bản ở các xã như Chi Khê, Lạng Khê, Châu Khê, Môn Sơn… được cải thiện rõ rệt, góp phần gắn kết, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, các hoạt động khác của các chi hội, của các xóm, bản cũng được triển khai thuận lợi hơn”.

Để phong trào đi vào thực chất

Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều đoạn đường, dù đã được các tổ chức đoàn thể đảm nhận, được gắn biển, nhưng sự tự quản vẫn phổ biến mang tính hình thức. Trên địa bàn các phường của TP. Vinh hiện nay, tình trạng vứt rác bừa bãi, lấn chiếm lề đường để kinh doanh… ngay trên những đoạn đường tự quản đó. Như ngõ số 25, đường Phan Sỹ Thục, dù đã được gắn biển “Đoạn đường thanh niên tự quản” và đã được công nhận “Ngõ phố văn minh”, nhưng ở ngõ phố này, các hộ dân thường xuyên vứt rác bừa bãi hay tập kết vật liệu xây dựng lấn chiếm lối đi; đường Hoàng Văn Tâm nằm trên địa bàn khối 10, phường Trường Thi là đoạn đường tự quản do Chi hội Phụ nữ khối 10 đảm nhận, nhưng bất cứ giờ nào trong ngày, trên đoạn đường này cũng có những túi rác phía trước cổng nhà dân. Cách đó không xa, ở đoạn đường An Dương Vương chạy qua địa bàn khối 15, phường Trường Thi, dù đã được gắn biển tự quản do chi hội khối quản lý, nhưng ngay phía sau tấm biển này là những hàng, quán ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè. Nhiều người dân cho biết, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng không thấy tổ chức đoàn thể nào nhắc nhở và những vi phạm đó chỉ bị xử lý khi có sự vào cuộc của công an hay thanh tra đô thị.

Không chỉ ở đô thị mà ngay ở các vùng nông thôn, nhiều đoạn đường tuy đã được gắn biển “tự quản” nhưng các đoàn thể chưa thực sự vào cuộc. Ông Nguyễn Thanh Tùng – Bí thư Chi bộ xóm Xuân Đồng, xã Nghi Đức (TP. Vinh), cho biết: “Trên địa bàn xóm có 3 đoạn đường tự quản do chi hội cựu chiến binh, chi hội phụ nữ và chi đoàn thanh niên đảm nhận với mục đích giữ gìn vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng các tổ chức đoàn thể của xóm chưa thực sự quan tâm đến việc tự quản đoạn đường do mình đảm nhận, dù trong các cuộc họp chi bộ, họp xóm, ban cán sự xóm đã nhiều lần nhắc nhở. Hàng ngày, các đoạn đường này vẫn còn tình trạng vứt rác bừa bãi, chỉ khi xóm phát động phong trào tổng vệ sinh môi trường hay trong những dịp lễ, Tết, kỷ niệm của địa phương… thì các tổ chức, đoàn thể mới đứng ra vận động người dân tham gia”.

Có thể nói, việc xây dựng đoạn đường tự quản là một cách làm cần thiết để đẩy mạnh phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường, trật tự đô thị, nhằm tăng cường ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi đoàn thể với các phong trào chung của địa phương… Tuy nhiên, để mô hình này, không rơi vào hình thức, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các tổ chức đoàn thể ở cơ sở. Việc lựa chọn đoạn đường để thực hiện tự quản cần có sự bàn bạc kỹ càng trong cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể để việc thực hiện đạt hiệu quả, tạo nên những điển hình có thể nhân rộng. Các tổ chức đoàn thể, khi đã đảm nhận đoạn đường tự quản theo các tiêu chí, cần tích cực tuyên truyền vận động cũng như giám sát, nhắc nhở người dân thực hiện tiêu chí đó để tạo thành một phong trào thực chất, bền vững, tránh chạy theo thành tích.

Bài, ảnh: Minh Quân

Mới nhất

x
Để mô hình "ĐOẠN ĐƯỜNG TỰ QUẢN" thêm thiết thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO