Để Nghị quyết 21-NQ/T.Ư vào cuộc sống

01/10/2013 18:26

(Baonghean) - Ngày 22/12/2012 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21 - NQ/T.Ư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) giai đoạn 2012 - 2020. Theo đó, cả nước phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trên 80% dân số tham gia BHYT. Để thực hiện mục tiêu trên, nghị quyết cũng đề ra 4 giải pháp cơ bản, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ BHXH, BHYT.

Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là hai chính sách xã hội trụ cột của Nhà nước đối với hệ thống an sinh xã hội, góp phần quan trọng vào sự tiến bộ, công bằng và phát triển xã hội. Tuy nhiên, những năm gần đây tình hình thực hiện BHXH và BHYT chưa đạt như mong muốn. Theo cơ quan chức năng, hiện nay trên cả nước mới chỉ khoảng 20% số lượng lao động tham gia BHXH và xấp xỉ 65% dân số tham gia BHYT. Cùng với tỷ lệ còn hạn chế đó, công tác quản lý cũng như việc thưc hiện hai loại hình bảo hiểm trên cũng chưa đạt yêu cầu. Tình trạng doanh nghiệp nợ, trốn tránh đóng BHXH, BHYT còn nhiều; Quỹ BHXH nhất là quỹ hưu trí có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần; tình trạng người lao động lạm dụng quỹ thất nghiệp xảy ra khá phổ biến.

Như tình trạng cả nước, ở Nghệ An, đến tháng 6/2013 này tỷ lệ tham gia BHXH chỉ đạt 12% lực lượng lao động, khoảng 67% dân số tham gia BHYT. Nếu so với 20% bình quân cả nước thì tỷ lệ người lao động tham gia BHXH ở tỉnh ta còn thua xa. Đã thế, tính đến đầu tháng 5/2013 còn có tới 671 cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị trên tổng số trên 6.000 cơ quan, đơn vị tham gia đóng BHXH đang nợ BHXH từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền gần 70 tỷ đồng. Trong đó, có không ít cơ quan, doanh nghiệp là những con nợ BHXH triền miên. Có không ít doanh nghiệp còn “thủ” luôn cả số tiền người lao động nộp 100% tiền BHXH.

Tình trạng nợ đọng BHXH không chỉ là điều nhức nhối trong ngành bảo hiểm mà còn làm ảnh hưởng không nhỏ đến an sinh xã hội trên địa bàn. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp còn không hoặc trốn tránh đóng BHYT làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi người lao động. Đồng thời, hiện tượng lạm dụng BHYT xem ra ngày càng tinh vi, phức tạp và đang có chiều hướng gia tăng ở các cơ sở khám, chữa bệnh.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng có thể thấy, các cấp, các ngành còn xem nhẹ hoặc chưa thật sự vào cuộc; nhất là trong khâu lãnh đạo, chỉ đạo, vận động, tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, thậm chí có nơi, có lúc còn khoán trắng cho cơ quan chuyên trách. Trong khi đó, thủ trưởng nhiều cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị tham gia đóng BHXH, người đứng đầu ở các cơ sở khám, chữa bệnh chấp hành không nghiêm túc pháp luật về BHXH, BHYT. Được biết, thời gian gần đây, Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An đã khởi kiện 25 cơ quan, doanh nghiệp nợ đọng BHXH ra tòa dân sự, nhưng xem ra việc thi hành án không là điều đơn giản với rất nhiều lý do. Trong đó có lý do, tài sản của hầu hết các đơn vị này đã thế chấp ngân hàng.

Với Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị cho thấy, Đảng, Nhà nước ta hết sức coi trọng chính sách BHXH, BHYT. Nghị quyết cũng đã kịp thời tiếp sức cho công tác BHXH, BHYT với những nội dung chỉ đạo cụ thể nhằm giải quyết những hạn chế trong việc thực hiện hai chính sách lớn trên.

Vấn đề còn lại là sự vào cuộc nghiêm túc, đầy trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cũng như của các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị và của toàn xã hội để đưa Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị vào cuộc sống. Và, dĩ nhiên cùng với sự vào cuộc trên, bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền vận động thì cũng cần cả chế tài pháp luật để răn đe những ai vi phạm Luật BHXH, Luật BHYT.

Việt Long

Để Nghị quyết 21-NQ/T.Ư vào cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO