Để người dân được uống cà phê thật, doanh nghiệp cần minh bạch
Trong 16,8 tỷ ly cà phê của người Việt uống mỗi năm, bao nhiêu là cà phê thật? Là quốc gia đứng thứ 2 về xuất khẩu cà phê nhưng người dân vẫn phập phồng lo lắng vì nguy cơ uống phải “cà phê bẩn”, “cà phê giả” hằng ngày.
Trong cuộc tọa đàm về “Cà phê bẩn - Thực trạng và giải pháp” tổ chức sáng 20-7-2016 tại TP Hồ Chí Minh, đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra, thống nhất ban hành các quy chuẩn để ngăn ngừa việc thiếu minh bạch, gian lận trong sản xuất, kinh doanh cà phê. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp minh bạch trong công bố thành phần nguyên liệu trên các sản phẩm cà phê.
Nhiều vấn đề đã được đặt ra trong buổi tọa đàm về cà phê. |
Cần một quy chế chuẩn và đồng nhất
Trong báo cáo khảo sát cà phê trên thị trường (từ tháng 5 đến 7-2016) tại một số tỉnh và thành phố do Vinastas công bố ngày 12-7-2016 cho thấy, 47,54% mẫu cà phê lấy từ cà phê bệt, quán nhỏ, xe đẩy, vỉa hè, căng tin bệnh viện, có hàm lượng caffeine rất thấp và 1/3 tổng số mẫu khảo sát có hàm lượng caffeine dưới 1g/lít. Thậm chí, có tới 9 mẫu cà phê bột và cà phê nước tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Sóc Trăng và Lâm Đồng hoàn toàn không có hàm lượng caffeine.
Tại buổi tọa đàm “Cà phê bẩn - Thực trạng và giải pháp”, hầu hết các cơ quan chức năng đều có phát biểu ghi nhận thực trạng cà phê không đạt chất lượng và cà phê không có caffeine, đang chiếm một thị phần không hề nhỏ trên thị trường cà phê trong nước. Tuy nhiên, để dẹp được vấn nạn cà phê “bẩn” đang lan tràn khắp các ngõ ngách từ thành phố đến nông thôn, mặc sức “đầu độc” người dân và gian lận thương mại... thì vấn đề đặt ra là phải tìm được một quy chuẩn về cà phê đồng nhất, tạo điều kiện để các cơ quan, ban, ngành cùng phối hợp thực hiện, giám sát.
Đại diện Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49B) - Bộ Công an cho biết, Bộ Công thương là cơ quan xử lý vấn đề mua bán hóa chất và quy định về việc mua bán, vận chuyển và sử dụng hóa chất trong chế biến cà phê đã được đặt ra khá đầy đủ. Nên vấn đề không phải chúng ta thiếu văn bản quản lý mà là thực tế sử dụng hóa chất như thế nào. Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng phòng Kiểm soát chất lượng hàng hóa, Cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương, các văn bản đã quy định rất chi tiết về giấy phép xuất nhập khẩu và quản lý hóa chất nói chung, hóa chất làm phụ gia thực phẩm nói riêng. Tuy nhiên, thực tế quản lý việc sử dụng hóa chất làm phụ gia thực phẩm, cà phê là trách nhiệm của Cục ATVSTP, Bộ Y tế.
Vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Long, Cục phó Cục ATVSTP, Bộ Y tế nhấn mạnh: Thực tế, theo quy định của Cục ATVSTP thì các sản phẩm chế biến bao gói sẵn phải có ghi chú công bố thành phần. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cần có phiếu kiểm nghiệm và hồ sơ xác nhận phù hợp tiêu chuẩn để được công nhận. Tuy nhiên, để hoàn thành các thủ tục này cần có một quy chuẩn chung về chất lượng, thành phần. Trên thực tế, cà phê là nhóm sản phẩm chưa có quy chuẩn. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị chịu trách nhiệm về ngành hàng cà phê. Vậy việc tìm một quy chuẩn về chất lượng các sản phẩm cà phê đồng nhất hay quy định pháp lý để các cơ quan chức năng cùng dễ dàng phối hợp là điều phải làm.
Doanh nghiệp cà phê nói gì?
Tại buổi tọa đàm, khi được mời chia sẻ về thành phần cà phê thực tế của doanh nghiệp với khách hàng, đại diện của thương hiệu cà phê Mê Trang khẳng định: “Tôi có thể nói các sản phẩm giá thấp bắt buộc phải trộn, nhưng trộn như thế nào thì tất nhiên mình phải minh bạch công bố trên bao bì và phải định nghĩa thế nào là bẩn”.
Đại diện của Nescafe, thương hiệu thuộc Nestle Việt Nam nhấn mạnh rằng doanh nghiệp mình có quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm gắt gao, bao gồm cả việc “nếm” cà phê và có mẫu lưu đối chứng. Tuy nhiên, khi được hỏi Nescafe là nguyên chất hay pha trộn thì vị đại diện này xác nhận là có pha trộn đậu nành tùy theo nhóm sản phẩm nhưng từ chối công bố hàm lượng.
Cần có sự minh bạch thành phần
Trong khi các cơ quan chức năng còn đang “vướng víu” phân chia trách nhiệm quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh cà phê kém chất lượng, cà phê "bẩn” thì doanh nghiệp vẫn cứ thoải mái lập lờ về thành phần trên nhãn mác. Người tiêu dùng thì bỏ tiền ra cho món đồ uống khoái khẩu mỗi ngày là cà phê, song lại phải "đánh cược" sức khỏe của mình khi không thể chắc chắn là cà phê hay chỉ là đậu nành rang cháy, thêm tinh chất cà phê, hoặc thậm chí là được pha hoàn toàn từ... hóa chất không nguồn gốc. Thói quen tạo ra nhu cầu, và có cầu ắt có cung. Bất chấp thủ đoạn cùng các nguy cơ tổn hại sức khỏe người tiêu dùng, không ít các cơ sở sản xuất, kinh doanh cà phê vì lợi nhuận mà sẵn sàng cho ra thị trường nhiều loại cà phê kém chất lượng và nguy hiểm với sức khỏe cộng đồng.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh: “Đừng treo đầu dê bán thịt chó. Việc thiếu minh bạch trong công bố thành phần cà phê chính là hành vi gian lận thương mại, có sự chủ động trong việc “đầu độc” người tiêu dùng và cần được xử lý nghiêm minh. Cần có những chế tài rõ ràng và hình thức phạt tiền nặng, rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn, nhằm phòng, chống tái phạm”. Còn ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nhấn mạnh: “Việc công bố thành phần cà phê là thiết yếu, không liên quan đến bí quyết sản xuất kinh doanh và đó là quyền được biết của người tiêu dùng”.
Về phần mình, đại diện của Vinastas, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký cũng kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê cần có sự chủ động trong việc minh bạch thành phần cà phê, để làm gương và thể hiện cam kết của mình với sức khỏe của người tiêu dùng.
Theo Hà Nội Mới
TIN LIÊN QUAN |
---|