Để người già sống vui, sống khỏe

01/10/2014 14:28

(Baonghean) - Cha ông ta có câu “Kính già, già để tuổi cho”, đây cũng là truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc. Phát huy truyền thống đó, những năm qua, công tác chăm sóc người cao tuổi (NCT) luôn được các cấp, các ngành ở tỉnh ta chú trọng, nhờ đó đời sống của NCT đã được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần, thể hiện được đạo lý dân tộc, góp phần giáo dục đạo đức xã hội...

Cấp phát thuốc miễn phí cho người cao tuổi xã Nghĩa Thọ, Nghĩa Phú (Nghĩa Đàn).
Cấp phát thuốc miễn phí cho người cao tuổi xã Nghĩa Thọ, Nghĩa Phú (Nghĩa Đàn).

Gia đình bà Trần Thị Vân (61 tuổi) trước đây là một hộ nghèo ở xóm 7, xã Thanh Văn (Thanh Chương). Chồng mất, bà một mình gồng gánh nuôi 3 người con đang học đại học, cao đẳng. Tham gia CLB "Liên thế hệ tự giúp nhau", tháng 2/2013, bà được vay 5 triệu đồng góp thêm để mua 2 con lợn sinh sản với số tiền 6 triệu đồng; đến tháng 6 gia đình bán 16 con lợn con được 4 triệu đồng, hiện tại còn 2 con lợn sinh sản. Bà Vân cho biết: “Được sự quan tâm của Hội NCT các cấp và nhờ tham gia CLB, gia đình được hỗ trợ về vật chất và tinh thần, được truyền đạt nhiều kiến thức về NCT, và nhất là kinh nghiệm về chăn nuôi, sản xuất. Nhờ đó, tôi có thể tham gia lao động có thêm thu nhập, phấn đấu vươn lên thoát nghèo”. Còn ở xóm 10, xã Xuân Lâm (Nam Đàn), gia đình bà Bùi Thị Lý (76 tuổi) trước đây là một trong những hộ nghèo, vừa thiếu vốn sản xuất, chăn nuôi, vừa không có việc làm ổn định. Sau khi tham gia CLB “Liên thế hệ tự giúp nhau”, đầu năm 2013, bà Lý được vay 3 triệu đồng, góp vốn với con để mua trâu sinh sản về nuôi. Đến nay, mỗi tháng gia đình bà có thu nhập từ chăn nuôi gần 3 triệu đồng...

Là 1 trong 4 tỉnh triển khai Dự án VIE022 về “Thúc đẩy quyền của NCT thiệt thòi ở Việt Nam’’ từ tháng 10/2010, đến nay, mô hình CLB “Liên thế hệ tự giúp nhau” đã hỗ trợ NCT nghèo vươn lên tăng thu nhập, thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Điểm nổi bật của CLB là tính chất liên thế hệ và tự giúp nhau, nhằm phát huy tối đa sức mạnh của NCT trong xóa đói, giảm nghèo, tăng cường đoàn kết, tương thân, tương ái, tình làng, nghĩa xóm. Đến nay, toàn tỉnh duy trì, nhân rộng 104 CLB ở 11 huyện, thu hút trên 5.000 thành viên tham gia, trong đó có 70% là hội viên NCT. Các CLB đã giải ngân trên 8,04 tỷ đồng cho 2.403 hội viên vay vốn xóa đói, giảm nghèo. Đặc biệt, các CLB đã vận động 589 thành viên làm tình nguyện viên và đã giúp đỡ 323 NCT, trong đó có 129 NCT bị ốm đau nhưng không có người nuôi dưỡng. Tùy vào hoàn cảnh riêng của từng đối tượng, mà các tình nguyện viên có cách chăm sóc, giúp đỡ khác nhau. Nếu NCT còn khỏe, thì tình nguyện viên tới trò chuyện, hỗ trợ một số công việc nội trợ hằng ngày trong gia đình. Các đối tượng có bệnh thì thường xuyên chăm sóc, giúp nấu ăn, giặt giũ, hoặc đưa đi khám bệnh. Chị Nguyễn Thị Diệp – tình nguyện viên của CLB “Liên thế hệ tự giúp nhau” số 20, xã Thanh Văn (Thanh Chương) tâm sự: “Hiện tại, tôi cùng các tình nguyện viên trong nhóm của mình đã nhận chăm sóc cho 8 hoàn cảnh NCT neo đơn ở địa phương. Chỉ bằng các việc làm nhỏ như giúp các cụ đi chợ mua đồ ăn, dọn dẹp nhà cửa, trò chuyện cùng các cụ, mỗi khi các cụ bị bệnh thì chở các cụ ra Trạm Y tế xã để thăm khám, nấu ăn và giúp các cụ uống thuốc. Thấy các cụ sống vui, tôi rất hài lòng với công việc của mình”.

Cùng với mô hình CLB “Liên thế hệ tự giúp nhau”, mô hình “Tư vấn và chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng” do chi cục Dân số - KHHGĐ triển khai từ năm 2011 cũng đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác chăm sóc NCT. Từ 6 xã ban đầu, đến nay mô hình đã được triển khai và duy trì hoạt động tại 10 xã của 3 huyện gồm Thanh Chương, Anh Sơn, Nghĩa Đàn. Điểm nhấn của mô hình là hoạt động câu lạc bộ “Người cao tuổi giúp người cao tuổi”, được thành lập tại các xã, đến nay đã có 20 câu lạc bộ với hơn 1.600 thành viên tham gia. Mỗi tháng các câu lạc bộ sinh hoạt một lần, với nội dung, hình thức phong phú như: Tọa đàm, thảo luận, cung cấp kiến thức liên quan đến chính sách DS-KHHGĐ, chăm sóc NCT;... Bên cạnh đó, 113 tình nguyện viên của mô hình được tập huấn, trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng cần thiết để thực hiện nhiệm vụ tư vấn và chăm sóc NCT định kỳ tại gia đình. Các đội tình nguyện viên thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về tình trạng sức khỏe của NCT, các hoạt động chăm sóc để báo cáo về trạm y tế. Cụ Lương Văn Thắng, dân tộc Thanh, xóm Trống, xã Nghĩa Thọ chia sẻ: “Từ năm 2012 đến nay, CLB “Người cao tuổi giúp người cao tuổi” của xóm thu hút hơn 100 cụ tham gia. Tại đây, chúng tôi được các y, bác sỹ Trạm Y tế xã, các tình nguyện viên hướng dẫn cách phát hiện bệnh người già thường mắc phải; được đo huyết áp, nhịp tim và kiểm tra các chỉ số đường huyết. Chúng tôi thấy hoạt động của CLB thiết thực lắm!”.

Ngoài ra, Chi cục DS-KHHGĐ còn phối hợp với Bệnh viện Y học cổ truyền và Hội NCT tỉnh tổ chức các lớp tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng tư vấn và chăm sóc NCT cho 930 lượt cán bộ là cán bộ Dân số-KHHGĐ, Hội NCT cấp huyện, cán bộ chuyên trách, trạm y tế cấp xã và tình nguyện viên tại thôn, xóm. Bên cạnh đó, hàng năm, Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh tổ chức các đợt khám, tư vấn về chăm sóc sức khỏe cho NCT nhằm giúp họ nhận biết được tình trạng sức khỏe, cách điều trị, đồng thời cung cấp các kiến thức về chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý ở VNCT. Cụ Nguyễn Xuân Hoạt – Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Thanh Liên cho biết: “Xã có gần 1.300 NCT và có đến gần 250 cụ không có bảo hiểm y tế. Vào mỗi đợt khám, Hội Người cao tuổi xã giao nhiệm vụ cho các chi hội trưởng rà soát, lựa chọn đối tượng phải đảm bảo là NCT không có bảo hiểm y tế và ưu tiên những cụ có hoàn cảnh khó khăn, làm việc với gia đình bố trí con cháu chở các cụ đi khám đảm bảo an toàn, đúng thời gian, đồng thời phối hợp với chuyên trách dân số xã tổ chức truyền thông về kiến thức sức khỏe NCT trên hệ thống loa phát thanh của xã. Được quan tâm, chăm sóc, các cụ phấn khởi lắm”.

Ông Trần Hữu Ích – Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh cho biết: “Cùng với hoạt động của các dự án, mô hình, những năm gần đây, Hội Người cao tuổi các cấp cũng chú trọng thành lập các câu lạc bộ thể dục thể thao và văn hóa, văn nghệ dành cho NCT, giúp NCT có điều kiện được rèn luyện sức khỏe, thoải mái tinh thần. Đến nay, toàn tỉnh có 3.783 CLB, trong đó có khoảng 2.000 CLB TDTT, còn lại là các CLB thơ, văn hóa, văn nghệ, thời sự chính sách… Các CLB đã đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe, đời sống tình thần NCT, góp phần đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”. Ngoài ra, hàng năm, hội NCT các cấp đã chủ động phối hợp với ngành LĐ-TB&XH thống kê NCT là đối tượng chính sách, NCT nghèo, NCT đủ điều kiện hưởng BHXH và chúc thọ, mừng thọ. Từ năm 2012 đến nay, đã có 114.536 lượt NCT được thăm hỏi, tặng quà, 214.588 cụ được chúc thọ, mừng thọ theo quy định của Luật NCT. Ngoài ra, còn phối hợp tổ chức cấp thẻ BHYT cho 235.630 cụ, đạt tỷ lệ 67,4 %; phối hợp tổ chức khám bệnh, lập hồ sơ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho 228.994 cụ, đạt tỷ lệ 70%; thực hiện Chương trình “Mắt sáng cho NCT”, khám mắt miễn phí cho 141.698 cụ, chữa mắt miễn phí cho 20.919 cụ NCT… Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò NCT xã đã lập được ở 458 xã, đạt 95,4% số xã. Nhờ những biện pháp chăm sóc thiết thực đó, hàng năm, số NCT nghèo giảm từ 7-8%; hàng năm có hơn 210.00 gia đình NCT (chiếm 85%) đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa; có hơn 20.300 NCT làm kinh tế giỏi các cấp…”.

Minh Quân

Mới nhất

x
Để người già sống vui, sống khỏe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO