Để người tiêu dùng biết chọn lựa nước mắm sạch

09/10/2012 16:48

(Baonghean) Thời gian gần đây, dư luận xôn xao vì thông tin nước mắm Hải Ngư của Miwon bị đóng cặn hơn 100 tấn đã lưu thông trên thị trường; hay nước mắm Nam Ngư Đệ nhất, Đệ Nhị chứa hợp chất HT 155 gây dị ứng cho người bị hen suyễn... Thế nhưng tại địa bàn tỉnh ta, những loại nước mắm này lại đang được người tiêu dùng ưa chuộng...

Phân vân về chất lượng

Lâu nay trên sóng truyền hình, thị phần quảng cáo cho những hãng nước mắm Miwon, Nam ngư Đệ nhất, Đệ nhị hay chinsu chiếm phần lớn; với nội dung quảng cáo: Được sản xuất theo công nghệ hiện đại, sạch với 3 màng siêu lọc, loại trừ mọi vi khuẩn gây hại… giá cả lại phải chăng, phù hợp với túi tiền mọi nhà.

Việc 100 tấn nước mắm Hải Ngư của Miwon bị đóng cặn được nhà sản xuất giải thích là do dùng muối nội nên mới có hiện tượng kết tủa muối dưới đáy chai. Nhưng trao đổi với PV, anh Lê Anh Tường - Trưởng phòng quản lý chất lượng Nông lâm thủy hải sản và muối- Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản lại cho biết: “Nếu một chai nước mắm để lâu sinh ra kết tủa ở đáy chai phải là những loại nước mắm có độ đạm cao, nếu một chai nước mắm chỉ đạt độ đạm 2,5 thôi thì chất kết tủa không thể là muối”.



Nước mắm Vạn Phần bày bán ở siêu thị Intimex.

Còn theo ông Dương Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thì: “Để được gọi là nước mắm, trong 1 chai nước mắm 900ml ít nhất phải đạt 10 độ đạm. Đa số nước mắm trên thị trường đều là nước mắm công nghiệp, độ đạm không đảm bảo”. Tuy nhiên, 1 chai nước mắm Nam Ngư 900ml chỉ chứa 2,56 độ đạm, Chinsu chứa 2,5 độ đạm... vẫn bán “chạy” và chiếm thị phần lớn trên các quầy hàng lớn nhỏ, trong các chợ, các điểm kinh doanh và trong các siêu thị. Trên nhãn của chai nước mắm, độ đạm tổng số bao giờ cũng là chỉ số dễ nhìn thấy nhất. Theo quy định hiện hành, dù độ đạm cao hay thấp thì nhà sản xuất đều phải ghi rõ ràng trên nhãn. Khi được hỏi về cách nhận biết một chai nước mắm ngon, một tiểu thương lâu năm ở chợ Vinh cho hay: “Nước mắm ngon có màu cánh gián, dùng lâu ngày không bị đổi màu, không có mùi. Hiện nay khách hàng ưa chuộng những sản phẩm nước mắm được quảng cáo nhiều trên phương tiện thông tin đại chúng cũng một phần vì giá cả rất phải chăng, hơn nữa nấu, chấm đều được...”.

Về vấn đề này, anh Lê Anh Tường cho biết thêm: “Một chai nước mắm có độ đạm từ 32-38 độ có giá 45.000 - 60.000 đồng tùy hãng được cho là cao, nhưng nếu so sánh với những chai nước mắm có độ đạm chỉ đạt 2,5 có giá từ 14.000 - 30.000 thì lại rẻ, bởi giá trị về chất lượng so với giá tiền của những chai nước mắm có độ đạm thấp này thực tế lại cao”. Độ đạm trong một chai nước mắm nếu đạt tiêu chuẩn chỉ từ 30-38 độ, nếu những chai nước mắm hảo hạng nào đó có độ đạm cao tới 50-70 thì đều phải nhờ tới hóa chất.

Anh Tường còn cho biết, nếu nước mắm có độ đạm đạt trên 50 độ là những loại nước mắm đã được cô đặc, giá thành sẽ rất cao, những loại nước mắm đóng chai thông thường rất khó đạt được tới chỉ số này. Tại sạp hàng nước mắm ở các siêu thị có những chai nước mắm có độ đạm 50 độ như Hạnh Phúc với quảng cáo được chiết xuất từ cá ngừ, cá chim trắng... Thực tế để sản xuất 1 lít nước mắm loại cá này cần tới 4kg cá; vì vậy, giá sẽ lên tới vài trăm nghìn đồng/lít. Trong khi những loại nước mắm này được bán trên thị trường giá chỉ có 50.000 đồng/lít. Điều bất cập này người tiêu dùng không hẳn đã thấy được.

Nước mắm truyền thống và bài toán thị trường

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 100 cơ sở sản xuất nước mắm bao gồm các công ty cổ phần, HTX, làng nghề. Đáng chú ý, Công ty CP Vạn Phần với hệ thống quản lý chất lượng ISO 220000 – 2005 đã xuất 100.000 lít sang thị trường Malaixia và thị trường ngoài tỉnh. Công ty CP Cửa Hội được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản hỗ trợ quản lý chất lượng HACCP (là hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát giới hạn) được Văn phòng Chứng nhận chất lượng-BQC chứng nhận về ATTP và độ ngon của sản phẩm; nước mắm Cửa Hội có hệ thống “chân rết”, các quầy hàng di động như ở Hưng Chính. Các làng nghề ở Quỳnh Dị (Quỳnh Lưu), Diễn Bích (Diễn Châu) với những thương hiệu như Cương Ngần, Hùng Lâm... đang được một bộ phận người tiêu dùng ưa chuộng...

Nhưng, dù là sản phẩm có chất lượng, tại sao những đầu mối như chợ Vinh lại không hề có lấy một chai nước mắm nội tỉnh?

Là người tâm huyết và trăn trở với nước mắm truyền thống tỉnh nhà, anh Nguyễn Thái Tuấn - chuyên viên phòng thanh tra - Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết: “Tuy quá trình chế biến và sản xuất của các hãng nước mắm nội tỉnh được tuân thủ đúng và đủ về VSATTP và luôn được ngành chức năng giám sát kiểm tra ngặt nghèo, nhưng đầu ra còn hạn chế. Một phần vì người tiêu dùng chưa thực sự phân biệt được đâu là nước mắm truyền thống, đâu là nước mắm công nghiệp. Một lít nước mắm cá cơm có giá thành tại nơi sản xuất đã 60.000 đồng, chưa kể khâu đóng gói, vậy mà với 900ml nước mắm công nghiệp trên thị trường được quảng cáo là siêu sạch không chứa hóa chất, chiết xuất từ những loại cá đặc sản lại có giá 12.000 – 35.000 đồng. Phần nữa, công tác quảng bá sản phẩm nước mắm truyền thống cũng chưa đến được với người tiêu dùng”.

Theo phương thức cổ truyền, để có một chai nước mắm đạt 32 độ đạm, cần quy trình sản xuất từ 25% muối trong 1kg cá, qua quá trình gài nén, phơi nắng từ 1-2 năm. Chất lượng của một chai nước mắm truyền thống đã rõ, nhưng vì sao nó chưa đến được với đông đảo người tiêu dùng, thì câu trả lời ở chính những nhà sản xuất và trách nhiệm của ngành chức năng.

Anh Lê Anh Tường còn cho hay, trong những lần thanh kiểm tra, ngành đã lồng ghép tư vấn, quảng bá những hãng nước mắm nội tỉnh cho những siêu thị trên địa bàn thành phố. So với 2- 3 năm trước đây, thị phần nước mắm nội tỉnh đã phần nào được cải thiện. Nhưng dù sao cũng rất cần những chiến lược cụ thể của chính nhà sản xuất và cả sự thông thái của người tiêu dùng.


Thanh Nga

Mới nhất
x
Để người tiêu dùng biết chọn lựa nước mắm sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO