Đệ nhất ái nữ bị quản thúc của Tổng thống Uzbekistan

08/09/2016 10:43

Việc Tổng thống Uzbekistan đột ngột qua đời khiến dư luận càng chú ý tới cô con gái dính líu vào bê bối tham nhũng, bị quản thúc tại gia theo lệnh của chính cha mình.

de-nhat-ai-nu-bi-quan-thuc-cua-tong-thong-uzbekistan

Gulnara Karimova, con gái của Tổng thống Uzbekistan vừa qua đời, Islam Karimov. Ảnh: eurasianbusinessbriefing.

Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov hôm 2/9 qua đời sau khi bị đột quỵ, hưởng thọ 78 tuổi. Chủ tịch Thượng viện Uzbekistan Nigmatilla Yuldashev hiện là quyền tổng thống.

Con gái lớn của ông Karimov là Gulnara Karimova, 42 tuổi, đã trở thành tâm điểm của dư luận quốc tế năm 2014, khi bà được cho là bị quản thúc tại gia, theo lệnh của chính cha mình. Những đoạn ghi âm bí mật mà kênh BBC có được và đăng tải khi đó cho thấy bà Karimova từ chỗ là một trong những gương mặt nổi bật nhất trước công chúng, trở thành "tù nhân" nổi tiếng nhất Uzbekistan.

Trong đoạn ghi âm bí mật được chuyển ra nước ngoài trong một chiếc USB, bà Karimova nói: "Chúng tôi cần được trợ giúp y tế". Bà khẳng định "không ai trả lời vì sao chúng tôi bị giữ trong nhà", và bà dường như đặc biệt lo lắng cho con gái mình là Iman, do cô bé bị bệnh tim.

de-nhat-ai-nu-bi-quan-thuc-cua-tong-thong-uzbekistan-1

Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov qua đời hôm 2/9. Ảnh: Reuters.

'Công chúa Uzbekistan'

Theo các bức điện ngoại giao bí mật của Mỹ năm 2008, do trang Wikileaks tiết lộ, bà Karimova từng là cô con gái được cha mình yêu quý, và thường được gọi là "công chúa Uzbekistan". Sau khi tốt nghiệp đại học Harvard tháng 6/2000, bà trở thành cố vấn cho một vài quan chức ngoại giao, trước khi được bổ nhiệm vào vị trí thứ trưởng ngoại giao.

Trong một bức điện ngoại giao khác của Mỹ năm 2005, bà Karimova bị mô tả là "người bị ghét nhất" Uzbekistan. Theo bức điện, bà bị xem là người tham lam, thèm khát quyền lực và thích sử dụng quyền lực của cha để trục lợi về tài chính.

Bản phân tích ngoại giao còn kết luận rằng các chiến dịch truyền thông "tìm cách đề cao ưu điểm và lòng vị tha của bà Karimova có khả năng là một phần của chiến lược lớn hơn nhằm cải thiện hình ảnh của Đệ nhất ái nữ".

Một hồ sơ khác từ năm 2010 chỉ ra rằng, tại thời điểm đó, bà Karimova được tin là người sở hữu tập đoàn lớn nhất Uzbekistan, mà bà này sử dụng "để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh riêng của mình". Nhưng cũng kể từ đây, tình hình bắt đầu xấu đi.

Khi tập đoàn này bất ngờ đóng cửa năm 2010, bà Karimova trở thành đại sứ tại Tây Ban Nha, và đại diện của Uzbekistan tại Liên hợp quốc. Cùng lúc đó bà đã thành công khi bước chân vào làng giải trí. John Colombo, nhà sản xuất một trong những video ca nhạc của Karimova, nói với BBC rằng ái nữ của tổng thống Uzbekistan như thể nắm cả đất nước trong tay. "Cô ấy có mặt ở khắp mọi nơi", Colombo nói.

Video ca nhạc có tên How Dare của Karimova

Thế nhưng, những video ca nhạc hoành tráng, cuốn hút cũng không thể thuyết phục những người chỉ trích Karimova. Tại một buổi trình diễn ở New York để quảng bá thương hiệu của Karimova năm 2011, những người biểu tình đã kéo đến để yêu cầu chấm dứt nạn sử dụng lao động trẻ em tại quốc gia Trung Á này. Cuối cùng, ban tổ chức New York Fashion Week đã quyết định hủy chương trình biểu diễn.

Năm 2011, hãng thông tấn AP chỉ trích bà Karimova là: "Nữ hoàng quyến rũ. Nhà ngoại giao quốc tế. Kẻ bóc lột người nghèo".

Bê bối tham nhũng

Năm 2013, bà Karimova bị cuốn vào một vụ bê bối tham nhũng lớn tại Thụy Điển. Các phóng viên nói rằng tập đoàn truyền thông TeliaSonera đã hối lộ các quan chức Uzbekistan để được gia nhập thị trường viễn thông di động nước này.

Bất chấp những phản bác từ TeliaSonera, cơ quan công tố đã điều tra và xác định rằng khoản tiền này được chuyển đến Karimova. Vụ bê bối được cho là đã khiến bà mất đi sự ủng hộ và tin cậy của cha mình

Tháng 3/2014, Karimova phải đối mặt với một vụ điều tra khác liên quan đến rửa tiền tại Thụy Sĩ, nhưng được tin là đã bị quản thúc tại gia từ trước đó.

Đế chế kinh doanh của người phụ nữ này nhanh chóng sụp đổ, khi các quỹ từ thiện và đài truyền hình bị đóng cửa. Cũng chịu chung số phận là các cửa hàng đồ xa xỉ và trang sức do bà sáng lập. Dù tài khoản Twitter bị khóa, bà Karimova vẫn lên tiếng mạnh mẽ trên các mạng xã hội, gọi những vụ đóng cửa cơ sở kinh doanh của mình "là hành động tấn công nghiêm trọng nhằm vào các tổ chức dân sự nói riêng, và toàn xã hội nói chung".

Chỉ trong vòng 6 năm, Karimova đã từ một thứ trưởng ngoại giao trở thành chủ sở hữu danh tiếng của tập đoàn lớn nhất Uzbekistan. Sau thời gian làm việc trong bí mật, người phụ nữ này trở thành gương mặt nổi bật nhất, và là giọng nói của quốc gia. Nhưng cuối cùng, bà lại trở thành một trong những người chỉ trích chính phủ mạnh mẽ nhất.

Một số bức ảnh được cung cấp cho Washington Post năm 2014 cho thấy bà cãi vã với các nhân viên canh gác trong thời gian bị quản thúc.

Những cuộc cãi vã như vậy "xảy ra thường xuyên, bất cứ khi nào bà ấy tìm cách bước ra khỏi cửa, để hít thở không khí hoặc nhìn xem có ai ở quanh đó không, và nhất là khi bà ấy muốn có thêm thực phẩm", người phát ngôn của bà Karimova nói.

Giờ đây, sau khi ông Karimov qua đời, số phận của bà Karimova sẽ càng trở thành tâm điểm chú ý.

de-nhat-ai-nu-bi-quan-thuc-cua-tong-thong-uzbekistan-2

Bức ảnh cho thấy bà Karimova tranh cãi với các nhân viên quản thúc. Ảnh: Washington Post.



Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Đệ nhất ái nữ bị quản thúc của Tổng thống Uzbekistan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO