Dễ nhớ một tên đường

23/09/2013 11:13

(Baonghean) - Mấy ai nhớ mãi một tên đường nếu như không phải là người của phố ấy hay đang ngày ngày làm việc, học tập ở đó? Nhưng có những người dù thưa ngày trở lại vẫn thuộc nằm lòng tên phố này chỉ bởi từng yêu, gắn bó với một nếp nhà, một bóng cây hay lối nhỏ của xa lắc hoang sơ ngày phố chưa là... phố! Phố Lê Duẩn (TP. Vinh) bây giờ thường gợi nhớ qua những hoài niệm như thế...

Nói đâu xa, thời còn là Thị xã Vinh đầu những năm 60 thế kỷ trước, đường Lê Duẩn bây giờ chỉ là một đoạn Quốc lộ 1A chạy qua mà thôi. Không vỉa hè, lề đường chi hết, lối đường nhựa lồi lõm chạy suốt giữa những trảng cát loam ngoam cỏ dại, những mảnh ruộng và lơ thơ những nhà dân nứa lá. Năm tháng đạn bom tơi bời, bộ đội hành quân đợi giờ qua phà Bến Thủy, ước ao mà chắc chi có nổi một tán cây xanh che mát phút dừng chân...

Kỳ diệu thay, trong khung cảnh hoang tàn đó hiện diện một công trình Nhà hát nhân dân Vinh. ở đó thường xuyên vang lên “tiếng hát át tiếng bom” trong các đêm diễn của văn công, các đội văn nghệ; đây cũng là bãi chiếu bóng phục vụ nhân dân vào các tối thứ Bảy của các đội chiếu bóng lưu động. Nhà hát giống như kiến trúc sân bóng đá Vinh bây giờ, được xây dựng từ cuối những năm 1950 và sau này phải giải tỏa nhường chỗ cho những dự định xây dựng mới, và bây giờ là nơi tọa lạc khu siêu thị Intimex đánh số 343 điểm đầu bên mặt Nam phố Lê Duẩn...

Bà hàng nước chè mái tóc điểm bạc ngồi lạc lõng bên mặt Bắc của đường, ngay chỗ khớp hàng rào Khách sạn Phương Đông “ăn” mặt tiền phố Trường Thi, là cư dân phố Vinh từ mấy mươi năm trước, chợt như trẻ lại khi nhắc nhớ về những năm 70, 80 đêm đêm ra Nhà hát xem các vở diễn của đoàn Cải lương Trung ương, các đoàn cải lương Chuông Vàng, Kim Phụng. Phố xá ban ngày đi từ Bến Thủy lên tận Cầu Rầm đều quang quẻ thế, mà đêm đến nêm chân nam thanh nữ tú, người già con trẻ từ các ngả phố đổ về Nhà hát nhân dân đắm đuối nghe các nghệ sỹ như Ái Liên, Lê Thọ, Tiêu Lang... đổ câu vọng cổ trong các vở diễn nổi tiếng như “Hai dòng sữa mẹ”, “Thời con gái đã xa”...



Toàn cảnh đường Lê Duẩn.

Theo tác giả Dương Văn Kỳ trong “Vinh – Thành phố tuổi thơ tôi” (VHNA – 2012) thì những năm 1960 “gần như đối diện với Nhà hát nhân dân là một vùng đất rộng mênh mông hoang vu với cỏ dại và cây bụi um tùm. Nơi đây nghe nói ngày xưa là khu trường thi của xứ Nghệ và các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Quảng Bình có từ thời nhà Trần. Thời nhà Nguyễn, Trường Thi này đã lấy đỗ được những cử nhân xuất sắc như Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu là những danh nhân mà cả nước đều biết. Chế độ khoa cử kết thúc, người Pháp xây dựng trên mảnh đất này một nhà máy xe lửa lớn nhất nhì Đông Dương với hàng ngàn công nhân. Cùng với nó là nhà máy gỗ, nhà máy diêm… tất cả đã tạo ra nền móng công nghiệp đầu tiên cho Vinh. Bây giờ nếu đi sâu vào trong người ta chỉ còn thấy đây đó những bánh xe lửa nặng nề, thậm chí cả một vài cái nồi hơi nước han rỉ nằm lăn lóc trong cỏ dại…”.

Thành phố quê hương vừa ngưng tiếng bom sau Hiệp định Paris 1973, đã lập tức xôn xao người trở về hồi sinh sự sống. Khu vực Trường Thi xưa bắt đầu mọc lên những khu nhà cấp bốn của Trường Đại học Sư phạm Vinh, trường đại học đầu tiên của xứ Nghệ được thành lập từ năm 1959, là trường đại học tiền tuyến của miền Bắc xã hội chủ nghĩa và là trường đại học lớn thứ hai của cả nước (sau hệ thống Đại học Quốc gia). Những cựu sinh viên Đại học Vinh năm ấy, tự hào về trường nay, phố nay là từ những hoài niệm học tập, rèn luyện trong gian khó nhưng đầy ước mơ hoài bão. Ấy là những đêm mất điện miệt mài trang sách đến cạn đèn dầu, những chiều bầu bạn thả bước bên con phố bắt đầu thấp thoáng những công trình mới của Bộ Tư lệnh Quân Khu 4, Bảo tàng Quân khu, các khu tập thể... dần làm khuất lấp và biến mất những lò nung vôi thủ công, các gian hàng mậu dịch, hợp tác xã vận tải xe ngựa, ba gác... Lác đác quán tranh bán bánh chưng, chè xanh, kẹo lạc ngày ấy chính là nơi bây giờ tập trung đông đảo các “quán gió” trên vỉa hè phục vụ sinh viên ở mút cuối mặt Bắc phố Lê Duẩn, ngã tư Đại học Vinh.


Một góc ngã tư Đại học Vinh phía đường Lê Duẩn.

Đường Lê Duẩn của TP. Vinh nay có lẽ là một tuyến phố độc đáo, vì cả hai mặt phố đều không có đánh số thứ tự từ 1; lại cũng không theo quy củ đánh số bắt đầu từ hướng trung tâm thành phố (thường được lấy mốc số 0 ở Chợ Vinh) ra, mà là từ hướng Bến Thủy vào. Ấy là bởi đường Lê Duẩn được phân khúc từ đường Nguyễn Du từ năm 1997, đổi tên đường nhưng thứ tự số nhà vẫn giữ nguyên. Bắt đầu tính từ số nhà bên lẻ là 187, bên chẵn 182 chỗ ngã tư Đại học Vinh cho lên đến vòng xuyến trước Khách sạn Phương Đông (nối với đường Trần Phú và giao nhau đường Trường Thi) với số cuối 343 thuộc phường Trung Đô và số 187 mặt Bắc thuộc phường Trường Thi.

Phố nay tấp nập đường hai chiều, sầm uất bán mua. Trải dài gần suốt mặt Bắc là hàng rào các công trình của Đại học Vinh, luôn nhộn nhịp, trái ngược với phía bên kia là Bộ Tư lệnh Quân khu 4 luôn giữ được vẻ yên tĩnh. Mặt phố phía Nam có nhiều công sở và cơ sở đào tạo gồm trường học các cấp của phường Trung Đô và các trường dạy nghề. Nếu như Bảo tàng Quân khu 4 và Nhà Văn hóa Quân khu là những quần thể điểm nhấn lịch sử - văn hóa mặt Nam phố, thì Trung tâm thông tin – Thư viện Đại học Vinh mang tên Giáo sư Nguyễn Thúc Hào hậu duệ của dòng họ nhà nho Nguyễn Thúc nổi tiếng ở Nam Đàn, là vị hiệu trường đầu tiên của trường ĐH Vinh (từ 1959 -1973) là một điểm nhấn văn hóa đáng nói phía mặt Bắc. Không biết có phải ngẫu nhiên phong thủy không, nhưng Trung tâm thông tin – Thư viện Đại học Vinh được cho là xây dựng ngay trên khu vực chính của Trường Thi xưa.

Phố Lê Duẩn bây giờ, bên những khang khang phố mới là thấp thoáng đâu đó trong những ngõ nhỏ mặt Nam còn những bức tường rêu phong màu gạch son cũ kỹ của các khu tập thể được xây dựng từ thời bao cấp; hay con phố Bạch Liêu rẽ bên mặt Bắc cũng gợi một nét ưu tư. Tuyến phố Lê Duẩn ngày nay tấp nập, sầm uất bốn mùa, nên nếu để cảm cái hồn của phố, hãy đến đây về khuya, sẽ chỉ có chừng như đôi ba quán nhỏ đỏ đèn như chỉ để điểm xuyết cho hoài niệm của người ra đi khi phố chưa là phố, nay có dịp về thăm lại.

Đồng chí Lê Duẩn sinh ngày 7/4/1907 tại làng Bích La Đông, tổng Bích Hà, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (nay là làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Đồng chí là một trong những chiến sỹ cách mạng thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 79 tuổi đời, 56 tuổi đảng, gần 60 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Lê Duẩn được giao phó nhiều trọng trách: Bí thư Xứ uỷ Trung kỳ (1937); Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng (1939); Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ; Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1946-1954), Ủy viên Bộ Chính trị (1951); Bí thư thứ nhất, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1960-1986). Đồng chí Lê Duẩn mất ngày 10/7/1986; tên của đồng chí được đặt cho nhiều đại lộ, đường phố của các đô thị lớn trên cả nước.


Bài, ảnh: Đình Sâm

Mới nhất
x
Dễ nhớ một tên đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO