Để nông nghiệp tiếp tục đi lên sản xuất hàng hoá lớn

30/08/2011 10:15

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định "Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta". Toàn Đảng toàn dân phải quán triệt và thực hiện tốt 8 phương hướng cơ bản. Trong tám mối quan hệ lớn ấy, có mối quan hệ "giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa" là quan hệ biện chứng để cùng tạo ra nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội.

Đây cũng là mối quan hệ, kể từ sau "Đổi mới" đến nay chưa được đề cập và giải quyết ở mức cần thiết, và đang rất cần những nhận thức khoa học, cũng như những việc làm phù hợp.


Trong quan hệ giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất thì lực lượng sản xuất là yếu tố động nhất, luôn biến đổi. Trong thời kỳ công nghiệp hiện nay, khi mà cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đang có những bước phát triển thần kỳ thì sự phát triển (hay biến đổi) của lực lượng sản xuất càng hết sức nhanh chóng.

Bởi thế nó đòi hỏi quan hệ sản xuấtcũng phải có những thay đổi phù hợp. Những thay đổi ấy có thể là cả ở 3 nhân tố hợp thành một quan hệ sản xuất hoặc chỉ ở một nhân tố nào đó. Điều này giải thích vì sao trong cương lĩnh đã có sự bổ sung và phát triển. Đó là: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp...". Sự bổ sung phát triển này, giúp khắc phục những thiếu sót trong nhận thức và cả hành động của chúng ta về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất trước đây.


Vận dụng nhận thức này vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn nói chung và ở Nghệ An nói riêng như thế nào là vấn đề cần được quan tâm để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh - Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc. Sau đây, xin được mạnh dạn trình bày mấy suy nghĩ bước đầu:


Thứ nhất, sau khi "khoán hộ" sức sản xuất (hay lực lượng sản xuất) trong nông nghiệp đã có bước phát triển hết sức mạnh mẽ. Từ một nước phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới. Ngành nuôi trồng đánh bắt thuỷ hải sản đạt được những thành tựu nổi bật. Kim ngạch xuất khẩu từ gạo, cà phê, tiêu, điều, cao su, chè và các mặt hàng thuỷ hải sản ngày càng tăng. Từ một nền nông nghiệp tự túc tự cấp, nước ta đang từng bước hình thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá...


Thứ hai, cho đến nay, nông nghiệp sản xuất hàng hoá của ta đang còn những yếu kém, và đứng trước những "rào cản" cần khắc phục. Sự phát triển của nông nghiệp nước ta có vẻ đã "chạm trần". Giá thành sản phẩm nông nghiệp của ta còn cao. Năng suất, chất lượng hàng hoá nông nghiệp còn thấp. Sức cạnh tranh yếu. Lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp thấp. Những hạn chế nói trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu và cơ bản nhất là sự manh mún, nhỏ lẻ của hàng chục vạn hộ nông dân sản xuất nông lâm, ngư nghiệp, diêm nghiệp và lâm nghiệp. Nói cách khác "khoán hộ" trước đây là lực đẩy thì nay ở không ít nơi lại đang là "rào cản". Sự phát triển nông nghiệp hàng hoá muốn tiếp tục đi lên sản xuất hàng hoá lớn đặt ra đòi hỏi tất yếu phải từng bước xoá bỏ tình trạng manh mún hiện nay.


Thứ ba, Đảng, Nhà nước đã có những cơ chế chính sách về "dồn điền, đổi thửa" về chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê đất, về liên kết 4 nhà... Song, các cơ chế chính sách nói trên chưa giải quyết được vấn đề một cách cơ bản. Đã đến lúc phải hình thành các hình thức hợp tác, liên doanh, liên kết nhiều hộ nông dân trong một doanh nghiệp nông nghiệp tập thể. Chỉ có các doanh nghiệp này mới có qui mô phù hợp, có khả năng vốn để từng bước cơ giới hoá, để tiếp nhận các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại, để thực hiện liên kết 4 nhà, từ đó làm ra khối lượng nông sản lớn, chất lượng cao, giá thành hợp lý tạo nên sức cạnh tranh cao khi bước vào thị trường thế giới. Nếu cứ để tồn tại mãi hàng chục vạn hộ nông dân (ngư, diêm dân...) với qui mô rất nhỏ, phân tán như hiện nay thì lực lượng sản xuất trong nông nghiệp của chúng ta sẽ không thể "vượt trần". Đã đến lúc quan hệ sản xuất phải phá "trần" cũ, tạo ra "trần" mới cao hơn, rộng hơn cho sự phát triển của lực lượng sản xuất trong nông nghiệp.


Thứ tư, nhiều năm nay, Đảng, Nhà nước ta có chủ trương đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Để thực hiện chủ trương đó, nhà nước đã có hẳn Ban chỉ đạo đổi mới các doanh nghiệp nhà nước. Đó là chủ trương đúng và cần thiết. Song, tại sao trong lĩnh vực nông nghiệp, trước thực trạng nhỏ lẻ, phân tán, tản mạn, chúng ta lại chưa có một chủ trương cụ thể cần thiết, chưa có một "Ban chỉ đạo"? Cần nhắc lại rằng để có các doanh nghiệp nông nghiệp tập thể phải có "bà đỡ". Mà "bà đỡ" ấy không ai khác phải là nhà nước - như Lênin đã từng chỉ rõ gần 100 năm về trước.


Cuối cùng, lãnh đạo các cấp - trực tiếp là ngành Nông nghiệp nghĩ gì và làm gì về điều này.


Trương Công Anh

Để nông nghiệp tiếp tục đi lên sản xuất hàng hoá lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO