Để phát huy sức mạnh các chi bộ đảng thôn bản vùng cao

24/06/2013 17:43

(Baonghean) - Với nỗ lực của các cấp ủy Đảng, đến nay, các huyện miền núi, vùng cao đã cơ bản xóa bản “trắng” đảng viên, bản không có chi bộ. Thế nhưng để các chi bộ thôn, bản tiếp tục phát triển sức mạnh nội tại đang là vấn đề đáng quan tâm giải quyết.

Chi bộ bản Huồi Mạc, xã Lạng Khê (Con Cuông) chính thức thành lập từ cuối năm 2004, xóa được bản “trắng” không có chi bộ. Thời điểm đó, ngoài 2 đảng viên của bản, Đảng ủy Lạng Khê đã phải tăng cường thêm 1 đồng chí đảng viên là phó chủ tịch xã về làm bí thư, điều hành, củng cố các đoàn thể cơ sở.

Sau một thời gian hoạt động, chi bộ từng bước khẳng định được vai trò trong việc phối hợp với các đoàn thể, già làng, trưởng bản, tăng cường công tác dân vận, cùng các hộ đồng bào phát triển sản xuất, chăn nuôi. Quá trình đó, chi bộ chú trọng công tác bồi dưỡng quần chúng ưu tú và kết nạp được thêm một số đảng viên mới. Đến giữa năm 2008, chi bộ Huồi Mạc đã có 7 đảng viên.

Cùng thời điểm này, Đảng ủy xã đã rút đảng viên tăng cường về chi bộ đảng cơ quan xã, bàn giao toàn bộ công việc lãnh đạo cho chi bộ bản với 6 đồng chí là hạt nhân ở cơ sở. Thế nhưng, do nhiều biến chuyển về lao động, bản làng gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, một số đảng viên thiếu tinh thần xây dựng, nên vai trò lãnh đạo của chi bộ trở nên mờ nhạt. Tất cả các công tác từ sinh hoạt, triển khai nghị quyết cấp trên, xây dựng nghị quyết chi bộ, đôn đốc các đoàn thể… gần như không được triển khai, hoặc ở một số hoạt động, nếu có triển khai thực hiện cũng rất hời hợt.

Trước tình hình đó, giữa năm 2012, Đảng ủy Lạng Khê tiếp tục phải tăng cường đảng viên Hà Đình Triệu - Ủy viên UBKT Đảng ủy xã Lạng Khê được về làm bí thư chi bộ bản. Qua một thời gian ngắn, “bí thư chi bộ tăng cường” Hà Đình Triệu từng bước ổn định tổ chức đảng, cùng với các đồng chí trong chi bộ tăng cường công tác bám nắm tình hình, đôn đốc các đoàn thể hoạt động nề nếp, hiệu quả, đẩy mạnh phối hợp lực lượng phòng chống tệ nạn xã hội, tập trung phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho dân bản…

Một thực tế, nhiều chi bộ bản làng vùng cao luôn trong tình trạng thiếu nguồn quần chúng ưu tú. Thanh niên lớn lên, thoát ly gia đình, làng bản, còn những người ở lại thì không đủ tiêu chí để bồi dưỡng, kết nạp, một số khác lại chưa “mặn mà” với việc phấn đấu vào đảng. Thực tế đó không chỉ diễn ra với những chi bộ yếu kém, cơ sở đảng hoàn thành nhiệm vụ mà còn đối với cả các chi bộ trong sạch, vững mạnh.

Điển hình như chi bộ bản Cửa Rào 1, xã Xá Lượng (Tương Dương) nhiều năm được xếp loại trong sạch, vững mạnh nhưng 6 năm liền chưa kết nạp thêm được một đảng viên mới nào. “Thực tế đó làm cho chúng tôi phân vân rất nhiều. Hơn một năm qua, chi bộ phối hợp với các đoàn thể bồi dưỡng và cử 3 đồng chí trẻ đi học đối tượng đảng. Nhưng thông tin chúng tôi nắm sơ bộ thì trong số đó có 2 đồng chí đang liên hệ xin việc làm ở những nơi khác… ”.



Đồng chí Đậu Thị Liễu (thứ 2, phải sang) - Bí thư chi bộ bản Cửa Rào 2 - Xá Lượng (Tương Dương) trao đổi với bà con dân bản.

Đồng chí Đậu Thị Liễu - Bí thư chi bộ tâm sự như vậy. Còn tại bản Huồi Bắc, xã Bắc Lý, năm 2009 chi bộ đảng được thành lập với 2 đảng viên người bản địa và 1 đảng viên Đồn Biên phòng Mỹ Lý (ở trạm Bắc Lý). Đến nay, chi bộ đã có 4 đảng viên và đồng chí đảng viên biên phòng được điều động đi bản khác. Thế nhưng, điều lo lắng nhất là đội ngũ kế cận của chi bộ. Ở bản hiện tại, thanh niên bỏ học nhiều, suốt ngày gắn bó với nương rẫy, đi vào khe kiếm kế sinh nhai, chưa nhận thức được việc phấn đấu vào Đảng…

Với mục tiêu giúp các chi bộ đảng ở vùng cao, biên giới ổn định, phát triển sau khi được thành lập, đồng thời góp phần phát huy các nhân tố nội tại của mỗi chi bộ, những năm qua, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng đã luân chuyển cán bộ, đảng viên các đồn biên phòng về tham gia sinh hoạt đảng tạm thời tại các chi bộ cơ sở.

Theo báo cáo có 77 đồng chí đã giữ vai trò bí thư chi bộ các thôn bản. Riêng huyện Kỳ Sơn có 11 đồng chí sỹ quan được tăng cường làm phó bí thư các xã vùng biên, trong đó, có 1 đồng chí được tín nhiệm làm bí thư Đảng ủy xã Bắc Lý. Bên cạnh đó, các đồn biên phòng trên địa bàn còn tăng cường các đảng viên về sinh hoạt với các chi bộ thôn, bản. Tuy nhiên, vấn đề cần phải phát huy sức mạnh nội tại của các chi bộ đảng, cũng như tinh thần trách nhiệm, trí tuệ của các đảng viên sở tại mới là cơ bản nhất để duy trì bền vững vai trò của các chi bộ đảng.

Lý giải nguyên nhân của vấn đề này có thể được thấy: Thứ nhất, do cuộc sống của đồng bào (bao gồm cả các đồng chí đảng viên) còn quá nhiều khó khăn, họ đang phải đối mặt với nỗi lo quá lớn cho cái ăn, cái mặc hàng ngày của gia đình nên chưa xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của đảng viên. Thậm chí, có những đảng viên đi rẫy, vào khe “quên” sinh hoạt chi bộ. Thứ hai, một số hạt nhân tốt khi được bồi dưỡng, trưởng thành, lại chuyển công tác sang địa phương khác nên chi bộ lại thiếu hụt. Thứ ba, thanh niên là đội ngũ kế cận nòng cốt của chi bộ, nhưng sau khi học xong, lực lượng này lại phân tán nhiều nơi, khiến việc bồi dưỡng nguồn phát triển Đảng gặp khó khăn. Cuối cùng, do đặc thù của nhiều thôn bản, dân cư sống thưa thớt, vắt qua hai, ba ngọn đồi nên công tác sinh hoạt chi bộ định kỳ không được thường xuyên, công tác dân vận của chi bộ đảng, vì thế, chưa được phát huy đúng mức.

Tuy nhiên, một thực trạng cần phải chỉ rõ đó là các chi bộ Đảng chưa tạo được “sức hấp dẫn” đối với quần chúng, thậm chí lo lắng tái “bản trắng” chi bộ. Đồng chí Vi Hải Thành - Bí thư Đảng bộ huyện Kỳ Sơn khẳng định rằng: “Lo lắng là vậy nhưng chúng ta không thể để tái “bản trắng” được.

Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng với giúp sức của bộ đội Biên phòng và các đơn vị trên địa bàn, huyện đang từng bước tăng cường công tác dân vận, phát hiện, bồi dưỡng quần chúng để có nguồn kế cận tin cậy ở mỗi bản làng. Có thể khi xem xét bồi dưỡng, kết nạp quần chúng ưu tú ở vùng cao, biên giới, tiêu chuẩn về trình độ văn hóa còn thấp thua các vùng miền khác nhưng đó là những nhân tố nội tại ở bản làng…”.

Quy định Số 23-QĐ/TƯ, ngày 31/10/2006 của Bộ Chính trị về thi hành Điều lệ Đảng còn có quy định về trình độ học vấn của người vào Đảng. Theo đó, “Người vào Đảng nói chung phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên”. Riêng “Người vào Đảng đang sinh sống ở vùng cao, vùng sâu, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, không bảo đảm được quy định nêu trên thì nói chung cũng phải có trình độ học vấn tối thiểu là tiểu học” (Điều 1).


Nguyên Sơn

Để phát huy sức mạnh các chi bộ đảng thôn bản vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO