Để phát triển bền vững các làng nghề
(Baonghean) Đô Lương hiện có một số làng nghề đạt giá trị sản xuất ngày càng cao, thu hút nhiều lao động, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho trên 1.000 lao động. Tuy nhiên, để các làng nghề phát triển, "giữ" được nghề thì còn rất nhiều việc phải làm.
Đa dạng các làng nghề
Về làng nghề bánh đa kẹo lạc Vĩnh Đức, khối 10, Thị trấn Đô Lương một ngày đầu Xuân, không khí làm việc thật hối hả, khẩn trương. Khối 10 hiện có trên 100 hộ làm nghề bánh đa, kẹo lạc, trong đó có 60 hộ làm với quy mô lớn, có thuê mướn công nhân và đầu tư máy móc hiện đại phục vụ sản xuất. Nhờ vậy, nguồn thu từ làng nghề đã đóng góp trên 20% tổng thu nhập toàn thị trấn, góp phần giải quyết việc làm cho 60 lao động thường xuyên và trên 40 lao động thời vụ.
Làng nghề đan lát Bột Đà tại xã Đà Sơn, thời điểm này cũng nhộn nhịp không kém. Nguyên liệu nứa phục vụ làng nghề này chủ yếu lấy từ Tổng đội TNXP 2 ở Thanh Chương. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh phía Bắc để dùng vào việc che gạch thô ở các lò gạch. Làng nghề phát triển đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập trung bình 100.000 đồng/người/ngày.
Người dân xóm 1, xã Trung Sơn bước đầu tiếp cận với nghề mây tre đan xuất khẩu.
Nói đến các làng nghề trên địa bàn Đô Lương, không thể không nhắc đến làng nồi đất - làng gốm ở Trù Sơn. Hàng năm, cứ sau mùa gặt hái là người dân lại xắn tay lên làm gốm, nhằm tăng thêm thu nhập và cũng để duy trì nghề truyền thống của cha ông. Người thạo nghề, một buổi cũng làm được khoảng 20 chiếc. Thu nhập cũng vừa đủ trang trải hàng ngày.
Ngoài các làng nghề nói trên, ở Đô Lương còn có nhiều làng nghề nổi tiếng khác như mây tre đan ở Trung Sơn; nghề bún, bánh, mộc ở Tân Sơn, dâu tằm ở Đặng Sơn,... cũng góp phần làm nên đa dạng làng nghề trên địa bàn.
Để "giữ" được nghề
Ông Võ Văn Ngọc- Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: Giá trị sản xuất các làng nghề chiếm khoảng 30% giá trị sản xuất CN – TTCN toàn huyện. Tuy nhiên, thực tế một số làng nghề còn gặp không ít khó khăn. Theo như người dân làng nghề nồi đất ở Trù Sơn thì, vì là nghề phụ nên gốm ở đây cũng được làm theo mùa. Hàng năm, cứ sau mùa gặt hái là người dân lại xắn tay lên làm gốm. Cũng có những hộ làm quanh năm, nhưng số lượng không nhiều. Trung bình mỗi năm ở đây cũng chỉ có 5 tháng làm nghề, số lượng làm ra cũng không nhiều như trước bởi lượng khách đặt hàng giảm. Làng nghề bánh đa, kẹo lạc Vĩnh Đức, hiện cũng chỉ mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm, chưa xây dựng được thương hiệu cũng là một khó khăn cho người dân làng nghề...
Có thể nói, khó khăn chung hiện nay tại các làng nghề là chưa có nhiều đại lý, doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm. Phần lớn năng lực trình độ tay nghề còn hạn chế, thiếu vốn, thông tin về thị trường chưa kịp thời, nguyên liệu đầu vào, đầu ra cho sản phẩm còn phụ thuộc, qua nhiều khâu, đầu mối trung gian nên chi phí giá thành cao, khả năng cạnh tranh kém. Một số xã không có định hướng và biện pháp tổ chức chỉ đạo thực hiện cụ thể nên làng nghề, xã có nghề không phát triển... Các cơ chế chính sách hỗ trợ về vốn, đào tạo nghề cho người lao động, ứng dụng công nghệ sản xuất mới cho làng nghề, xã có nghề từ các cấp, các ngành còn hạn chế. Hầu hết các địa phương lại chưa quy hoạch được vùng nguyên liệu cung cấp cho làng nghề dẫn tới thiếu chủ động và hiệu quả kinh tế thấp…
Để phát triển các làng nghề ở Đô Lương, thiết nghĩ không chỉ các hộ, chủ cơ sở cần mở rộng quy mô sản xuất, mà cần sự chỉ đạo thống nhất từ cơ quan chuyên môn, sự vào cuộc tích cực, phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành từ huyện đến các cơ sở bằng việc tích cực đào tạo nghề; có cơ chế hỗ trợ về vay vốn, để người dân mở rộng quy mô, đầu tư máy móc phục vụ sản xuất; tạo sự liên kết giữa các gia đình, cơ sở sản xuất thành tổ hợp tác xã, từ đó tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các làng nghề...
Đặng Nguyễn