Để phát triển Đảng trong trường học mạnh hơn, vững hơn
(Baonghean) - Chỉ thị 34 ngày 30/5/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Tăng cường công tác chính trị tư tưởng, củng cố tổ chức đảng, công tác phát triển Đảng, đoàn thể quần chúng và phát triển Đảng trong trường học” khẳng định sự đề cao của Đảng đối với nguồn cán bộ vừa hồng vừa chuyên. Kết nạp học sinh, sinh viên (HSSV) vào Đảng không chỉ nâng cao chất lượng tổ chức đảng mà còn nâng chất lượng giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, trên địa bàn, việc phát triển Đảng chưa đồng đều và có nơi chưa quan tâm đúng mức.
Chiếm tỷ lệ thấp
Năm 2008, Hội nghị lần thứ 4, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn khóa IX đã có sự nhìn lại, đánh giá và trăn trở làm sao thực hiện tốt Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị khóa VIII, đẩy mạnh cuộc vận động “Đoàn viên thanh niên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”. Kết luận 138 tại hội nghị đã tạo đà cho công tác phát triển Đảng trong đoàn viên thanh niên tại Nghệ An có những bước chuyển biến rõ từ năm 2008 đến nay. Cụ thể, trong 5 năm (2008 - 2013), Đoàn đã giới thiệu cho Đảng 56.982 đoàn viên ưu tú, 44% trong số đó đã được kết nạp, chiếm 74% tổng số đảng viên mới kết nạp trong toàn đảng bộ địa phương.
Tuy nhiên, trong môi trường học đường, việc kết nạp HSSV vào Đảng nhìn chung còn hạn chế. Trước tiên, công tác phát triển Đảng trong trường học hiện không đồng đều về chất lượng. Có nhiều trường thực hiện rất tốt như Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Viết Thuật (TP. Vinh); Đại học Vinh, Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, Đại học Kinh tế Nghệ An (TP. Vinh); THPT Thanh Chương 3; THPT Đô Lương 1; THPT Nghi Lộc 2, 5, THPT Nguyễn Duy Trinh (Nghi Lộc)… Ở đây, công tác phát triển Đảng trong trường học đang tập trung ở các trường điểm, trường thuộc hệ thống công lập, trường trên địa bàn thành phố và một số huyện miền xuôi. Trong khi các trường ngoài công lập hay thuộc các huyện miền núi cao, công tác phát triển Đảng trong trường học còn hạn chế, chủ yếu do 2 nguyên nhân.
Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hưng Nguyên) trao quyết định kết nạp đảng cho học sinh Nguyễn Thị Thu Hà. |
Trước hết, chất lượng đoàn viên HSSV không đồng đều. Nhìn chung, tỷ lệ HSSV ưu tú đủ điều kiện giới thiệu vào Đảng tại các trường công lập cao hơn ở hệ thống ngoài dân lập; tại địa bàn thành phố và các huyện miền xuôi cao hơn ở các huyện miền núi. Tại Trường THPT dân lập Nguyễn Trường Tộ, TP Vinh, đã 4 năm nay không kết nạp đối tượng là học sinh. Đối với hệ thống trường ngoài công lập, đầu vào của học sinh dưới sàn nên số học sinh đạt loại giỏi qua các năm học còn ít. Hiếm khi có học sinh vừa đảm bảo tham gia hoạt động bề nổi, vừa đạt thành tích cao trong học tập. “Nhà trường quan điểm rõ, học sinh được xét kết nạp Đảng phải thật sự xuất sắc nổi bật để khi đưa ra bình xét có tính giáo dục cho toàn trường. Đảm bảo tiêu chí kết nạp Đảng cho học sinh đối với trường là rất khó nên công tác phát triển Đảng trong học sinh vẫn còn phải trăn trở nhiều”- Cô giáo Phan Thị Thu Huyền - Bí thư Đoàn Trường THPT dân lập Nguyễn Trường Tộ (TP. Vinh) cho biết.
Nguyên nhân thứ 2 là do vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng tại một số trường THPT, cao đẳng, đại học; một số cấp cơ sở còn hạn chế hoặc chưa có sự quan tâm đúng mức đến công tác này. Đi vào hoạt động từ năm 2007, Chi bộ Trường Việt Anh (TP. Vinh) được thành lập tháng 6/2009, hiện có 21 đảng viên. Bình quân mỗi năm trường tuyển sinh 2.000 sinh viên. Tuy nhiên, từ ngày thành lập đến nay, chi bộ mới kết nạp được 4 sinh viên vào đảng (năm 2011). Cô giáo Nguyễn Thị Duyên - Phó Bí thư chi bộ, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Trường quan tâm đến công tác phát triển Đảng trong sinh viên nhưng tỷ lệ kết nạp còn thấp.
Là trường tư thục nên trường có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù từ quản lý đến triển khai thực hiện. Một trong số đó là ban giám hiệu, hội đồng quản trị không tham gia cấp ủy nên vai trò tổ chức đảng ở nhà trường chưa phát huy hiệu quả”. Còn ở huyện Tương Dương, theo ông Lô Thanh Nhất - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy cho biết: “Công tác phát triển Đảng ở 2 trường THPT thuộc địa bàn huyện là Trường THPT Tương Dương và Tương Dương 2 chưa có sự chỉ đạo cụ thể của huyện, nên những năm qua, các chi bộ trường học chưa thực sự làm tốt việc tạo nguồn phát triển Đảng trong học sinh, chưa kết nạp được học sinh nào đứng vào hàng ngũ của Đảng. Nhìn nhận mặt hạn chế này, Ban Tổ chức sẽ tham mưu đưa nội dung chỉ tiêu phát triển Đảng trong trường học vào Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ sắp tới”.
Quy định về tuổi kết nạp Đảng cũng là một nguyên nhân khách quan hạn chế công tác phát triển Đảng trong khối trường THPT. Nhiều điểm trường THPT trên địa bàn tỉnh phản ánh việc học sinh, đoàn viên ưu tú được lựa chọn, giới thiệu học cảm tình đảng, nhưng không đủ điều kiện kết nạp vì chưa đủ 18 tuổi khi tốt nghiệp trường THPT. Đối với các trường ngoài công lập, việc kết nạp học sinh đã khó do số lượng nguồn ít, nay lại càng khó hơn. Như vậy, đối với quá trình phấn đấu của bản thân các em này, liệu có sự ghi nhận, tiếp nối nào sau môi trường THPT, tạo điều kiện cho các em sớm được đứng vào hàng ngũ Đảng? Nhiều chi bộ trường học đã viết giấy giới thiệu, đề nghị chi bộ mới theo dõi và xét kết nạp cho các đoàn viên học sinh “thiếu tuổi đảng”.
Nâng cao vai trò cấp ủy, tổ chức đoàn
Vậy, đâu là hướng đi, giải pháp khắc phục những khó khăn mà công tác phát triển Đảng trong trường học hiện nay đang vướng mắc? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với thầy Trần Văn Các - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hưng Châu, Hưng Nguyên). Được biết, trước đây do chưa thực sự quan tâm đến vai trò của nhân tố học sinh trong xây dựng, phát triển Đảng, nên cấp ủy trường chưa chỉ đạo Đoàn trường chú ý tìm và tạo nguồn đảng viên trong học sinh. Tuy nhiên, từ khi có sự chỉ đạo từ cấp ủy huyện, nắm bắt được tinh thần, chủ trương đúng đắn của Chỉ thị 34, cấp ủy trường đã có nhận thức mới về phát triển tổ chức đảng trong trường học. Cụ thể, trường đã vượt mục tiêu kết nạp 5 học sinh vào hàng ngũ Đảng của nhiệm kỳ 2010 - 2015. Riêng năm học 2014 - 2015, có 6 em được giới thiệu học lớp cảm tình Đảng. Để đạt được những kết quả này, Chi bộ Đảng và Đoàn trường đã bám vào 4 nhiệm vụ đặt ra của Chỉ thị 34, vận dụng vào tình hình thực tế.
Ví dụ, với nhiệm vụ “Tăng cường công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, rèn luyện đạo đức cách mạng trong giáo viên, học sinh, sinh viên và công nhân viên ở trường học”, theo thầy Trần Văn Các, quan trọng là phải xác định rõ ràng, cụ thể nghĩa vụ, trách nhiệm chính trị, đạo đức cách mạng của từng đối tượng trong trường học. Ví dụ, với đối tượng giáo viên, yêu cầu về nhận thức chính trị là phải nắm được các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách học tập của Đảng và Nhà nước gắn với các cuộc vận động của ngành Giáo dục. Đối với học sinh, yêu cầu về đạo đức cách mạng cũng chính là yêu cầu về tư cách, đạo đức người học sinh, người công dân tương lai; nhiệm vụ chính trị chính là học tập và tu dưỡng rèn luyện bản thân… Có nghĩa là cần phải cụ thể hóa các mục tiêu, tiêu chuẩn phấn đấu cho từng đối tượng. Để được giới thiệu kết nạp Đảng, các em học sinh phải đạt học sinh giỏi toàn diện ít nhất là 2 năm cuối cấp, tham gia và đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên, hạnh kiểm đạt loại tốt và tham gia hoạt động Đoàn tích cực.
Đó là những tiêu chuẩn rất rạch ròi nhưng cũng rất khắt khe đối với học sinh THPT, vì thế những học sinh được kết nạp Đảng cũng là tấm gương giáo dục gần gũi, sinh động và hiệu quả nhất đối với thế hệ học sinh lớp sau. Trong các buổi lễ, trong phòng truyền thống nhà trường hay trên trang web nội bộ, đều có nhắc đến, lưu giữ thành tích của những đảng viên học sinh ưu tú này. Thầy Trần Văn Các tự hào nhắc đến em Nguyễn Thị Thu Hà, học sinh lớp 12A2 năm học 2013 - 2014, nay đã là sinh viên Khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội). 3 năm học cấp 3 là 3 năm Thu Hà không chỉ đạt thành tích cao trong học tập mà còn đưa phong trào của lớp dẫn đầu toàn trường. Nói về học trò cũ này, thầy Các khẳng định: “Những nhân tố ưu tú, có sức lan tỏa như vậy hoàn toàn xứng đáng đứng vào hàng ngũ Đảng.
Đội ngũ học sinh chính là “nguồn”, quan trọng là phải quan tâm tìm kiếm và bồi dưỡng sớm. Ngay từ đầu năm, cấp ủy cùng tổ chức Đoàn rà soát độ tuổi, năng lực học tập của học sinh để có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển Đảng. Trong đó, vai trò định hướng tổ chức Đoàn trường rất quan trọng. Có tạo điều kiện cho các em đảm nhận các vị trí lớp trưởng, bí thư,… thì các em mới có cơ hội phát huy năng lực, bồi dưỡng nhận thức, đóng góp cho các phong trào của tập thể”. Bên cạnh nhiệm vụ “Tích cực tạo nguồn, làm tốt công tác phát triển đảng viên trong cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên”, nhiệm vụ “Xây dựng chi bộ, đảng bộ nhà trường trong sạch vững mạnh” cũng rất được quan tâm. Tới đây nhân kỷ niệm 35 năm ngày thành lập, Trường THPT Phạm Hồng Thái sẽ vinh dự đón Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy là phát triển Đảng trong trường học phải khởi động từ cấp THPT, nhưng quá trình phấn đấu của HSSV cần duy trì, phát triển sau khi tốt nghiệp cấp 3. Là mô hình điểm về công tác phát triển Đảng trong khối sinh viên, mỗi năm Trường Đại học Vinh kết nạp trung bình từ 250 đến 300 đảng viên là sinh viên ưu tú được tổ chức Đoàn giới thiệu. Tỷ lệ được kết nạp trong số đối tượng giới thiệu học cảm tình Đảng đạt 25-30%. Đáng lưu ý, Đảng ủy trường có chỉ đạo, quan tâm đặc biệt đến các sinh viên là người dân tộc thiểu số, nên mỗi năm trường kết nạp được từ 5 – 10 đảng viên thuộc nhóm đối tượng này, góp phần giảm sự chênh lệch về phân bố địa lý, dân tộc trong tổ chức đảng. Tuy nhiên, theo thầy Đinh Xuân Khoa – Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng nhà trường, số lượng không thể nói lên tất cả về công tác phát triển Đảng trong trường học.
Xác định sinh viên là “nguồn” chất lượng để kết nạp Đảng, Đoàn trường luôn kết hợp chặt chẽ, sàng lọc và lựa chọn các nhân tố có tố chất từ khi vừa bước chân vào cổng trường đại học. Sau đó là cả một quá trình theo dõi, tạo điều kiện tham gia vào các phong trào đoàn thể, tổ chức sinh viên, cộng thêm kết quả học tập phải đạt loại tốt và kết quả hoạt động được công nhận ở cấp trường trở lên, để những “hạt giống” cách mạng ấy phát triển và “chín muồi” vào những năm thứ 3, thứ 4 đại học. Lại cũng có những sinh viên đã có quá trình phấn đấu từ bậc THPT, đã được kết nạp ngay khi tốt nghiệp THPT hoặc đã tốt nghiệp lớp cảm tình Đảng nhưng chưa đủ tuổi kết nạp. Mặc dù số đối tượng này không nhiều, nhưng thầy Nguyễn Quang Tuấn – Chánh Văn phòng trường cho biết, bằng cách lấy thông tin cá nhân của sinh viên từ năm 1 đại học, trường luôn tạo điều kiện cho các nhân tố nổi bật từ cấp THPT. Những em đã kết nạp Đảng sẽ được ưu tiên hơn ở các vị trí bí thư, lớp trưởng hoặc các tổ chức hội sinh viên. Giấy chứng nhận tốt nghiệp lớp cảm tình Đảng có hiệu lực 5 năm, nên nếu các em nỗ lực phấn đấu có thể được kết nạp từ năm thứ 2.
Sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp ủy và tổ chức Đoàn là thuận lợi lớn, thậm chí là một trong những điều kiện thiết yếu đối với việc phát triển Đảng trong trường học, nhưng trên hết vẫn là ý thức phấn đấu rèn luyện của mỗi HSSV. Ví như em Trần Hữu Diệu Hà – lớp 52B4 Quản trị kinh doanh, Khoa Kinh tế. 3 năm học tập và phấn đấu với những thành tích xuất sắc dưới mái Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Diệu Hà vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng năm 2011 trong màu áo trắng học trò. Thi đậu vào Trường Đại học Vinh với nguyện vọng 2, Diệu Hà chia sẻ do nhập học muộn hơn nên các vị trí hoạt động Đoàn đã được giao cho các bạn khác. Nhưng ý thức, trách nhiệm và nhiệt huyết của người đảng viên trẻ đã khiến Diệu Hà mạnh dạn bày tỏ nguyện vọng được hoạt động, cống hiến trước Đại hội chi bộ. Từ đây, Hà được giới thiệu vào Ban Chấp hành liên Chi hội Sinh viên của khoa Kinh tế.
Sang năm thứ 2, Hà lại được giới thiệu đi dự Đại hội Hội Sinh viên trường và được bầu vào Ban Chấp hành. Cứ như vậy, đến nay Hà đang là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Vinh. Khi được hỏi, có điểm gì khác biệt giữa các đảng viên được kết nạp trên ghế THPT và các đảng viên được kết nạp trong khối sinh viên, Diệu Hà cho biết: “Có lẽ là nhiệt huyết. Nhưng không có nghĩa là khi được kết nạp rồi, nhiệt huyết của mình không còn nữa. Mà là khi mình đặt trách nhiệm người đảng viên lên trên hết. Phải làm như thế nào để xứng đáng với niềm vinh dự này, với sự tin yêu của các thầy, cô và cũng là các đàn anh, đàn chị đi trước trong hàng ngũ Đảng”. Nhận thức chính trị và ý thức giác ngộ cách mạng ở cô sinh viên trẻ này là minh chứng rõ ràng nhất cho tầm quan trọng của mỗi cá nhân trong quá trình phấn đấu, tu dưỡng bản thân để được đứng vào hàng ngũ Đảng.
Nhìn lại công tác xây dựng, phát triển Đảng trong trường học ở Nghệ An, bà Lê Thị Hoài Nam - Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định: “HSSV là lực lượng nguồn cho Đảng đông và chất lượng. Kết nạp đảng cho đối tượng này cần phải được các cấp ủy quan tâm. Vai trò của chi bộ hết sức quan trọng, vì vậy tổ chức Đoàn, chi bộ trường học cần quan tâm tạo nguồn, có trách nhiệm bồi dưỡng, đưa các em vào các hoạt động phong trào, tạo nhận thức về Đảng cho các em. Phát triển Đảng trong HSSV không chỉ là nhiệm vụ của nhà trường, ngành Giáo dục mà của toàn xã hội”. Đây cũng là câu trả lời cho công tác phát triển Đảng vững mạnh và lâu dài trong trường học. Bởi, nếu mơ hồ về mục tiêu, ý nghĩa cũng như nhiệm vụ của mỗi đối tượng trong công cuộc chung này, kết nạp Đảng trong khối HSSV sẽ có nguy cơ trở thành cuộc chạy đua thành tích – vấn nạn nhức nhối một thời của ngành Giáo dục.
Ý nghĩa của việc đứng vào hàng ngũ Đảng là gì nếu chúng ta chạy theo số lượng, hoặc để cho các đảng viên, đoàn viên ưu tú bị mai một khi chuyển tiếp từ THPT lên đại học và xa hơn nữa là khi bước vào môi trường làm việc sau này? Vẫn biết trong mỗi cấp học, mỗi môi trường, nghĩa vụ chính trị của người HSSV có đổi khác; là tập trung vào nhiệm vụ học tập khi đang học THPT, là hài hòa giữa học tập và hoạt động vì cộng đồng khi đang học đại học, là làm việc vì thành công của bản thân và của cả tập thể khi đã bước vào đời,… Bấy nhiêu nhiệm vụ tuy khác nhau nhưng đều chung một cái tên: Lý tưởng sống. Đó chính là sợi dây xâu chuỗi quá trình phấn đấu qua từng giai đoạn của mỗi cá nhân. Các cấp ủy, các tổ chức đoàn thể ở bậc THPT, bậc đại học, các cơ quan và thậm chí là ở địa phương cần phối hợp, trao đổi thông tin, nắm bắt và quy những “sợi chỉ đỏ” này về một mối. Đó cũng chính là lúc chúng ta tiếp tục tô thắm lá cờ Đảng mà phát triển Đảng trong trường học là một trong những nơi ươm mầm cho các “hạt giống đỏ”.
Bài, ảnh: Thanh Lê - Thục Anh