Để phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao

20/05/2013 18:52

Theo Nghị quyết số 23/2011/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh, đến năm 2020, lĩnh vực y tế phải đạt 7 bác sỹ/vạn dân; 90% trạm y tế xã ở đồng bằng và 70 - 90% ở miền núi có bác sỹ, số bác sỹ cần có đến năm 2015 là 2.132 người. Thời điểm năm 2011, tổng số bác sỹ ở các cơ sở y tế công lập toàn tỉnh có 1.364 người và số cần bổ sung là 536; số dược sỹ đại học có 47 người và cần bổ sung 57 người mới đủ chỉ tiêu đề ra.

(Baonghean) - Theo Nghị quyết số 23/2011/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh, đến năm 2020, lĩnh vực y tế phải đạt 7 bác sỹ/vạn dân; 90% trạm y tế xã ở đồng bằng và 70 - 90% ở miền núi có bác sỹ, số bác sỹ cần có đến năm 2015 là 2.132 người. Thời điểm năm 2011, tổng số bác sỹ ở các cơ sở y tế công lập toàn tỉnh có 1.364 người và số cần bổ sung là 536; số dược sỹ đại học có 47 người và cần bổ sung 57 người mới đủ chỉ tiêu đề ra.

Để từng bước giải quyết vấn đề nêu trên của ngành Y tế, HĐND tỉnh khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 34/2011/NQ-HĐND, ngày 09/12/2011 về một số chính sách phát triển nguồn nhân lực y tế công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An (bao gồm cả hỗ trợ đào tạo bác sỹ - dược sỹ đại học, trên đại học và hỗ trợ thu hút bác sỹ kể cả bác sỹ trung bình về các bệnh viện đặc thù, bệnh viện tuyến huyện khu vực miền núi thấp và cao, trạm y tế xã). Theo đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 17/2012/QĐ-UBND cụ thể hóa một số chính sách phát triển nguồn nhân lực y tế công lập. Đến thời điểm này, chính sách đã qua một năm thực hiện và bước đầu khẳng định tính thiết thực.



Sử dụng các thiết bị và kỹ thuật hiện đại vào khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa Thanh Chương.

Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương, chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh ra đời, khắc phục được khó khăn mà bệnh viện đang đối mặt đó là chi phí học tập của cán bộ. Bác sỹ Nguyễn Thịnh Khuyên – Phó Giám đốc Bệnh viện, cho biết: “Phải hàng chục năm nay, bệnh viện không thu hút được bác sỹ nào về công tác, nhưng trong năm 2012 vừa qua, thực hiện chính sách của tỉnh, bệnh viện đã thu hút được 5 bác sỹ về công tác. Cũng từ chính sách của tỉnh đã góp phần động viên, khuyến khích nhiều cán bộ trước đây không có điều kiện để đi học nay đã đi học. Chỉ tính năm 2012, bệnh viện đã cử đi đào tạo 6 bác sỹ chuyên khoa I; 1 bác sỹ chuyên khoa II; 3 dược sỹ đại học.

Không riêng ở Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương, nhìn chung chính sách của HĐND tỉnh đã đi vào cuộc sống ở nhiều cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo sơ bộ của Sở Y tế, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết, toàn tỉnh đã có 105 bác sỹ được cử đi đào tạo sau đại học (trong đó có 1 tiến sỹ; 18 bác sỹ chuyên khoa II; 65 bác sỹ chuyên khoa I, bác sỹ nội trú; 21 thạc sỹ y học); 47 y sỹ, dược sỹ trung học đào tạo lên bác sỹ. Công tác tiếp nhận, thu hút bác sỹ về công tác tại Nghệ An cũng có chiều hướng tăng, với tổng số 149 bác sỹ, trong đó tuyến tỉnh 76 bác sỹ, tuyến huyện 55 bác sỹ, tuyến xã 18 bác sỹ. Ngoài ra, các địa phương cũng đã tích cực thu hút 26 bác sỹ nghỉ hưu cộng tác ở các tuyến y tế xã.

Tuy nhiên, nếu như công tác đào tạo theo chính sách của HĐND tỉnh đã có hiệu quả thì công tác thu hút chưa đạt kết quả như mong muốn. Cũng là Thanh Chương, đến thời điểm này tại Trung tâm Y tế huyện và tuyến xã chưa thu hút được bác sỹ nào về công tác. Tương tự các bệnh viện đặc thù như Bệnh viện Tâm thần tỉnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, Trung tâm Giám định pháp y tỉnh mặc dù có sự ưu đãi cao nhất về chính sách, lại nằm ở vị trí trung tâm Thành phố Vinh nhưng vẫn chưa thu hút được bác sỹ nào về công tác. Tìm hiểu lý do được biết, mỗi năm Nghệ An thu hút khoảng 70 bác sỹ về công tác, trong khi đó ở các bệnh viện được coi là “có giá” như Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vẫn đang thiếu bác sỹ và có nhu cầu thu hút, kể cả bác sỹ tốt nghiệp trung bình.

Để giải bài toán này, theo các cán bộ trong ngành Y tế thì chính sách cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở, tăng mức hỗ trợ đào tạo, bởi thực tế người đi học ngành Y chi phí cao và chính sách nên kèm điều kiện hỗ trợ về nhà ở, tạo điều kiện việc làm cho vợ hoặc chồng ổn định cuộc sống gia đình đối với cán bộ y tế diện được thu hút. Điều quan trọng hơn là cần đưa ra chính sách đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các cơ sở y tế, nhất là tuyến huyện, trạm y tế xã để tạo việc làm, tăng thu nhập cho bác sỹ; đồng thời tạo môi trường làm việc, cống hiến và trưởng thành cho đội ngũ cán bộ y tế. Bên cạnh đó, cần tăng chỉ tiêu đào tạo bác sỹ, dược sỹ đại học cho các cơ sở đào tạo chính quy, hoặc tăng cường đào tạo chuyên tu nhằm tạo thêm nguồn lực cung cấp cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.


Mai Hoa

Mới nhất
x
Để phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO