Đề phòng củi lửa

21/07/2014 09:23

(Baonghean) - 1. Cứ khi nào mùa giải đi vào giai đoạn “về đích” là thời điểm đội bóng, ông bầu và cả HLV lo nhất vì họ sợ cầu thủ của họ bị “chích”, bị “rải đinh”.

Đây là những thuật ngữ mà các nhà chuyên môn, các HLV thường gọi với nhau khi nói đến cầu thủ (hoặc cả đội bóng) khi bị mua độ từ các đội bóng khác. Mà “chích” hay “rải đinh” ở đây chính là tiền. Chẳng hạn mùa giải năm 2013, bóng đá Việt Nam có “nghi án” CLB SQC Bình Định đã “chích” cho HV An Giang số tiền lớn hơn cả giải thưởng của đội vô địch để đội bóng này giành chiến thắng trước K. Kiên Giang khi hai đội gặp nhau. Vì thời điểm đó HV An Giang không có mục tiêu thăng hạng V-League trong khi hai đội bóng SQC Bình Định và K.Kiên Giang đang cạnh tranh 1 chiếc vé còn lại lên chuyên nghiệp. Và chính đội bóng K.Kiên Giang cũng có một số cầu thủ bị “chích” ngầm nên trong trận đấu đó HLV Lại Hồng Vân phải thay toàn bộ danh sách đội hình chính, cho dù trước đó đội bóng này đã thiết quân luật không khác gì một trại quản giáo. Hoặc trước đó mùa bóng 2009, “đội bóng nhà lính” QK4 (nay đã giải tán) đã có lượt đi thăng hoa với những chiến thắng không tưởng, tuy nhiên khi mùa giải còn 6 vòng đấu, QK4 tụt dốc không phanh khi thua liên tục 5 trận liên tiếp mà không có cách gì kìm cương được. HLV Vũ Quang Bảo đã tìm mọi cách từ ‘bế quan tỏa cảng” giữa cầu thủ với thế giới bên ngoài, tịch thu điện thoại… và cả mời những người trong quân đội về làm công tác chính trị nhưng chỉ đến trận đấu cuối họ mới chiến thắng và trụ hạng thành công trong mùa đầu tiên chơi V-League.

2.V-League 2014 chỉ còn vài vòng đấu nữa là hạ màn nhưng dễ dàng nhìn thấy cuộc đua đang rất gay cấn ở hai đầu bảng tổng sắp. Với cuộc tranh đua chức vô địch có đến 4 ứng cử viên trong khi chạy trốn suất đá Play-off có 2 đội bóng. Đây cũng là giai đoạn những người quản lý đội bóng bận rộn nhất để làm sao tạo được một tập thể cầu thủ đội bóng thống nhất “đạn bắn không thủng”. Tất nhiên, để làm tốt điều này thì những người quản lý cần phải coi đó là tiền (mấu chốt của vấn đề) để “đả thông” tư tưởng cho cầu thủ vào giai đoạn nhạy cảm nhất. Vì mới đây nhất, trong cuộc đua vô địch, giới thạo tin đang rộ lên luồng thông tin cho rằng ông chủ của Bình Dương và HN T&T sẽ bung tiền thưởng cho các cầu thủ và đội bóng với số tiền từ 8 tỷ đến 10 tỷ đồng nếu như giành chức vô địch. Tất nhiên, người trong cuộc là ông Cao Văn Chóng (Tổng Giám đốc Công ty CP bóng đá Bình Dương) và “bầu” Đỗ Quang Hiến (Chủ tịch Tập đoàn T&T) đã trả lời báo chí “không lấy tiền thưởng ra để gây sức ép với cầu thủ”. Nhưng tất nhiên, không có lửa làm sao có khói. Vấn đề bung “tiền tấn” của các ông chủ đội bóng có thật hay không chỉ tương lai mới phán xét được. Nhưng điều này cho thấy tiền là “doping quý” tạo sự kích thích cho cầu thủ ra sân thi đấu. Vấn đề này tất nhiên không mới, vì ở mùa giải 2013 bầu Thụy (SGXT) từng gây sốc với tuyên bố thưởng nóng 8 tỷ đồng và hơn thế nữa cho đội bóng vô địch trong cuộc cạnh tranh với HN T&T. Để khích lệ tinh thần thi đấu, đích thân các cầu thủ đá chính được ông bầu gọi vào phòng riêng để phát tiền gọi là tạm ứng trước. Nhưng rốt cục các cầu thủ SGXT đã bị tiền đè để thi đấu không đúng sức lực của mình nên kết quả cuối cùng HN T&T vẫn vô địch. Và đây có lẽ là nguyên nhân chính để bầu Thụy chán dần bóng đá và giải thể đội bóng năm 2013.

3. Giai đoạn cuối mùa giải là giai đoạn của tiền. Điều này là đúng. Tiền để đội bóng thanh toán hết các khoản cho cầu thủ như lương bổng và tiền để “đặt chỗ” cho những cầu thủ ưng ý cho mùa sau, tiền để ngoại giao cho các đối tác…. Đối với các đội bóng đại gia thì không sao, miễn là ông bầu chịu chơi và “sướng” nhưng với những đội bóng nhà nghèo thì cả là một vấn đề. Đây cũng là giai đoạn các cầu thủ cần phải có “tiền tươi thóc thật” để ra sân thi đấu. Vì nhiều bài học cho thấy giữa lời hứa (của ông chủ, đội bóng) và cầu thủ là khoảng cách khá xa khi rất nhiều cầu thủ đã không nhận được tiền khi mùa bóng kết thúc và cầu thủ cũng không thể kêu ca cùng ai. Nên sẽ có những trường hợp cầu thủ đình công không ra sân là vì vậy. Chính vì vậy mà bóng đá Việt Nam suy cho cùng đang ở mức nghiệp dư khoác áo chuyên nghiệp mà thôi.

Đại Nghĩa

Đề phòng củi lửa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO