Đề phòng dịch bệnh mùa hè

14/05/2014 09:20

(Baonghean) - Hiện nay, công tác phòng chống các dịch bệnh mùa hè đang được các cấp ngành tập trung, chủ động tiến hành với nhiều biện pháp tích cực. Tuy nhiên, để phòng chống dịch bệnh thành công thì điều quan trọng nhất vẫn phải là ý thức phòng bệnh, tự bảo vệ của người dân. Các địa phương, tổ chức đơn vị, trường học và mọi người dân cần thực hiện tốt các lưu ý, khuyến cáo từ cơ quan y tế.

Lễ phát động rửa tay bằng xà phòng ở huyện Diễn Châu.
Lễ phát động rửa tay bằng xà phòng ở huyện Diễn Châu.

Mùa hè, khí hậu nóng ẩm tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển, vì thế đây cũng là mùa dịch bệnh bùng phát, nhất là các bệnh truyền nhiễm cấp tính ở trẻ em, do sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện... Là mẹ của hai con 1 tuổi và 4 tuổi nên chị Đinh Thị Anh Hoài, xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên hết sức lo lắng cho sức khỏe của 2 con. Chị Hoài cho biết: Hai vợ chồng chưa có nhà riêng, phải đi thuê phòng ở khu tập thể. Phòng chật chội, nóng bức, cháu lớn bị rôm sảy nhiều. Từ đầu mùa nắng vợ chồng lắp thêm máy điều hòa nhiệt độ, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ gọn gàng để đảm bảo thoáng mát. Các lùm cây, vũng nước xung quanh nhà được phát quang và lấp kín để tránh ruồi muỗi. Chuyện ăn uống cho các cháu cũng được quan tâm hơn. Mùa hè về, lo nhất là nguy cơ bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, rối loạn tiêu hóa…

Phòng bệnh mùa hè, trường mầm non phường Hà Huy Tập (với hơn 900 trẻ) đã áp dụng nhiều biện pháp: duy trì tổng vệ sinh môi trường lớp học như lau rửa sàn nhà, lau bàn ghế, đồ chơi bằng dung dịch Cloramin B 2% hoặc bằng xà phòng. Đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn phụ huynh, đặc biệt là học sinh thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: vệ sinh răng miệng; rửa tay sạch sẽ trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, thực hiện ăn chín, uống sôi để hạn chế các bệnh lây theo đường tiêu hoá trong đó có bệnh tay chân miệng. Ở các lớp học đều được lắp máy điều hòa nhiệt độ, bố trí thoáng mát. Cô Hoàng Thị Thanh Nhàn, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Các giáo viên của trường thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của các cháu để thông báo, khuyến cáo cho phụ huynh điều trị kịp thời khi có dấu hiệu xuất hiện bệnh ở trẻ. Mới đây, nhà trường còn tổ chức Hội thi Sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ với sự tham gia của nhiều cô giáo, học sinh và phụ huynh. Hội thi nhằm nâng cao kiến thức cho mọi người, từ đó, thực hiện tốt hơn việc chăm sóc cho trẻ.

Theo bác sỹ Đặng Hữu Cường, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế Thành phố Vinh: Thời gian qua, ở thành phố Vinh, bệnh sởi bùng phát mạnh. Bên cạnh đó, xuất hiện một số dịch bệnh khác như tay chân miệng và thủy đậu. Tuy nhiên chỉ dừng lại ở mức độ tản phát, chưa tập trung thành dịch. Theo báo cáo từ các trạm y tế xã thì từ đầu năm đến nay, Thành phố Vinh đã ghi nhận 1 trẻ mắc tay chân miệng và 50 trẻ bị thủy đậu, chưa có trẻ mắc sốt xuất huyết. Thông tin từ Sở Y tế Nghệ An các huyện thị khác trong tỉnh, tình hình dịch bệnh cũng xảy ra ở mức độ tương tự; đã có trẻ mắc bệnh tay chân miệng thông thường, chưa phát hiện bệnh do vi - rút nguy hiểm EV 71 gây ra; có 3 bệnh nhân nghi mắc sốt xuất huyết (qua kiểm tra xét nghiệm, cho kết quả âm tính).

Có mặt tại Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, theo ghi nhận của phóng viên: Trong số hơn 500 trẻ đến khám ở đây mỗi ngày có rất nhiều trẻ có các triệu chứng liên quan đến bệnh dịch mùa hè như: viêm da, ho, sốt, tiêu chảy. Trao đổi với bác sỹ Lâm Văn Trà - Phó khoa Khám bệnh được biết: Số lượng trẻ mắc tay chân miệng, thủy đậu không nhiều và xuất hiện rải rác từ đầu năm tới nay. Hầu hết đều mắc ở mức độ nhẹ nên bệnh viện kê đơn, hướng dẫn điều trị tại nhà, tại trạm y tế. Điều đáng lưu ý là số lượng trẻ mắc bệnh dịch mùa hè như viêm phổi do virus, viêm đường hô hấp tăng, chiếm tới ½ số lượng tới khám. Bác sỹ Trà nhận định: Trong các dịch bệnh mùa hè thì thủy đậu xuất hiện nhiều hơn năm trước. Khi các đợt nắng nóng gay gắt xuất hiện, kéo dài thì dịch bệnh mùa hè nhất là ở trẻ em và người già sẽ bùng phát.

Tiêm phòng chống dịch bệnh cho trẻ tại Trạm Y tế xã Hưng Lộc,  TP. Vinh.
Tiêm phòng chống dịch bệnh cho trẻ tại Trạm Y tế xã Hưng Lộc, TP. Vinh.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 17.410 ca mắc tay chân miệng, 16.380 trường hợp mắc bệnh thủy đậu tại hầu hết các tỉnh, thành phố phía Nam. Số trường hợp mắc tăng hơn so với cùng kỳ năm 2013 (7.900 trường hợp). Ở 11 tỉnh, thành phố miền Trung đã ghi nhận hơn 1.000 ca sốt xuất huyết; 1.133 ca bệnh tay chân miệng và 20 ca viêm não vi- rút, não mô cầu, trong đó có một người chết… So với các địa phương khác, ở Nghệ An, mô hình bệnh tật hiện ít đa dạng hơn và mức độ nguy hiểm ít hơn. Tuy vậy, không vì thế mà tỉnh chủ quan, đặc biệt trong thời điểm này dịch sởi vẫn còn đang rất “nóng”. Với quyết tâm không để “dịch chồng lên dịch”, UBND tỉnh Nghệ An có Công văn số 3013/UBND-VX, ngày 9/5/2014 yêu cầu Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện thành phố thị xã và các ngành liên quan tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay, chân, miệng, sốt xuất huyết. Bác sỹ Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho hay: Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, trong ngày 9/5/2014, ngành Y tế Nghệ An cũng đã có công văn yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn phối hợp với các trung tâm y tế để tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết để thực hiện cách ly, điều trị kịp thời, xử lý triệt để các ổ dịch, không để bùng phát ra cộng đồng; các bệnh viện đảm bảo nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế để tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân; triển khai chiến dịch truyền thông rửa tay bằng xà phòng – hưởng ứng phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân; Ngày ASEAN Phòng, chống sốt xuất huyết…

Dịch bệnh mùa hè đều là bệnh truyền nhiễm dễ lây lan, nếu không kịp thời phát hiện, cách ly các trường hợp mắc bệnh thì vi-rút sẽ rất dễ phát tán và lây sang người khác. Nếu người dân không có ý thức tự bảo vệ mình và người thân trong gia đình thì rất khó để ngăn chặn các dịch bệnh nguy hiểm lây lan. Bác sỹ Lâm Văn Trà, Phó khoa Khám bệnh Bệnh viện Sản nhi khuyến cáo: Bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế, người dân cần tích cực hơn nữa trong công tác phòng, chống các dịch bệnh mùa hè như thực hiện tiêm chủng đối với những bệnh có thể phòng được bằng cách tiêm chủng... Ngoài ra, vào đầu mùa hè, nhiệt độ môi trường bắt đầu tăng cao, để phòng bệnh lây lan, người dân cần để nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, mở cửa nhưng bảo đảm không bị gió lùa nhằm tránh tồn lưu vi - rút trong môi trường. Các bệnh chưa có vắc-xin phòng ngừa như tay chân miệng, sốt xuất huyết, người dân thực hiện nghiêm khuyến cáo của ngành Y tế trong việc phòng bệnh, trong đó chú ý vệ sinh cá nhân và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và lúc cho trẻ ăn, bế ẵm trẻ, thay tã... Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác. Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.

Thanh Sơn

Mới nhất

x
Đề phòng dịch bệnh mùa hè
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO