Để sản phẩm mây tre đan vùng cao thành hàng lưu niệm

17/08/2015 10:38

(Baonghean) - Với các bà con dân tộc Thái, Khơ Mú ở huyện Quế Phong, đan lát mây tre là nghề truyền thống. Từ những cây mây mọc trong rừng sâu, dưới bàn tay khéo léo của chị em phụ nữ, các sản phẩm như ép đựng xôi, mẹt, thúng, mâm, tủ, ghế... lần lượt ra đời nhằm phục vụ đời sống hàng ngày. Ở huyện Quế Phong, rất nhiều người giữ được nghề đan. Nhiều năm trước, ông Lô Hải Truyền, ở bản Na Ngá, xã Mường Nọc, chỉ đan mây làm ra các vật dụng cho gia đình, cũng như tặng cho con cháu. Nhưng đến năm 2010, ở Lễ hội Đền Chín Gian, các sản phẩm mây tre đan do ông làm được trưng bày tại gian hàng giới thiệu sản phẩm địa phương. Tại đây, du khách rất thích thú các sản phẩm mây tre đan tinh xảo do ông làm ra và đặt hàng số lượng lớn.

Ông Truyền cho biết: “Khách trong huyện, trong tỉnh, ngoài tỉnh đến đặt hàng mây tre đan làm quà tặng rất nhiều, có dịp làm không kịp. Nghề mây tre đan đã cho tôi thu nhập 6 - 7,5 triệu đồng/tháng. Một chiếc ghế mây có giá từ 100 -150 ngàn đồng hay một cái mâm mây có giá lên đến 1,5 – 2 triệu đồng. Chính vì thế những sản phẩm từ mây đan khó cạnh tranh với thị trường. Thứ đến, quy mô sản xuất của gia đình và các hộ lân cận còn nhỏ nên sản xuất không đáp ứng nhu cầu đặt hàng.

Thiếu nguyên liệu sản xuất cũng là lý do khiến làng nghề đan lát nức tiếng Na Nhắng, xã Tiền Phong (Quế Phong) rơi vào nguy cơ mai một. 55 hộ dân Khơ Mú ở bản Na Nhắng đều có kỹ thuật đan rất tốt với những bí quyết gia truyền riêng về cách chọn mây, cách phơi mây. Những năm trước, khi cây mây rừng còn dễ tìm, hàng mây tre đan của Na Nhắng sản xuất nhiều, bán chạy đã giúp cho bà con tăng thu nhập. Nhưng giờ đây, mây non trong rừng không mọc kịp nên sản phẩm làm ra ngày càng ít.

Bà Cụt Thị Tuyết (bản na Nhắng, xã Tiền Phong) với các sản phẩm mây tre đan.
Bà Cụt Thị Tuyết (bản na Nhắng, xã Tiền Phong) với các sản phẩm mây tre đan.

Ông Nguyễn Đình Kiệm, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, cho biết: “Năm 2011, UBND xã thí điểm cung cấp hơn 2.000 cây mây nếp giống cho 6 hộ dân trồng và chăm sóc. Việc trồng mây nhằm giải quyết tình trạng phụ thuộc nguyên liệu từ rừng của bà con. Thế nhưng, do không chăm sóc tốt nên những cây mây trồng chỉ còn vài gốc cằn cỗi”.

Còn tại huyện Tương Dương, việc trồng mây nhằm tạo nguồn nguyên liệu cho nghề đan lát đã được các cấp, ngành quan tâm. Cách đây vài, ba năm, lãnh đạo huyện miền núi này đã ra tận Thái Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc để tham quan học hỏi và lấy giống mây. Cây mây trồng hợp với vùng đất Tương Dương, cơ bản đã cung ứng được phần nào nguyên liệu cho người sản xuất. Đến năm 2014, huyện đã thành lập được 1 hợp tác xã, 2 nhóm hộ dân sản xuất mây tre đan ở các xã Tam Đình, Yên Na và Yên Hòa. Các sản phẩm mây tre đan ở các tổ hợp này làm ra cơ bản tiêu thụ tốt, không để tồn đọng.

Mặc dù vậy, sản phẩm mây tre đan ở Tương Dương chưa trở thành mặt hàng lưu niệm, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Dẫu có nhiều cố gắng nhưng mây tre đan chưa vượt qua được các trở ngại: Giá thành sản phẩm cao; số lượng sản xuất ra chưa nhiều; khi doanh nghiệp đặt hàng với số lượng lớn thì nguyên liệu không cung ứng đủ; cùng đó, chưa có đầu ra ổn định lâu dài nên người dân vẫn đan lát theo kiểu tự nhiên “thích đan cái gì thì đan”, chưa có tổ chức từ thiết kế mẫu mã, sản xuất và tiêu thụ.

Bao giờ mây tre đan thành sản phẩm lưu niệm ở các điểm du lịch và đem lại hiệu quả kinh tế cao? Ông Lương Thanh Hải, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho rằng: Để nghề mây tre đan vùng cao phát triển, tạo sản phẩm phục vụ du lịch, bà con nhân dân cần tích cực trồng mây để chủ động nguồn nguyên liệu; phải đẩy mạnh giới thiệu, kết nối giữa người sản xuất với các doanh nghiệp kinh doanh, các tour du lịch...

Thanh Sơn

Mới nhất

x
Để sản phẩm mây tre đan vùng cao thành hàng lưu niệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO