Để tăng giá trị xuất khẩu hàng nông sản

26/05/2015 14:45

(Baonghean) - Trong thời gian qua, tiêu thụ nông sản đối mặt với nhiều thách thức, sản phẩm nông, lâm và thủy sản xuất khẩu giảm, ảnh hưởng đến tổng kim ngạch chung của tỉnh. Bởi vậy, nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản đang là vấn đề đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Nông nghiệp và Công thương.

Khả năng cạnh tranh thấp

Qua khảo sát thực tế trên địa bàn tỉnh cho thấy, phần lớn các cơ sở chế biến nông sản ở dạng thủ công. Các sản phẩm chế biến đa số có giá trị kinh tế thấp, thương hiệu chưa mạnh, dẫn đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa chế biến nông, lâm, thủy sản trên thị trường chưa cao. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chưa hợp lý: đa phần là hàng hóa sơ chế, còn ít sản phẩm công nghiệp chế biến tinh có giá trị lớn, chủng loại hàng hóa xuất khẩu đơn điệu, ít xuất hiện mặt hàng mới với kim ngạch cao.

Mặc dù trong nội ngành công nghiệp chế biến, giá trị sản xuất lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản có bước tăng trưởng đột biến, đặc biệt là sản xuất thực phẩm, đồ uống (sữa); sản xuất sản phẩm gỗ và lâm sản, sản phẩm cao su. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản từ 55,5% (năm 2010) tăng lên chiếm 61,5% (năm 2014) trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Thế nhưng hàng hóa xuất khẩu được sản xuất tại Nghệ An còn khiêm tốn, chỉ đạt xấp xỉ ngưỡng 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ngô được nhập từ Lào về Nghệ An.
Ngô được nhập từ Lào về Nghệ An.

Trong thực tế, việc xuất khẩu hàng nông sản hiện nay đang vướng vòng luẩn quẩn: Có những sản phẩm, vùng nguyên liệu dồi dào thì gặp khó do công tác chế biến, đầu ra cho sản phẩm. Còn với các sản phẩm có thị trường thì vùng nguyên liệu không đáp ứng, quy mô hàng hóa nhỏ, giá thành cao. Ví như chè Nghệ An đã từng bước đạt chất lượng, vệ sinh ATTP, vùng nguyên liệu đảm bảo nhưng khâu chế biến được đánh giá là chưa đáp ứng yêu cầu thị trường, nhất là thị trường châu Âu.

Ngay như Công ty TNHH một thành viên ĐTPT chè nghệ An là doanh nghiệp mạnh về sản xuất chế biến và xuất khẩu chè trên địa bàn tỉnh nhưng hiện nay vẫn gặp khó khăn trong các công đoạn tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ông Hồ Viết An, Giám đốc công ty cho biết: Hiện nay doanh nghiệp gặp khó khăn do quỹ đất không còn nhiều để mở rộng diện tích, nguyên liệu chè không đủ để đáp ứng công suất chế biến, trong khi đó, trên địa bàn có nhiều cơ sở chế biến trên một vùng nguyên liệu…

Lạc nhân, mặt hàng xuất khẩu truyền thống của các doanh nghiệp Nghệ An nhưng thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu giảm khá mạnh. Năm 2010 có 10 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp với kim ngạch đạt trên 3,8 triệu USD, sang thị trường Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc. Nhưng năm 2013 chỉ đạt 0,143 triệu USD, năm 2014 đạt 0,29 triệu USD. Năm nay chưa đến thời điểm xuất khẩu nhưng theo nhận định tình hình xuất khẩu vẫn chủ yếu qua đường tiểu ngạch, dù lạc được mùa, được giá.

Lãnh đạo một doanh nghiệp tư nhân có kinh nghiệm trong xuất khẩu lạc ở Diễn Châu chia sẻ: Một thời lạc sen Nghệ An là thương hiệu được nhiều thị trường như Indonesia, Thái Lan, Malaysia ưa chuộng, nhưng sau đó vì tư duy làm ăn chụp giật của một số hộ dân vì muốn tăng lợi nhuận đã ủ nước, khiến sản phẩm chất lượng kém, có những lô hàng xuất sang đối tác bị nảy mầm. Thêm vào đó, giá thành lạc Nghệ An cao hơn những địa phương khác, không cạnh tranh được về giá ở thị trường ASEAN, khiến chúng ta mất dần thị trường. Hiện nay, lạc Nghệ An chủ yếu xuất tiểu ngạch qua Trung Quốc nên giá cả, số lượng khá bị động.

Phân loại lạc ở Diễn Thịnh (Diễn Châu)
Phân loại lạc ở Diễn Thịnh (Diễn Châu)

Hay như sản phẩm dứa, thời điểm Nhà máy Nước dứa cô đặc Quỳnh Lưu của Công ty CP Nafoods Group mới được thành lập, vùng nguyên liệu dứa phát triển nhanh, tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động không hiệu quả, vùng nguyên liệu bị thu hẹp, diện tích dứa nguyên liệu giảm dần. Năm 2010, diện tích dứa nguyên liệu của tỉnh là 1.275 ha, năm 2014 giảm còn 1.077 ha. Hiện nay, doanh nghiệp đã trở lại hoạt động nhưng vẫn chưa thu mua hết sản phẩm cho nông dân. Người trồng dứa ở Tân Thắng, Quỳnh Thắng, Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu) không vui mặc dù dứa được mùa, sản lượng đạt từ 25 – 27 tấn/ha, tăng từ 3 – 7 tấn so với vụ trước, song giá dứa thấp hơn so với năm trước, có thời điểm chỉ từ 350 - 400 nghìn đồng/tạ. Ông Nguyễn Xuân Dinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết, toàn huyện hiện có gần 600 ha dứa. Để hạn chế điệp khúc “được mùa, mất giá”, các ban, ngành của huyện đang tích cực chỉ đạo các xã miền núi có vùng thâm canh cây dứa rà soát lại toàn bộ diện tích, đồng thời khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích, gây ra tình trạng dư thừa sản phẩm, cung vượt quá cầu.

Ngoài ra, nhiều mặt hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp vẫn còn phụ thuộc vào nguồn hàng ngoại tỉnh như tinh bột sắn, cao su, gạo tẻ, nguyên liệu chanh leo, sản phẩm gỗ) và thị trường ngoài nước. Sắn và tinh bột sắn là nhóm sản phẩm xuất khẩu đứng thứ 2 (sau dăm gỗ) của tỉnh, năm 2014 đạt 125.000 tấn, tăng 77,5%, đạt kim ngạch 53 triệu USD, nhưng trên 70% kim ngạch của sản phẩm này là khai thác ngoại tỉnh. Tương tự, mặt hàng cao su xuất khẩu chủ yếu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc và 90% kim ngạch của mặt hàng này là thu gom ngoại tỉnh.

Liên kết để nâng giá trị nông sản

Diễn biến xuất khẩu hàng nông, thủy sản vừa qua là rất đáng lo ngại, nhiều sản phẩm vừa có dấu hiệu thừa – thiếu về cung và khó nâng cao khả năng cạnh tranh. Do đó, để từng bước đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến và sản phẩm có giá trị gia tăng cao, còn rất nhiều vấn đề đặt ra cho 2 ngành Nông nghiệp và Công thương. Ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, sản phẩm nông nghiệp của Nghệ An cái gì cũng có nhưng chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún; công nghệ chế biến chưa đáp ứng yêu cầu.

Vì thế, để tăng nhanh giá trị xuất khẩu hàng nông sản, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, đưa KHCN vào sản xuất, chế biến, cần phải rà soát sản phẩm gì, theo hướng nào, nội tiêu hay xuất khẩu để có định hướng cụ thể. Nhất thiết phải rà soát lại quy hoạch, tiếp tục xây dựng các vùng chuyên canh cây công nghiệp tập trung như mía, chè, sắn, cao su… phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng được nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Song song với đó là tăng cường công tác quản lý và thực hiện đúng quy hoạch, tránh tình trạng chạy theo phong trào, khi sắn được thì chặt mía trồng sắn và ngược lại. Mục tiêu đến năm 2020, tăng thêm nguồn hàng phục vụ nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.

Còn ông Võ Minh Tuấn, Phó phòng quản lý XNK, Sở Công Thương cho rằng: Khi hiệp định thương mại tự do được thực thi, bên cạnh những khó khăn thì cũng có không ít cơ hội mở ra cho nông sản của chúng ta. Các doanh nghiệp có thể mở rộng thị phần vào các thị trường; được hưởng lợi từ một số loại thuế được miễn giảm. Tuy nhiên, để đáp ứng được thị trường khó tính, cần phải nghiên cứu kỹ thói quen tiêu dùng, thị hiếu của khách hàng để tổ chức sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường. Và một yếu tố rất quan trọng là phải xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng tầm giá trị sản phẩm nông sản.

Trong thực tế, giữa 2 ngành Nông nghiệp và Công thương, từ trước tới nay đang “mạnh ai nấy lo”, vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Chính vì vậy, hội nhập vào thị trường rộng lớn càng đòi hỏi các ngành “ngồi lại với nhau” để cùng bàn chiến lược cho tăng trưởng, gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ, khi đó, lợi ích kinh tế được nâng lên cùng với sự hưởng lợi của các doanh nghiệp và người nông dân...

Thu Huyền

Số liệu tổng hợp từ Sở Công Thương: 5 tháng đầu năm 2015, tổng kim ngạch hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt 122,6 triệu USD, trong đó, nông sản đạt khoảng 53 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ (5 tháng đầu năm 2014, kim ngạch nông sản đạt 56,2 triệu USD). Cụ thể: dăm gỗ đạt trên 38 triệu USD, sắn và tinh bột sắn xuất khẩu 43,8 tấn, đạt kim ngạch 8,1 triệu USD; nước hoa quả trên 1.000 tấn, kim ngạch xấp xỉ 3,8 triệu USD; chè 877 tấn, kim ngạch gần 2 triệu USD; các sản phẩm nông sản khác như cà phê, hạt tiêu, hoa hồi chỉ từ 100 - 600 USD.

Mới nhất
x
Để tăng giá trị xuất khẩu hàng nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO